Tiếng Việt | English

09/01/2018 - 16:28

Mía “đắng”

Đến thời điểm thu hoạch nhưng nhiều hộ dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Long An vẫn “loay hoay” vì chưa tìm được thương lái. Họ không biết bán cho ai, ở đâu, thậm chí chấp nhận thua lỗ, năn nỉ người mua mua giùm...

Giá thấp, không tìm được đầu ra cho mía là tình trạng chung của những hộ dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Long An

Được mùa, rớt giá

Tại Long An, mùa thu hoạch mía bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào khoảng tháng 4 năm sau. Gần 2 tháng nay, số diện tích mía được thu hoạch rất ít do giá thấp và không có người mua.

Được ví như “thủ phủ” của mía, nhiều nông dân từng làm giàu từ cây mía nhưng hiện nay, người trồng mía ở Bến Lức lại khốn đốn. Nhìn ruộng mía trước nhà, anh Phùng Văn Út, ngụ xã Lương Bình, huyện Bến Lức, thở dài: “Năm nay thua rồi! Trồng mía mấy chục năm, chưa năm nào “thảm” như vậy! Gia đình tôi trồng khoảng 4ha mía, chạy khắp nơi kiếm người mua, một số thương lái có đến trả giá nhưng thấp quá, không thể bán được. Niên vụ này, năng suất mía cao, khoảng 90-100 tấn/ha nhưng giá mía chỉ 150.000-250.000 đồng/tấn. Bình quân, 1ha, chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Với giá này, nông dân lỗ từ 5-15 triệu đồng/ha, chưa tính công chăm sóc”.

Còn anh Huỳnh Văn Nguyên, ngụ xã Lương Bình, trồng khoảng 6ha mía, nói: “Giá mía thế này, chỉ còn biết than trời!”. Theo thông tin từ UBND xã Lương Bình, toàn xã hiện có hơn 800ha mía, đang vào thời điểm thu hoạch.

Thiếu nhân công nên phải thuê với giá đốn hơn 200.000 đồng/tấn - một trong những nguyên nhân làm người trồng mía điêu đứng

Toàn tỉnh hiện có gần 8.000ha mía, tập trung tại 4 huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ, trong đó, Bến Lức có gần 6.000ha. Diện tích thu hoạch xong gần 1.000ha, giá mía (tại ruộng) dao động từ 150.000-250.000 đồng/tấn.

“Điệp khúc” tìm đầu ra

Giá thấp, không tìm được đầu ra cho mía là tình trạng chung của những hộ dân trồng mía trên địa bàn tỉnh. Trước đây, mía tại Long An được 2 đơn vị (chính thức) thu mua: Công ty Cổ phần NIVL (gọi tắt Cty NIVL), trụ sở tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức và Cty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh (gọi tắt Cty Mía đường Tây Ninh). Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên Cty NIVL tạm thời dừng hoạt động, còn Cty Mía đường Tây Ninh thu mua tại nhà máy với giá khoảng 1 triệu đồng/tấn (thời điểm ngày 02-01-2018) với điều kiện rất khắt khe nên số lượng mía bán cho Cty rất hạn chế.

Ông Bùi Quốc Hùng, ngụ ấp 6, xã Lương Hòa, cho rằng: “Giá thu mua của Cty cao nhưng nông dân phải thuê nhân công đốn mía, chịu chi phí vận chuyển đến nhà máy. Bán mía cho Cty rất khó vì mía thường không đủ chữ đường (% lượng đường trong mía) do Cty đưa ra. Bán cho thương lái giá 250.000 đồng/tấn, nông dân không phải tìm thuê nhân công và vận chuyển, thương lái cũng không đòi hỏi chữ đường cao nhưng hiện nay, tìm thương lái cũng khó. Gia đình tôi trồng 15ha mía, năm nay thua lỗ nặng!”.

Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - Ngô Tấn Thời xác nhận: “Hiện tại, nông dân trồng mía đang gặp khó khăn vì không tìm được đầu ra, nhiều hộ chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn không thể bán được. Toàn xã có khoảng 1.400ha mía (chiếm hơn 58% diện tích đất canh tác nông nghiệp), tất cả đang vào vụ thu hoạch. Chưa bao giờ, tôi thấy mía lại “đắng” như hiện nay!”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út: Nông dân trồng mía đang gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ hạn chế, giá thấp, chi phí nhân công, vận chuyển tăng cao. Huyện chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp về thu mua mía. Ngày 28-12-2017, huyện chủ trì đối thoại giữa Cty Mía đường Tây Ninh với hơn 40 hộ dân để tìm “tiếng nói chung” giữa các bên. Sau cuộc đối thoại, phía doanh nghiệp tập trung thu mua sản phẩm, yêu cầu nông dân phải làm sạch, giảm tạp chất trước khi vận chuyển đến Cty. Thời gian tới, huyện phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (giống, canh tác, thu hoạch) và nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Toàn huyện có khoảng 9.000 hộ dân bị ảnh hưởng do giá mía thấp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: “Hiện nay, nông dân trồng mía gặp khó khăn do giá mía thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh và tình trạng khan hiếm nhân công. Tỉnh tích cực tìm đầu ra cho cây mía. Về lâu dài, ngành phối hợp đơn vị liên quan xây dựng vùng mía nguyên liệu, có cơ chế phù hợp, nghiên cứu giống cây trồng thích hợp để chuyển đổi, thay dần cây mía”./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết