Tiếng Việt | English

28/04/2017 - 14:25

Máu lửa ngày trước - Thanh bình hôm nay

42 năm đất nước hòa bình, phát triển nhưng các thế hệ hôm nay vẫn luôn nhớ về quá khứ oai hùng của ông cha, về những tháng năm gian khổ nhưng đầy oanh liệt để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Nhớ quá khứ, mỗi người dân Việt Nam càng phải biết trân quý những thành quả hôm qua và của ngày hôm nay, từ đó, cùng quyết tâm chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước.

Một thời gian khổ

Ông Võ Văn Phở (ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ): Những năm 1961-1975, khu vực gia đình tôi ở là đám rừng (gọi là khu Rừng Xanh Tân Phước), địch thường xuyên càn quét vào vùng cách mạng. Cha tôi tham gia quân giải phóng, hy sinh năm 1968 tại Sài Gòn, má tôi nuôi giấu cán bộ. Rồi một hôm, giặc đến nhà bắt má tôi tra tấn, nhưng bà nhất quyết không khai nên bị đày ra Côn Đảo. Lúc đó, tôi 14 tuổi cũng bị địch đánh rất dã man. Chúng nói: “Mày khai má mày nuôi giấu ai, tao thả liền.” Tôi chỉ nói “tôi không biết chi hết”. Nhờ vậy, nhiều cán bộ lãnh đạo thoát khỏi trận càn lúc đó”.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng ứng dụng công nghệ cao xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa

Ông Nguyễn Văn Bê (ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa): Cha tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Nhường, tham gia cách mạng năm 1948, làm liên lạc viên cho Ban Giao thông liên lạc huyện Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường. Ngày 06/02/1960, ông bị địch bắt tại Kênh Bùi, quận Kiến Bình và sau đó chúng thủ tiêu cha tôi. Trong suốt thời gian dài sau khi đất nước thống nhất, cha tôi vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Năm 2016, gia đình tôi vui mừng khi biết Đảng và Nhà nước có chủ trương xem xét hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng. Vậy là sự cống hiến, hy sinh của cha tôi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc được Nhà nước ghi nhận, đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình tôi.

Xây dựng quê hương

Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ - Mai Thanh Tân: Đến nay, xã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, các tuyến đường lớn ngang qua địa bàn xã (Đường tỉnh 832, Hương lộ 25 và Hương lộ Bần Cao) góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. 3 trường học của xã (tiểu học, THCS và mẫu giáo) đạt chuẩn quốc gia, đa số người dân đều có nước hợp vệ sinh sử dụng, gần 100% hộ có điện sinh hoạt. Đặc biệt, hàng năm, UBND xã vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo.

Chủ tịch UBND xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa - Phạm Vũ Cường: Trong chiến tranh, Thủy Đông là nơi địch thường xuyên càn quét. Cuộc sống người dân lúc đó hết sức khó khăn. Hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân chung tay xây dựng quê hương. Đến nay, Thủy Đông hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Dự kiến cuối năm 2017, tỉnh phúc tra công nhận xã văn hóa và năm 2018 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng/năm. Xã thí điểm xây dựng cánh đồng lúa ứng dụng công nghệ cao 50ha tại ấp Nước Trong đạt kết quả khả quan, dự kiến năm 2018 triển khai toàn xã với diện tích 400ha.

Một góc Khu công nghiệp Long Hậu. Ảnh: Ngọc Tuyên

Bí thư Đoàn xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An - Nguyễn Thanh Phúc: Biết ơn các thế hệ đi trước hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, Đoàn xã thường xuyên giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trong xã. Tuổi trẻ chung tay đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, thể hiện qua việc tập hợp thanh niên tham gia sinh hoạt, vui chơi kết hợp tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, pháp luật và truyền thống cách mạng của quê hương. Đặc biệt, gần 100 đoàn viên trong xã làm nòng cốt vận động thanh niên, nhân dân xây dựng nông thôn mới. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình thanh niên sản xuất giỏi, thanh niên sáng tạo. Sức trẻ chung tay để Hướng Thọ Phú phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã văn hóa, xã nông thôn mới năm 2017./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết