Tiếng Việt | English

04/10/2016 - 10:51

Mang vị quê nhà qua đất khách

Họ là những người từ xa đến Long An lập nghiệp. Mến khách, mến người, họ chọn nơi đây làm chốn dừng chân nhưng vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê hương. Rồi họ biến nỗi nhớ ấy thành nghiệp mưu sinh, chọn đặc sản quê mình làm hàng hóa bán buôn ở nơi đất khách.

1.Từ TP.Tân An theo Quốc lộ 62 về hướng Đồng Tháp Mười, vừa qua cầu Rạch Chanh, thuộc ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, phía bên phải là quán mì Quảng - đặc sản Quảng Nam, của vợ chồng anh Phạm Thanh Vinh và chị Đinh Thị Phương Anh. Quán “mọc lên” gần nửa năm nay, mở cửa từ sáng sớm đến tối khuya.

Chị Phương Anh rời quê hương Quế Sơn (Quảng Nam) 9, 10 năm nhưng vẫn không quên được hương vị quê nhà. Công thức nấu mì Quảng như “ăn vào máu” chị. Anh Vinh kể, thời gian anh chị mở quán ở TP.HCM, có ngày bán được mấy trăm kilôgam bánh. Do điều kiện gia đình, anh chị về quê anh ở Thủ Thừa, việc buôn bán dừng lại, cứ nghĩ sẽ thôi không bán nữa. Vậy mà, nhớ nghề, nhớ quê quá, chị Phương Anh lại bàn với chồng dựng lên một quán đặc sản Quảng Nam ở Thủ Thừa.


Sau mấy năm “học nghề” từ vợ, giờ anh Vinh có thể tự tin chế biến một tô mì Quảng “đúng chuẩn”

Mì Quảng bán ở Long An, chị Phương Anh phải giảm gia vị cho bớt cay, bớt mặn để hợp khẩu vị người miền Nam. Hơn nửa năm nay, mì Quảng đồng hành cùng cuộc mưu sinh của gia đình, giúp anh chị đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Với chị, mỗi ngày nhóm bếp nấu nồi mì Quảng như gửi vào đó chút yêu thương về quê hương Quế Sơn mà đôi ba năm mới có dịp về thăm.

Hôm rồi, anh bạn người Quảng của tôi có dịp đi ngang quán mì Quảng của anh Vinh, chị Phương Anh đã dừng lại thưởng thức chút hương vị quê nhà giữa vùng đất lạ. Không phải nói, lúc về, anh đăng ngay bức hình tô mì Quảng lên facebook để khoe rằng anh đã được ăn đặc sản quê mình ngay trên đất Long An.

2.Cũng là người con xa quê, và cũng mang chút truyền thống gia đình làm phương tiện mưu sinh nơi đất khách, vợ chồng anh Bình, chị Tuyến ở ấp Bình Cang, xã Bình Quới, huyện Châu Thành gầy dựng cho mình thương hiệu “đậu hũ Bắc” rất riêng. Gian hàng của anh chị không có biển hiệu, chỉ là một chiếc tủ kính nhỏ kê trước nhà, trong để vài miếng đậu hũ mới ra lò. Vậy mà hầu như ai cũng biết đó là đậu hũ Bắc “chính hãng”.

Rồi người này rỉ tai người kia, đậu hũ Bắc của vợ chồng anh chị được nhiều người biết tới. Chị Tuyến kể, làm đậu hũ là nghề truyền thống của gia đình chồng chị. Hiện giờ, ngoài quê, ba mẹ chồng chị vẫn làm đậu bán mỗi ngày.

Vợ chồng chị rời Hưng Yên vào Long An làm nhà máy xay xát trên 10 năm. Khi nhà máy không còn làm ăn thịnh vượng như trước thì anh chị nghỉ việc. Trong lúc chưa tìm được việc làm, có thời gian rảnh, chị Tuyến làm vài mẻ đậu cho cả nhà ăn vì vợ chồng chị không quen vị đậu hũ trong Nam. Rồi chị tự hỏi, tại sao mình không làm bán thử? Vậy là hình thành “lò đậu hũ tại gia” ở Bình Quới, Châu Thành.

Mì Quảng bán ở Long An, chị Phương Anh phải giảm gia vị cho bớt cay, bớt mặn để hợp khẩu vị người miền Nam

Chị Tuyến nói, điểm khác biệt giữa đậu Bắc với đậu hũ trong Nam có lẽ là do nước đậu và chị cứ làm theo công thức gia truyền của nhà chồng từ trước đến nay. Rồi vợ chồng chị bày sữa đậu nành ra nấu ngay trước cửa nhà, thành phẩm cũng bán ngay trước nhà. Bao nhiêu công thức, quy trình chị bày ra đấy, người mua đậu nghé ngang nhìn vào cũng thấy.

Chị chia sẻ: “Mình cứ làm như làm cho nhà mình ăn vậy. Có gì phải giấu đâu!”. Cứ thế, tủ đậu hũ gia truyền của vợ chồng chị tồn tại mấy năm rồi, ở một vùng quê cách quê chị gần cả ngàn cây số.

Có thể vợ chồng anh Vinh, vợ chồng chị Tuyến không đạt thành công vang dội như chàng trai Bình Định bán bánh tráng cuốn đậu ở TP.HCM, có thể thu nhập của họ nằm mơ cũng không đạt tới con số 250 triệu đồng/tháng như anh sinh viên Nguyễn Đình Chính nhưng họ đã thành công. Thành công khi giới thiệu với người dân xứ khác món đặc sản quê nhà và họ đã sống được nơi đất lạ nhờ vào tình cảm thiết tha đối với quê hương, xứ sở mình./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết