Tiếng Việt | English

21/10/2016 - 09:46

Mì cay 7 cấp độ: Có nên chạy theo trào lưu?

Sau khi một số món ăn vặt như: Xoài lắc, bánh mì nướng muối ớt,... “hạ nhiệt” thì mì cay 7 cấp độ đang rộ lên tại TP.Tân An, thu hút nhiều thực khách, trong đó, một bộ phận đang hướng đến chinh phục cấp độ 7. Tuy nhiên, việc ăn quá cay liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là những người mắc bệnh dạ dày, đường ruột,...

Mì cay 7 cấp độ - một trong những món ăn đang "hot" ở TP.Tân An. Ảnh: Thanh Nhạn

Món ăn thu hút giới trẻ

Tại TP.Tân An, không nhiều quán mì cay nhưng đến đây mới thấy được mức độ... “hot” của món ăn này. Tầm 17 giờ trở đi, quán Mì cay Laza rất đông khách, đa phần là các bạn trẻ. Nguyễn Thị Phương Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An cho biết: "Em cùng nhóm bạn rủ nhau đến quán này ăn thử để biết, hơn nữa cũng để "thử tài" xem bạn nào ăn được cay nhất. Lần đầu em ăn ở cấp độ 1, thấy không sao, nay tăng dần lên cấp độ 2, nhưng chắc em chịu thua rồi!".

Với các cấp độ khác nhau, từ 0 đến 7, người dùng thường lựa chọn mức 0,5 là có mức độ cay vừa phải nhất. Ở các mức sau, độ cay sẽ tăng dần đến đỉnh điểm là cấp 7. Nguyễn Tấn Minh, nhà ở phường 4, TP.Tân An chia sẻ: "Em ăn món này nhiều nơi ở TP.HCM, món mì cay ngon hay không là ở hương liệu làm nước dùng và phần thịt, hải sản,... còn về độ cay thì các quán mì không khác nhau, hầu hết đều dùng ớt bột, loại dùng để làm món kim chi Hàn Quốc. Còn ở Long An, em chỉ biết được các quán Laza, Cổ tích, A Xiêm,... mỗi quán có hương vị khác nhau. Em từng thử đến cấp độ 5".

Mì được dùng để nấu món mì cay hiện nay chỉ là loại mì ăn liền sợi to, dai được sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ Hàn Quốc, có thể mua dễ dàng ở các chợ, siêu thị với giá khoảng 60.000-70.000 đồng cho một gói 10 vắt. Chủ quán ăn thường dùng 1 vắt mì để chế biến cùng nước dùng với hải sản như tôm, mực, bạch tuột, bò viên, xúc xích, thịt bò, nấm kim châm, kim chi,... cùng với ớt tăng dần theo yêu cầu của thực khách.

Khẳng định bản thân và tác hại không nhỏ

Cay là một vị không thể thiếu trong ẩm thực, nó kích thích vị giác, khiến người ta ăn ngon hơn. Với những người ở các xứ sở có thời tiết lạnh giá như Nhật Bản, Hàn Quốc,... việc ăn cay và chế biến các món cay còn có tác dụng làm ấm người, chống lạnh. Tuy nhiên, với khí hậu ở Việt Nam, món ăn này xem ra không phù hợp lắm.

Chị Phan Thị Kim Thùy, chủ quán Mì cay Laza cho biết: "Quán tôi khai trương gần 3 tháng nay. Khách đến đây chủ yếu là học sinh THPT, một bộ phận giới trẻ là cán bộ, công chức. Bình quân mỗi ngày, chúng tôi bán được từ 200-250 phần. Dù cấp độ cay cao nhất của món mì ở quán chúng tôi chỉ đến cấp độ 7 nhưng khi bán hàng, tôi vẫn luôn tư vấn cho thực khách, nhất là các em gái chỉ nên thử cấp thấp. Thông thường, thực khách chỉ dùng mì cay đến cấp độ 2 là cùng. Đặc biệt, có người chỉ kêu mì cấp độ 0, nghĩa là hoàn toàn không có ớt".

Bạn N.T.T.K, một viên chức từng ăn qua món mì cay Hàn Quốc này chia sẻ: "Theo tôi, không thể đánh giá đây là một món ăn ngon, hấp dẫn hay không bởi bạn sẽ phải "chiến đấu" với độ cay khủng khiếp của thố mì, tùy vào cấp độ. Toàn bộ giác quan của bạn khi ăn chỉ là làm thế nào để ăn cho xong, ăn cho nhanh nhằm giảm cơn cay đang "hành hạ" lưỡi, vòm họng, dạ dày,...".

Khi đi ăn mì cay Hàn Quốc, đa phần thực khách muốn kiểm tra khả năng ăn cay của mình, cố gắng vượt qua mọi thách thức của bạn bè mà quên rằng, ăn quá cay sẽ gây tổn thương dạ dày, đường ruột./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết