Tiếng Việt | English

02/01/2020 - 11:00

Mạnh dạn “buông tay” để con khôn lớn

Bên cạnh những đứa trẻ dựa dẫm vào ông bà, cha mẹ thì cũng có những đứa trẻ rất tự tin, tự lập. Đó là kết quả của quá trình giáo dục lâu dài từ gia đình - môi trường đầu tiên và quan trọng giúp hình thành nhân cách của trẻ.

Không cần trở thành đứa trẻ xuất sắc

11 tuổi nhưng bé Nguyễn Hoàng Nguyên An, ngụ phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An có vẻ trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa. Không chỉ tự lập, An còn chu đáo, tỉ mỉ và biết quan tâm người khác dù là những chi tiết nhỏ. Vì thế, An luôn tạo được sự tin tưởng và an tâm từ cha, mẹ.

Nguyễn Hoàng Nguyên An có sở thích trình diễn thời trang

Nguyễn Hoàng Nguyên An có sở thích trình diễn thời trang

“Khi còn nhỏ, tôi đã dạy con những việc có thể tự làm theo độ tuổi. Giai đoạn con tự ăn được, tôi cho con tự bốc, dần dần dùng muỗng và cuối cùng là tập dùng đũa để ăn. Đó có thể là một giai đoạn gian nan nhưng vượt qua được thì kết quả rất xứng đáng. Lớn hơn một chút, tôi tập cho con tự làm những việc cá nhân như mặc quần áo, soạn đồ đi học, vệ sinh cá nhân, dọn phòng,... Tôi muốn con hiểu, những gì có thể làm được thì không nên nhờ người khác” - chị Hoàng Thị Lý - mẹ của An, chia sẻ về quan điểm và cách dạy con.

Bên cạnh dạy con tự lập, chị Lý còn thường xuyên kể về những tấm gương vượt khó của các bạn nhỏ cùng độ tuổi và cho con nói lên suy nghĩ của mình. Khi gặp những bé bán vé số, ăn xin, khuyết tật, chị Lý cũng chỉ con để con biết điều kiện sống của mình may mắn hơn các bạn rất nhiều nên phải cố gắng.

Nhờ rèn luyện được tính tự lập nên An có ý thức tự học tốt và không cần phải học thêm các môn văn hóa. Thay vào đó, chị Lý cho An học môn năng khiếu theo sở thích và sở trường của em. Chị Lý kể: “Tôi biết sở trường của con nhưng vẫn cho con tự lựa chọn môn học năng khiếu. Bởi, tôi luôn tôn trọng những gì con thích trong khuôn khổ cho phép. Con chọn múa và trình diễn thời trang. Vậy là hè, tôi cho con tham gia khóa học người mẫu ở TP.HCM. Ngoài ra, con cũng tham gia lớp múa vào các buổi tối trong năm học”.

Nhờ “bước ra” thế giới bên ngoài, tiếp xúc với nhiều người, quen bạn mới, được đi biểu diễn thời trang nên An tự tin trong giao tiếp và có thể thuyết trình trước đám đông. Nhờ sự trưởng thành, tự lập sớm nên An cũng có những sở thích không giống nhiều bạn bè đồng trang lứa. An không thích chơi điện thoại mà thích làm bánh, may đồ cho búp bê, làm hoa giấy, sáng tạo đồ chơi từ thùng giấy, đọc sách và phụ giúp mẹ những việc lặt vặt trong gia đình như quét nhà, rửa chén, nấu cơm, phơi đồ và chăm sóc em.

“Mình phải tạo điều kiện cho con phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Tôi không cần con phải trở thành đứa trẻ xuất sắc nhưng luôn hướng con trở thành đứa trẻ tự tin, tự lập, phát huy khả năng và hạnh phúc với những gì con đang thể hiện” - chị Lý bộc bạch.

Để con phát triển tự nhiên

Tập cho con tính tự lập, giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống là phương châm giáo dục con của anh Dương Quang Khương (36 tuổi), ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức.

Dù 2 con mới 10 tuổi và 6 tuổi nhưng anh Khương và vợ rất chú trọng dạy kỹ năng tự tin, tính tự lập. Theo đó, anh Khương dạy con tự làm những việc nhỏ, phù hợp với khả năng và lứa tuổi trong mọi việc từ sinh hoạt đến học tập. Anh Khương chia sẻ: “Tôi thường xuyên nhắc nhở vợ phải để con tự làm những việc của con. Trong việc học, con phải tự ngồi vào bàn học và làm bài tập của mình. Những bài tập khó, con không hiểu thì cha mẹ mới giải thích, hướng dẫn để con tự làm. Trong sinh hoạt, con có thể tự quyết định mua món đồ hay bộ quần áo mình thích, tự dọn đồ chơi, mặc quần áo,… Những việc trong khả năng của con, tôi không làm thay mà chỉ hướng dẫn, góp ý để con tự làm. Đặc biệt, tôi không bó buộc con phải theo một khuôn khổ nhất định mà luôn giúp con linh hoạt và sáng tạo trong mọi việc để con phát triển tự nhiên”.

Gia đình anh Dương Quang Khương

Gia đình anh Dương Quang Khương

Bên cạnh đó, vợ chồng anh Khương còn quan tâm dạy con các kỹ năng trong cuộc sống. Đó là kỹ năng giao tiếp với người lớn, người già, trẻ em, bạn bè, thầy cô; biết bơi, biết thoát hiểm và đề phòng người lạ,... “Tôi dạy con tất cả những kỹ năng quan trọng và cần thiết để con hình thành nhân cách tốt và biết tự bảo vệ mình khi không có người thân bên cạnh. Tất nhiên, chúng tôi chưa thể làm tốt tất cả nhưng sẽ tiếp tục đồng hành cùng con trong những bài học tự lập và kỹ năng sống. Bởi theo tôi, định hướng và dạy con biết tự lập từ nhỏ là rất quan trọng” - anh Khương chia sẻ thêm.

Khi cha mẹ mạnh dạn “buông tay”, những đứa trẻ sẽ hình thành được tính tự lập và phát triển tự nhiên. Đó cũng là “tài sản” vô giá mà cha mẹ dành cho các con thân yêu của mình./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết