Tiếng Việt | English

27/02/2017 - 10:56

Mê tín dị đoan, bao giờ mới hết? Bài 2: Vẫn còn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày

Hiện nay, mê tín dị đoan (MTDĐ) tồn tại ở không ít địa phương, nhất là những nơi trình độ dân trí còn thấp, chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội.


Đi chùa là nét đẹp tâm linh nhưng lại biến tướng với nhiều biểu hiện mê tín như xin xăm, giải hạn 

Từ ma chay...

Vì MTDĐ, một số gia đình không may có người thân qua đời, họ thường tìm thầy xem ngày, giờ tốt mới tẩn liệm. Ông T.V.T, 76 tuổi, ngụ ấp An Hưng, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: "Trong việc tang còn quá nhiều nghi thức rườm rà, lại có biểu hiện MTDĐ. Tôi thấy một số gia đình có người thân mất, họ thường phải tìm thầy xem ngày, giờ tốt để tẩn liệm, chôn cất nên còn tình trạng đám tang diễn ra quá lâu ngày".

Còn những người trẻ như chị N.T.T, ngụ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc chia sẻ: "Nói về vấn đề MTDĐ, tôi từng chứng kiến rất nhiều, từ mua đất, xây nhà, cưới hỏi, thậm chí trong ma chay. Năm rồi, gần nhà tôi có ông cụ mất do bệnh tuổi già. Không hiểu con cháu đi coi, thầy phán thế nào mà đến ngày an táng, anh em, con cháu dứt khoát không cho người con trai út của ông cụ đưa tang cha vì lý do anh này kỵ tuổi. Tôi không biết thế nào là kỵ tuổi, phải kiêng cữ ra sao nhưng thấy cảnh, người con không được đưa cha mình đến nơi an nghỉ cuối cùng thì thật xót xa!".

Ngoài ra, vì MTDĐ nên khi có người thân mất, người nhà thường đi tìm đất tốt để chôn, rồi xem ngày, chọn giờ mới động quan, di quan, có khi quàn cữu tại nhà đến 5, 7 ngày, hàng xóm láng giềng phiền lòng mà người trong cuộc cũng mệt mỏi và tốn kém.“Ở các nước có nền văn minh tiên tiến, họ không quàn xác quá 48 giờ và không có cảnh đưa tang nào là hình tượng phước thần, ác thần, bàn hương rồi các đội kèn giải, kèn tây đi dài mấy trăm mét, đó là chưa kể đến sự phô trương nào là người hoặc xe thô sơ chở vòng hoa kéo thành hàng dài lê thê” - chị N.T.H.Đ, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa chia sẻ về biểu hiện MTDĐ trong ma chay sau nhiều năm học tập ở Mỹ trở về.

Một trong những hủ tục khác trong ma chay đó là hiện tượng rải vàng mã. Trao đổi cùng chúng tôi, ông L.T. K, ở khu phố 8, thị trấn Bến Lức nói rằng: "Thường xuyên đi làm trên Quốc lộ 1, mỗi khi gặp những đám tang rải vàng mã tứ tung trên đường, tôi cảm thấy khó chịu. Theo tôi, việc rải và đốt vàng mã là không cần thiết, vừa lãng phí, vừa xả rác gây “khổ” thêm cho các công nhân vệ sinh, nhất là lúc trời mưa, giấy vàng mã rất khó thu dọn. Thay vì tiền mua vàng mã để dùng làm việc khác, có ý nghĩa sẽ thiết thực hơn".

Nói về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Trần Ngọc Thái chia sẻ: “Hiện nay, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội còn những biểu hiện mê tín. Nguyên nhân, công tác tuyên truyền chưa thật sự thường xuyên, việc thực hiện và xây dựng quy ước ở các khu dân cư còn hình thức. Công tác kiểm tra, xử lý còn hạn chế nên một số hộ dân tổ chức phô trương, ngược lại truyền thống như chơi nhạc quá to, vượt mức cho phép và kéo dài quá giờ quy định, rải vàng mã nơi công cộng khi đưa tang gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường,... Để những hủ tục, tình trạng mê tín không còn phổ biến trong đời sống hàng ngày, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội".

Đến cưới hỏi, sinh con

Chị B.T.N.Đ, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh bộc bạch: "Vợ chồng tôi trải qua nhiều khó khăn mới có thể cưới nhau. Sau nhiều năm tìm hiểu, khi tôi và anh ấy định chuyện đám cưới thì bị ngăn cản bởi mẹ anh đi xem tuổi, thầy bói nói chúng tôi không hợp tuổi. Nếu cưới về, anh ấy sẽ chết, gia đình anh làm ăn thất bại. Vì chúng tôi đấu tranh quyết liệt nên gia đình anh ấy đồng ý tổ chức đám cưới nhưng không rước dâu. Từ ngày cưới đến nay, vợ chồng tôi sống hạnh phúc, gia đình nhà chồng vẫn làm ăn bình thường, ổn định. Đúng là bói toán làm khổ nhiều đôi yêu nhau thật lòng!".

Một trường hợp khác, một đứa bé là "nạn nhân" của MTDĐ. Ông N.V.L, ngụ ấp An Hòa, xã An Ninh Tây kể: "Đó là vợ chồng ông anh họ của tôi. Anh chị có thằng con trai duy nhất, nó vừa tốt nghiệp đại học, mới đi làm đã "bắt" lấy vợ, rồi bảo phải sinh con ngay. Năm 2012, do muốn săn "rồng vàng" nên thay vì cháu dâu tôi sinh năm Tỵ, còn gần một tháng nữa mới đến ngày sinh nhưng anh chị họ của tôi chọn "ngày tốt" cho cháu mổ bắt con ra sớm. Hậu quả, thằng cháu "rồng vàng" của anh chị do sinh thiếu ngày, thiếu tháng nên bị vấn đề về mắt".

Thực tế cho thấy, không chỉ trong ma chay, cưới hỏi, người ta mê tín với nhiều hủ tục lạc hậu mà hiện nay, ngay cả việc sinh con, một số người cũng "chọn ngày" cho bé chào đời. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít sản phụ chọn phương pháp phẫu thuật bắt con thay vì sinh tự nhiên.

Cũng có trường hợp, trong nhà có người mắc bệnh nhưng không đến trạm y tế, bệnh viện mà phó mặc số phận cho... thầy cúng, thầy pháp. Bà Nguyễn Thị Khìa, ngụ ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ bức xúc: “Vợ chồng con gái tôi có 2 đứa con trai, đứa út sinh ra hay bị ọc sữa. Tôi bảo đưa con đi bác sĩ thì 2 vợ chồng lại đưa con đến “thầy nuôi con nít” để trị. Ông thầy cho cháu tôi một lá bùa về đốt rồi cho vào ly nước, lắng trong để uống nhưng vẫn ọc sữa như thường. Mới đây, chồng nó bị đau nhức chân không đi lại được. Bác sĩ chẩn đoán bị đau khớp kèm bệnh gout nhưng chồng nó nhất quyết không đi khám bác sĩ. Hai vợ chồng dắt nhau ra "bà thầy" ở xã Hòa Khánh Tây để đắp thuốc và "khoán" nhang. Kết quả, bệnh ngày càng nặng thêm”.

Ngoài ra, hiện nay, đi chùa là một nét đẹp tâm linh nhưng người đi chùa lại có nhiều “biến tướng” như xin xăm, giải hạn. Đó là những trò mê tín. Ông Nguyễn Văn Tám - Phó ban Quản lý đền Quang Thánh ở huyện Bến Lức cho biết: “Mấy năm trước, có khách đến viếng đền vào ngày vía nhưng lại mang xăm theo xin; Ban Quản lý đền đã nhắc nhở, chấn chỉnh hành vi mê tín này”.

Tình trạng MTDĐ vẫn còn diễn ra trong đời sống xã hội. Cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn này cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân.

Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Trần Ngọc Thái:

Trong vòng 10 năm, từ 2006 đến nay, toàn tỉnh có hơn 155.000 đám cưới, trong đó có hơn 1.300 đám cưới vi phạm nếp sống văn hóa mới. Ngoài ra, trong số hơn 67.000 đám tang, có hơn 5.200 đám tang không theo nếp sống văn hóa mới. Để tình trạng mê tín không còn phổ biến trong đời sống hàng ngày, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bến Lức - Huỳnh Văn Hải:

Cách đây 4 năm, huyện mời tất cả 11 cơ sở mai táng trên địa bàn đến dự tuyên truyền các văn bản liên quan đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nên những biểu hiện lệch lạc, mê tín được hạn chế. Ngoài ra, trong lễ hội cách đây vài năm của một ngôi miếu ở xã Thanh Phú, có một nhóm người dán vàng mã thành mâm vàng bán cho người đi lễ hội mang vào đốt, huyện đã chấn chỉnh kịp thời. Từ đó, biểu hiện mê tín trong lễ hội cũng không còn. Bài trừ MTDĐ là phải làm quyết liệt bằng nhiều hình thức tuyên truyền, chấn chỉnh thì mới hạn chế.

Chị Trần Thị Mai, ngụ ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc:

Hiện nay, không chỉ người lớn tuổi mà nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên cũng bị ảnh hưởng bởi tệ nạn MTDĐ. Đầu năm mới, một số người trẻ không chú tâm việc học mà chăm chỉ lên chùa lễ bái, xin xăm cầu may với mong muốn thi cử trót lọt, quay cóp không bị phát hiện. Tệ nạn MTDĐ lây lan, phát triển trong lớp trẻ là đáng lo ngại. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền để thế hệ trẻ tránh xa và nâng cao ý thức trách nhiệm cùng cộng đồng đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn này./.

Thùy Hương-Song Hồng

Mê tín dị đoan, bao giờ mới hết? Bài 1: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”

Mê tín dị đoan, bao giờ mới hết? Bài 1: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”Vẫn biết “bói ra ma, quét nhà ra rác” nhưng nhiều người kéo nhau đi xem bói, nhất là vào dịp đầu năm mới. Người xem cho vui, người lại tin mù quáng vào những gì thầy bói “phán” nên không ít chuyện dở khóc, dở cười xảy ra,...

 

Chia sẻ bài viết