Tiếng Việt | English

10/05/2019 - 15:02

Mất nhà thờ vì đất đã chuyển nhượng

Từng là nơi thờ cúng của dòng tộc nhưng sau khi người em mất, phần đất này được sang nhượng cho người cháu vợ đứng tên. Sau đó, người cháu vợ tiến hành dỡ toàn bộ nhà thờ họ của gia đình mà không tiến hành xây dựng lại như cam kết khiến các thành viên trong họ tộc bức xúc.

Phần đất có căn nhà thờ trước đây giờ đầy cỏ dại

Phần đất có căn nhà thờ trước đây giờ đầy cỏ dại

Không còn nhà thờ họ

Theo phản ánh của bà Lê Thị Xuân Hoàng, 68 tuổi, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An trước đây ba mẹ bà có thừa hưởng phần đất nhà thờ để sinh sống tại xã Bình Tâm, TP.Tân An, với diện tích hơn 3.000m2.

Sau khi các anh chị em ra riêng, phần đất này ba mẹ bà giao lại cho ông Đặng Văn Xồi sinh sống và quản lý. Năm 1985, ông Xồi qua đời, phần đất này do bà Nguyễn Thị Tiếng (vợ ông Xồi) đứng tên quản lý.

Tuy nhiên, đến năm 2016, bà Hoàng cùng anh em trong gia đình vô cùng bất ngờ khi nhà thờ của gia đình hàng chục năm qua do cha mẹ bà tạo dựng trước đây bị ông Lê Văn Lâm, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tiến hành tháo dỡ hoàn toàn.

“Qua tìm hiểu, anh em trong gia đình tôi mới biết được vào năm 2011, bà Tiếng đã tiến hành tặng toàn bộ diện tích đất của dòng họ cho ông Lê Văn Lâm. Trong đó, phần diện tích bà Tiếng tặng cho ông Lâm bao gồm toàn bộ diện tích đất ruộng trồng thanh long gần 0,6ha và cả phần đất có căn nhà thờ của gia tộc. Trong khi đó, khi tiến hành cho tặng phần đất nhà thờ tổ, bà Tiếng không hề bàn bạc hoặc thông qua anh em trong họ tộc” - bà Hoàng cho biết.

Bên cạnh đó, một số anh em trong thân tộc cũng cho rằng, điều bức xúc nhất là việc ông Lâm tiến hành tháo dỡ toàn bộ nhà thờ tổ, khiến việc thờ cúng của gia đình, dòng họ không thể thực hiện được trong 3 năm qua.

Trước việc ông Lâm được nhận chuyển nhượng đất từ bà Tiếng và tháo dỡ nhà thờ họ tộc, năm 2016, tập thể anh em trong gia đình bà Hoàng đồng loạt đứng tên khiếu nại đề nghị ông Lâm không được thực hiện việc sang nhượng phần đất nhà thờ họ tộc cũng như phải cất lại nhà thờ như cũ cho gia đình.

Vụ việc cũng được đưa ra hòa giải tại UBND xã Bình Tâm vào ngày 16/9/2016. Theo biên bản hòa giải thì phía họ tộc không có ý kiến về việc ông Lâm được nhận chuyển nhượng đất, nhưng yêu cầu ông Lâm phải xây dựng lại nhà thờ họ tộc và không được tiến hành sang nhượng phần đất nhà thờ này. Biên bản hòa giải này được 2 bên thống nhất và được Chủ tịch UBND xã Bình Tâm thời điểm đó là ông Trần Quang Sáng xác nhận.

Việc xây dựng lại nhà thờ họ tộc cũng được gia đình dòng họ và ông Lê Văn Lâm thống nhất ấn định sẽ xong trước Tết Nguyên đán 2017. Thế nhưng...

Đến nay vẫn là bãi đất trống

Tưởng chừng việc xây dựng lại nhà thờ họ của gia đình sẽ được thực hiện như cam kết, tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm, phần đất từng tồn tại căn nhà thờ họ của gia đình bà Hoàng cũng chỉ là bãi đất trống đầy cỏ dại cùng tấm bảng “Đất đang tranh chấp, không chuyển nhượng” do anh em bà Hoàng dựng lên nhằm ngăn cản việc chuyển nhượng phần đất này.

Theo ghi nhận của phóng viên, do lâu ngày không có người đến dọn vệ sinh, cỏ dại mọc um tùm, nơi căn nhà thờ trước đây từng tồn tại chỉ còn sót lại vài cây cọc bêtông đã cũ. Phía góc khu đất, một ít gạch đá được để sẵn từ lâu.

Theo bà Hoàng, trước đây khi thực hiện cam kết hòa giải, phía ông Lâm có tiến hành chở gạch, cát, đá đến để xây dựng lại căn nhà thờ. Tuy nhiên, phía ông Lâm chỉ dự định xây nhỏ, đơn giản và kéo ngôi nhà thờ về một góc của khu đất nên mọi người trong gia đình không đồng ý. Trong khi phía gia đình bà Hoàng đề nghị xây lại căn nhà thờ ở vị trí ban đầu. Cũng từ đó, đống gạch, đá dự định dùng để xây dựng lại nhà thờ bị bỏ trơ lại theo nắng mưa mấy năm qua.

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi gặp một số người dân sống cạnh khu đất này. Bà Phan Thị Anh - hàng xóm bên cạnh khu nhà thờ trước kia, cho biết: “Căn nhà thờ của dòng họ trước đây là căn nhà 3 gian, tuy cũ theo thời gian nhưng khá rộng. Mỗi dịp giỗ chạp là anh em trong gia đình bà Hoàng đều tổ chức cúng giỗ. Hàng xóm chúng tôi cũng đến phụ giúp. Nhưng năm 2016, ông Lâm đột nhiên cho người tới tháo dỡ căn nhà thờ và lấy đi tất cả đồ đạc mang về xã Vĩnh Công. Điều đáng nói, nhà thờ này ngoài thờ cúng tổ tiên, gia đình ông Xồi trước đây còn thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng và liệt sĩ. Không chỉ anh em trong gia đình phản đối, chúng tôi dù chỉ là hàng xóm cũng bức xúc. Từ khi tháo dỡ căn nhà thờ, chúng tôi cũng thấy ông Lâm nhiều lần dẫn người tới coi đất. Dù ông Lâm đứng tên hợp pháp sử dụng miếng đất này nhưng cũng không nên sang nhượng lại cho người khác vì đây là phần đất hương hỏa tổ tiên để lại”.

Trước sự việc kéo dài và nguy cơ mất phần đất hương hỏa cũng như căn nhà thờ, gia đình bà Hoàng nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng tại xã Bình Tâm và TP.Tân An nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Liên hệ với chính quyền địa phương, đại diện UBND xã Bình Tâm, TP.Tân An khẳng định, địa phương có nhận được đơn kiến nghị của gia đình bà Hoàng phản ánh việc tranh chấp liên quan đến khu đất và nhà thờ với ông Lâm.

Thời điểm phía bà Tiếng chuyển nhượng toàn bộ diện tích cho ông Lâm, địa phương đã làm đầy đủ thủ tục niêm yết công khai nhưng không thấy gia đình bà Hoàng phản đối. Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, địa phương nhiều lần giải thích về thủ tục, hồ sơ nhưng gia đình bà Hoàng không bổ sung theo quy định nên địa phương trả đơn theo đúng thủ tục. Đồng thời, qua trao đổi với gia đình bà Hoàng, địa phương cũng hướng dẫn phía gia đình bà Hoàng chuyển vụ việc qua tòa án để giải quyết theo đúng luật định.

Từ vụ việc này, rất mong chính quyền địa phương, các ngành chức năng TP.Tân An quan tâm giải quyết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết