Tiếng Việt | English

13/01/2016 - 16:38

Miếu bà Thiên Hậu - di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của người Hoa ở Long An

Miếu bà Thiên Hậu ở thị trấn Thủ Thừa được xem là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu của văn hóa Hoa ở Long An.

Miếu đề tên bằng chữ Hán Thiên Hậu Miếu nhưng người Việt vẫn quen gọi là chùa Bà 

Tại huyện Thủ Thừa có một ngôi Miếu Thiên Hậu khá cổ kính mà dân gian gọi là Chùa Bà, tọa lạc tại số 25, đường Trương Công Định, thị trấn Thủ Thừa, mặt tiền miếu quay ra hướng kênh Thủ Thừa.

Người Hoa đến vùng Nam bộ nói chung và Long An nói riêng với hành trang văn hóa phát triển phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó, có yếu tố văn hóa tâm linh - tín ngưỡng. Họ xây dựng các công trình tín ngưỡng như miếu thờ Thiên Hậu, miếu thờ Quan Công, Ông Bổn,… làm cho đời sống tâm linh thêm phong phú, viên mãn, vừa thiêng liêng, huyền ảo, vừa gắn với đời sống nhân sinh của con người.

Các giá trị văn hóa ấy thể hiện những đặc điểm riêng của người Hoa, hòa nhập với các cộng đồng khác, góp phần làm nên diện mạo văn hóa đặc thù của vùng đất Nam bộ cộng cư và dung hợp đa văn hóa.

Nhìn trên bình đồ, miếu gồm 3 dãy nhà kiểu tứ trụ nối tiếp nhau hình chữ Tam ㈢, từ trong ra ngoài gồm: Hậu điện, chính điện và tiền điện. Hai bên kiến trúc chính là 2 dãy Đông Lang và Tây Lang dùng để làm cơ sở dạy học tiếng Hoa, nơi tiếp khách và các hoạt động sinh hoạt khác. Tổng diện tích phần kiến trúc khoảng 500m2.

Thông tin từ các dòng lạc khoản ghi trên câu đối cho biết kiến trúc hiện trạng và hệ thống tượng thờ, bài vị, câu đối, hoành phi, bình phong, các chi tiết trang trí ở nóc mái, mặt tiền miếu, trống, chuông, thuyền gỗ,… có niên đại Quang Tư, năm Kỷ Hợi (1899). Các chi tiết trang trí mặt tiền miếu và mặt sau miếu đặc trưng văn hóa Hoa: Tượng gốm ông Nhật bà Nguyệt, Lưỡng Long Tranh Châu,… Năm 1996, miếu được trùng tu, nâng cấp phần nâng nền, lát gạch nền và thay ngói.

Cấu trúc bài trí thờ tự từ trong hậu điện nhìn ra ngoài: Hậu điện: Giữa là khám thờ Bà Thiên Hậu (tượng đá); Bài vị: “Sắc phong hộ quốc bĩ dân Thiên Thái Hậu nguyên quân”; Tượng hộ pháp (tượng đá, 2 tượng), tượng ngựa (tượng đá, 2 tượng), thuyền gỗ. Bên trái: Khám thờ Huệ Phúc Phu Nhân (tượng đá), bài vị: “Sắc tứ Kim Hoa phổ chủ Huệ Phúc Phu Nhân”.

Bên phải là khám thờ Long Mẫu Nương Nương (tượng đá), bài vị: “Sắc phong hộ quốc thông thiên huệ tế hiển đức Long Mẫu Nương Nương”. Vách phải là Thần Tài (viết bằng chữ Hán). Vách trái là Long Thần (viết bằng chữ Hán). Chánh điện còn đặt chiêng, trống và bàn lễ vật. Hai bên vách trang trí (đắp nổi) nói về sự tích Bà Thiên Hậu.

Ở chính điện có bình phong (gỗ) chữ Phúc; Hoành phi “Phúc Âm Sinh Dân”; 2 cặp đối liễng; 2 vách là bình phong (đắp nổi) Long Lân Qui Phụng. Tiền điện: Hoành phi “Mẫu Đức Cao Thâm” phía trên. Vách phải là khám thờ Phúc Đức Long Thần (tượng đá). Vách trái là khám thờ Môn Quan Gia Gia (tượng đá). Vách giữa là bình phong (đắp nổi) sự tích Thiên Hậu.

Trang trí tiểu tượng ở mặt tiền và nóc mái Miếu bằng gốm tráng men xanh được sản xuất ở lò gốm Cây Mai (Chợ Lớn) đặc trưng văn hóa Hoa

Về sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, lễ hội vía Bà diễn ra vào ngày 22, 23 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, thu hút đông đảo lượng khách tham quan, hành hương từ TP.HCM và ở địa phương. Từ ngày 19 đến 21 tháng 3, sư thầy chùa Long Vĩnh (thị trấn Thủ Thừa) đến tụng kinh cầu an. Đêm 22, sư cô tụng kinh bằng tiếng Hoa. Mỗi vị thần đều có riêng một bộ đồ mã bằng giấy. 6 giờ sáng ngày 23 thực hiện nghi thức đốt đồ mã là lễ tất, kết thúc lễ hội. Hằng năm, trong lễ hội có rước Đoàn ca múa nhạc Hoa Sen (của người Hoa, quận 5, TP.HCM) về phục vụ.

Về tổ chức tự quản, Ban quản trị gồm 11 người, do ông Hán Cao Sơn làm Trưởng ban. Thiết chế khác có liên quan là Nghĩa trang Minh Trí (dành cho người Hoa) và cơ sở dạy tiếng Hoa (Minh Trí) đặt tại miếu.

Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu có vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Hoa ở Nam bộ, vì vậy, miếu Thiên Hậu được coi là “ngôi nhà chung” nên thường được xây dựng quy mô, trang trí công phu. Ở đó, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, về đạo đức, lối sống con người của người Hoa được thể hiện sâu sắc, đồng thời cũng cho thấy cách thức người Hoa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình cộng cư, giao lưu, tiếp biến văn hóa với các tộc người khác tại quê hương thứ hai.

Truyền thuyết về Thiên Hậu trong văn hóa dân gian người Hoa có nhiều điểm dị biệt nhưng tựu trung bà sinh năm 960, đời Tống trong một gia đình họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, năm 27 tuổi giã từ cõi đời và hiển linh, đời Nguyên được phong Thiên Phi, đời Khang Hy nhà Thanh phong là Thiên Hậu tồn tại đến nay. 

Từ truyền thuyết chuyển hóa thành tín ngưỡng dân gian, cộng đồng người Hoa đề cao, ngưỡng mộ và tôn thờ Nữ thần Thiên Hậu nhằm thông qua tam gương đức hạnh, hiếu thảo và xả thân cứu người của bà để giáo dục cộng đồng.

Mặt khác, bà được xem như vị thần biển nên trên con đường vượt trùng dương đầy gian truân và hiểm nguy đi về phía Nam đến vùng đất Nam bộ do những biến cố lịch sử ở Trung Hoa thời cuối Minh đầu Thanh, họ luôn cầu nguyện bà giúp đỡ, phù hộ. Khi đến định cư, ổn định đời sống trên vùng đất Nam bộ, họ lập miếu để thờ, tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử cộng cư với người Việt, tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu không những giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa - tâm linh của người Hoa trên quê hương thứ 2 của họ mà miếu Thiên Hậu và lễ hội ở đây còn là điểm đến của người Việt với lòng thành kính, chân thành bởi tính tương đồng, gần gũi về văn hóa; từ đó, hình thành nên sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, làm nên tính cộng đồng Hoa Việt trong lịch sử khai mở đất phương Nam.

Là cơ sở tín ngưỡng dân gian đẹp nhất của văn hóa Hoa còn lại ở Long An, miếu bà Thiên Hậu Thủ Thừa thể hiện tất cả những ý nghĩa trên, biểu hiện ở dấu ấn về niên đại, kiến trúc vật thể, sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa đặc thù, hệ thống hiện vật, vật thờ, các mô típ trang trí trên kiến trúc, các thiết chế có liên quan… đặc trưng văn hóa Hoa, phản ánh lịch sử định cư và cộng cư của cộng đồng người Hoa trên đất Long An trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ, xứng đáng được nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết