Tiếng Việt | English

17/06/2018 - 10:18

Mẹ, tôi và bóng đá

Con gái chơi bóng đá, chuyện chẳng lạ như mặt trời mọc ở đằng Tây nhưng với mẹ thì đó là chuyện hổng giống ai. Mẹ la, con gái không đòi mua kẹp, mua nơ mà cứ suốt ngày banh với bóng. Đòi là đòi trái bóng da nhưng nhà nghèo, bóng da là chuyện trong mơ, mẹ ra chợ ôm về trái bóng nhựa lằn xanh lằn đỏ để hôm sau thấy nó tan tành rồi lại càm ràm: “Tụi bây đá banh sắt, banh thép chứ banh nào chịu thấu!”. “Chân con gái rượu mà mẹ làm như cái cột đình, mẹ thử mua bóng da về đi”. Nói vậy thôi chứ biết chắc đời nào mẹ mua cho trái bóng da! Phải thay đổi chiến thuật chứ đá banh nhựa chán òm. Để “trị” mấy trái banh nhựa, tôi nghĩ ra cách lấy rơm nhét vào rồi dùng nhợ quấn nhiều vòng bên ngoài, vậy là tàm tạm, tuy hơi nặng nhưng khỏi sợ sự cố mới nửa hiệp phải tạm dừng trận đấu.

Ảnh minh học

Ảnh minh họa

Nãy giờ tôi đang kể chuyện của tuổi thơ tôi, chuyện của những năm 80 ở một xóm nghèo. Hồi đó, buổi đi học, buổi chăn bò, tay ôm trái bóng nhựa nhét đầy rơm hí hửng. Dù lùa bò ra đồng hay qua sông, tôi đều có sân bóng. Bò gặm cỏ còn tụi tôi thì lăng xăng với trái bóng nhựa nhét rơm. Kết quả những ngày chăn bò đá bóng là lên cấp ba, tôi đen nhẻm nhèm nhem, đen gần bằng một cầu thủ của Nam Mỹ.

Nói về bóng đá, tôi có một bảng thành tích mà mấy nàng cùng lớp đều “ớn”. Tất cả những năm học phổ thông đều có chân trong đội tuyển bóng đá nữ của trường. Hồi còn nhỏ, mỗi lần kêu ba mẹ đến trường cổ vũ con gái đá bóng thì ba cười hề hề bảo, nhà mình có cầu thủ ngoại hạng. Ba chỉ nói vui mà tôi sướng rơn. Nhưng đến năm lớp 12 thì tình hình có phần cam go. Cam go vì đây là giai đoạn chọn nghề. Mẹ muốn tôi trở thành bác sĩ. Ba cũng ủng hộ mẹ. Nhưng tôi một hai phải trở thành cô giáo dạy thể dục. Tôi nghĩ đó là cơ hội để trở thành “huấn luyện viên” bóng đá. Mẹ hét: “Đàn bà con gái mà suốt ngày chạy nhảy, đá bóng đá bang!”. Tôi im re nhưng vẫn âm thầm đăng ký thi, tới chừng thấy giấy báo trúng tuyển Sư phạm ngành thể dục, ba mẹ đành chấp nhận dù rất sốc.

Mẹ là người chúa ghét bóng đá. Có mỗi một trái bóng mà hai chục thằng thi nhau giành. Nếu ba và tôi cùng xem bóng đá, cùng la hét thì bà sẽ lèm bèm, "người ta đá vô lưới rồi cha con ông được cái gì mà la ó rần rần". Đấy là mẹ nể ba quá nên để hai cha con xem Worldcup, chứ một mình mẹ, nếu lỡ mở tivi ra, dù đó có là trận chung kết bốn năm một lần mà cả thế giới đang nghẹt thở theo dõi thì mẹ cũng đưa tay tắt cái rụp. Tắt không thương tiếc. Hai cha con rủ cách nào mẹ cũng không chịu coi. Những đêm ba và tôi nửa đêm bật dậy xem ngày hội sôi động và cuồng nhiệt bậc nhất hành tinh thì mẹ vẫn tỉnh bơ ngủ. Những lúc cao trào, tôi với ba có to tiếng (vì cá độ hít đất) thì mẹ trở mình bảo, nói nhỏ chút.

Cứ đến mùa Worldcup là cha con tôi không bỏ sót một trận nào từ vòng loại đến trận chung kết. Mẹ thấy cảnh đấy thì lắc đầu cám cảnh. Sao mẹ không ủng hộ bóng đá nhỉ? Này nhé, mẹ cần chất lãng mạn cao cả, đúng không? Xin thưa, bóng đá có ngay điều ấy. Mẹ muốn thấy sự tính toán thực tế, chiến lược, chiến thuật. Vâng! Bóng đá là nơi thể hiện rõ ràng nhất. Còn nếu mẹ thích sự gay cấn, hồi hộp đến nghẹt thở với những cung bậc cảm xúc vui mừng, lo âu rượt đuổi nhau thì bóng đá cũng có đầy đủ. Xem một trận bóng, mẹ sẽ nhìn thấy bức tranh cuộc sống ở đó. Mẹ thấy tôi vòng vo thì bực:

- Cha con nhà mày rảnh quá mà!

- Cả thế giới đang dõi theo một trái bóng mà mẹ cứ... Mẹ hình dung thế này nhé, khi tiếng còi khai cuộc vang lên thì quả bóng vô tri vô giác kia sẽ khuấy động triệu triệu con tim trên khắp tinh cầu. Như vậy mà không coi thì mất nửa cuộc đời!

- Nếu coi bóng đá mà no, mà ra thịt, ra cá thì tao cũng ráng thức đêm, thức hôm để coi.

Vì lý lẽ bóng đá không giúp mẹ có cơm nên kết quả là sau những trận đấu của Worldcup, sáng nào cha con ngủ dậy cũng thấy đồ ăn sáng bày sẵn trên bàn, còn mẹ thì thúng, mủng ra đồng từ sáng sớm rồi. Có hôm, bác Sáu cầm qua ký thịt bò, bác nói nhà có con bò bị què nên làm thịt bán, mẹ thấy vậy dặn một ký để bồi bổ cho hai cha con...

Quay lại chuyện tôi thành sinh viên Sư phạm ngành Thể dục. Nhập học được một học kỳ thì tôi vào đội tuyển bóng đá nữ của trường, của thành phố rồi thường xuyên tham gia thi đấu giao lưu hoặc thi thố ở các cuộc thi do địa phương tổ chức. Cứ như vậy, tôi say mê lăn theo trái bóng mà ít về nhà, cứ nhắn mẹ gửi tiền lên cho con, dạo này bận thi đấu quá.

Đố bạn biết, khi tôi thành cô sinh viên lớp thể dục thì mẹ tôi làm gì? Giờ kể chuyện này còn mủi lòng muốn khóc. Khi tôi vào đại học thì bé út cũng sắp hết lớp 12. Nhà có mấy công ruộng, không đủ sống, tranh thủ những ngày rảnh, mẹ tôi đi bán vé số.

Sẽ không bao giờ tôi quên trận chung kết Worldcup 2002. Lúc đó, kết thúc chương trình học rồi nhưng lấy cớ năm thi tốt nghiệp nên tôi nấn ná ở lại chỗ trọ mà không chịu về để xem Worldcup cho đã. Đêm cuối cùng của mùa giải, tôi cùng các bạn đến quán cà phê xem cho khí thế. Ở đó, đêm đó, trong giây phút thiêng liêng của bóng đá thế giới, tôi nhìn thấy mẹ tay ôm tập vé số dày cộm bước vào quán, đến từng bàn mời. Có đứa mua tờ số trùng số áo cầu thủ hâm mộ, có đứa hét vì đang dõi theo trái bóng mà mẹ chìa tập số trước mặt. Tôi chảy nước mắt khi bạn học, chàng trai nhiều lần làm tim tôi thổn thức vì có những cú sút “huyền thoại” ở trường đã ném vào mẹ tôi năm ngàn, hét “né cái màn hình ra coi bà già kia, tặng bà một tờ vé số đó, đi chỗ khác bán cho người ta coi!”... Không kiềm được, tôi chạy lại đứng trước mặt mẹ: “Sao mẹ lại bán vé số ở đây?”. “Mấy bữa bán dưới quê nhưng nghe người ta nói Worldcup lên đây bán được lắm nên buổi tối mẹ theo chú Tư ra...”.

Mẹ nói chưa xong thì những tiếng la hét đã át tiếng mẹ. Có nhiều tiếng la, nhiều nụ cười vì đội tuyển yêu thích đoạt cúp. Tôi cũng yêu tuyển Brazil nhưng khi các cầu thủ trên màn hình đang cười vì hạnh phúc thì nước mắt tôi lại chảy dài...

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Chia sẻ bài viết