Tiếng Việt | English

03/06/2017 - 21:17

Mang con chữ đến với trẻ em Việt kiều Campuchia

Những năm gần đây, số gia đình người Việt từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia) về sinh sống trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Tất cả đều không có giấy tờ tùy thân, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm mướn và bán vé số nên hoàn cảnh rất khó khăn. Trong số đó, có nhiều em nhỏ trong độ tuổi đến trường nhưng không có sổ hộ khẩu, giấy khai sinh nên không được cắp sách như bạn bè cùng trang lứa. Để mang con chữ đến với trẻ em Việt kiều, chiến sĩ biên phòng, giáo viên các trường học và những người có tâm huyết lập nên những lớp học tình thương nơi biên giới, giúp các em biết được những con chữ, làm được những phép toán cơ bản.

Gia đình các em phần nhiều neo cặp các tuyến kênh

Ngoan hiền, biết vâng lời

Trở lại lớp học tình thương dành cho trẻ em Việt kiều Campuchia ở thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vào một buổi chiều muộn, một lớp học có lẽ là đặc biệt nhất, chúng tôi nhận thấy, lớp học tập trung các em đủ mọi lứa tuổi, có trường hợp nhà có 3 anh em học chung một lớp. Khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, không ai nhắc nhở ai, tất cả các em đều đứng dậy khoanh tay: “Chúng con chào chú!”.

“Gần 2 năm trôi qua, số học sinh ngày nào vẫn còn đó nhưng những tiếng chửi thề, những vụ đánh nhau không còn xuất hiện trong lớp học. Thay vào đó, các em luôn vâng dạ, lễ phép và nghe lời thầy cô” - Đó là nhận xét của thầy giáo tình nguyện Trần Ngọc Bảo, người gắn bó với lớp học từ khi lớp mới được thành lập.

Thầy Bảo nhớ lại: “Chúng tôi không sao quên được những buổi học đầu tiên của các em. Vốn là những đứa trẻ bán vé số, bưng bê,… hầu như em nào cũng lao động và có “máu giang hồ”. Nói chuyện với nhau, dù là bình thường, chúng cũng vẫn đệm vào những tiếng chửi thề. Ngồi một lát, lại tìm cách gây sự với bạn bên cạnh rồi chửi nhau, đánh nhau,...”.

Mạnh thường quân tặng quà cho lớp cho các em học tình thương tại thị trấn Tân Hưng

Em Nguyễn Văn Phụng, 17 tuổi, từ khi đến với lớp học tình thương mới được các thầy, cô giáo dạy cách cầm bút, viết những nét chữ đầu tiên.

Gia đình rất nghèo, hàng ngày, Phụng phải đi phụ việc ở một quán cơm trên địa bàn thị trấn, đến chiều, em và bao đứa trẻ Việt kiều khác tíu tít đến lớp học đánh vần, luyện từng nét chữ. Chỉ trong thời gian ngắn, Phụng biết đọc, biết viết.

Anh Nguyễn Văn Cường, cha của Phụng phấn khởi nói: “Gia đình khó khăn nên tôi rất sợ các con sau này không biết chữ sẽ cực khổ như vợ chồng chúng tôi. Nay cháu biết đọc, biết viết, chúng tôi cố gắng lo cho cháu học hành đàng hoàng để có tương lai tốt hơn”.

Còn ông Phạm Văn Bởi, chủ quán ăn nơi Phụng làm việc, nhận xét: “Người nhỏ nhắn, có tật hở hàm ếch bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình cháu Phụng khó khăn, qua hơn 1 năm phụ giúp gia đình tôi buôn bán, tôi thấy cháu rất cần cù, siêng năng, ngoan hiền, biết vâng lời”.

Cần sự chung tay của xã hội

Không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ cho các em, lớp học còn trở thành điểm tựa cho chính những hộ gia đình Việt kiều này. Để khích lệ tinh thần học tập của các em, thời gian qua, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện trao tặng các em và gia đình những phần quà ý nghĩa, trị giá hơn 150 triệu đồng. Đó là sách vở, dụng cụ học tập, những gói mì, túi gạo, áo quần,…

Mạnh thường quân tặng quà cho lớp cho các em học tình thương tại thị trấn Tân HưngBà Nguyễn Thị Tuyết, phụ huynh của một học sinh trong lớp, tâm sự: “Vì hoàn cảnh gia đình mà con cháu chúng tôi phải chịu thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa. Đời ông, đời cha mù chữ, giờ đến đời con cũng có nguy cơ như vậy. May mà có lớp học tình thương này cho con cháu chúng tôi đến học, thỏa cái mong ước bao đời của chúng tôi!”.

Chủ tịch UBND thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Ngoài việc dạy các em biết đọc, biết viết, làm được những phép tính đơn giản, các thầy, cô giáo còn dạy các em cách cư xử lễ phép với người lớn. Để hỗ trợ lớp học, địa phương cho sửa chữa lại trụ sở khu phố, xin bàn ghế, bảng đen cũ ở các trường về cho các em học tập, vận động các thầy, cô giáo tự nguyện đến giúp đỡ giảng dạy, còn dụng cụ học tập thì vận động mạnh thường quân hỗ trợ”.

Nhìn thấy ánh mắt rạng ngời, nụ cười giòn giã, những lúc cúi đầu chào đầy lễ phép của các em khi thấy có người vào thăm lớp học mà chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Đây không chỉ là lớp học đơn thuần mà còn là cả một gia đình đầy tình yêu thương./.

Lớp học này do UBND thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng phối hợp ngành giáo dục huyện tổ chức từ tháng 10/2015 cho các em là con của những hộ Việt kiều từ Campuchia trở về nước. Hiện tại, lớp có 34 em theo học, trong đó, lớp 1 có 17 em, lớp 2 có 17 em.

Lớp học chủ yếu dạy Toán và Tiếng Việt, những môn học này giúp các em biết đọc, biết viết, biết tính toán. Đặc biệt với lớp học này, các em được tặng sách vở, dụng cụ học tập và sẵn sàng nhận các em vào học bất cứ lúc nào và không phải đóng học phí.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết