Tiếng Việt | English

07/09/2020 - 12:00

Miếu ông Lê Công Trình - Dấu ấn cho tinh thần yêu nước của dân ta

Về xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An hỏi miếu ông Lê Công Trình hầu như người dân nào cũng biết. Đó là địa chỉ thiêng liêng, nơi thờ phượng tín ngưỡng của người dân trong khu vực. Mỗi năm 1 lần vào ngày 15, 16 tháng Giêng, người dân Mỹ Thạnh Đông lại tổ chức lễ cúng Ông tại miếu. Trải qua hơn 100 năm nhưng thông lệ ấy không hề mai một.

Miếu vừa được trùng tu, chỉnh trang và trồng thêm hoa kiểng dọc đường vào Kinh phí do người dân đóng góp

Miếu vừa được trùng tu, chỉnh trang và trồng thêm hoa kiểng dọc đường vào Kinh phí do người dân đóng góp

Miếu ông Lê Công Trình tồn tại như biểu tượng cho tinh thần yêu nước của người dân Đức Huệ nói riêng và tỉnh Long An nói chung từ 100 năm trước đến nay. Giữa những năm tháng bị giặc Pháp đô hộ, người dân Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ vẫn dựng miếu và thờ cúng một vị tướng có công kháng Pháp (theo truyền thuyết).

“Chứng nhân” cho lòng yêu nước

Chuyện kể rằng, ông Lê Công Trình là một trong những vị tướng tham gia phong trào chống Pháp vào những năm 1860, khi thực dân xâm chiếm miền Nam. Một lần giao chiến ở Đồng Tháp Mười, ông cùng nghĩa quân rút dần về Đức Huệ. Cuối cùng, chỉ còn lại mình ông, sức cùng, lực kiệt đến vùng Giồng Đế (ngày nay thuộc ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) và hy sinh ở đó. Để ghi nhớ tấm gương người anh hùng dũng cảm, quyết chiến tới giây phút cuối cùng, người dân lập miếu thờ và tổ chức lễ cúng hàng năm.

Chuyện kể trên chỉ là truyền thuyết, không ai biết chắc chắn về quê quán, tuổi tác, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhưng miếu ông Lê Công Trình vẫn tồn tại bởi đó chính là biểu tượng cho lòng yêu nước, chống Pháp của người dân lúc bấy giờ. Và nơi ấy đã trở thành căn cứ quen thuộc của cách mạng trong suốt những năm kháng chiến.

Giai đoạn năm 1945, miếu Ông trở thành trụ sở của lực lượng Thanh niên Tiền phong Mỹ Thạnh Đông vừa mới thành lập. Đó được xem là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa tại địa phương vào Cách mạng Tháng Tám. Trong phong trào Đồng khởi, miếu ông Lê Công Trình là nơi trú đóng tạm thời của chi bộ Đảng và
các đoàn thể xã. Miếu Ông cũng là nơi mở lớp bình dân học vụ trong thời kỳ kháng Pháp. Đêm đêm, học viên mang đèn đến lớp mày mò học từng con chữ. Nhờ vậy mà Mỹ Thạnh Đông xóa được giặc dốt. Từ nơi chỉ có vài chục người biết đọc, biết viết, lớp bình dân học vụ tại miếu Ông đã giúp đa số dân Mỹ Thạnh Đông biết chữ.

Miếu ông Lê Công Trình còn được chọn làm địa điểm míttinh, tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ quần chúng của Ban Thông tin xã. Bên cạnh đó, miếu ông Lê Công Trình còn là nơi lập tòa án nhân dân xử tội và kết án tử hình những tên phản bội ác ôn có nhiều nợ máu với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mỹ Thạnh Đông.

Là một phần cuộc sống của người dân Mỹ Thạnh Đông

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, miếu ông Lê Công Trình vẫn được người dân Mỹ Thạnh Đông trùng tu, chăm sóc, trở thành nơi tín ngưỡng linh thiêng, không thể thiếu trong nếp sinh hoạt đời thường. Đến thăm miếu Ông, chúng tôi thấy khói nhang còn cháy dở, mâm quả bày cúng trên bàn vẫn tươi nguyên. Ngôi miếu nép dưới những tán cây râm mát. Khuôn viên miếu khá rộng và luôn mở cửa đón người đến thắp nhang.

Được biết, miếu vừa được trùng tu, chỉnh trang và trồng thêm hoa kiểng dọc đường vào. Kinh phí do người dân đóng góp. Riêng ông Bùi Xuân Đới và ông Nguyễn Văn Thuận đã góp đến hàng trăm triệu đồng. Miếu Ông thực sự trở thành một phần cuộc sống của người dân Mỹ Thạnh Đông, là chứng nhân cho tinh thần yêu nước, kiên trung trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Người dân Mỹ Thạnh Đông ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, chung tay xây dựng quê nhà. Khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, Mỹ Thạnh Đông vươn lên trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Đức Huệ. Người dân bảo nhau mỗi người một việc, từ tập trung phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng đến việc tưới nước cho những luống hoa dọc các tuyến đường giao thông trong ấp. Hiện hộ nghèo của xã chiếm 2,55%, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,4 triệu đồng/năm.

Người dân nhiệt tình đóng góp ngày công, hiến đất làm đường, cầu giao thông nông thôn. Nhiều công trình được xây mới trong năm giúp diện mạo xã có nhiều thay đổi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Dù là trong bất cứ giai đoạn nào, người dân Mỹ Thạnh Đông cũng nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn để hướng về một tương lai tươi sáng.

Và cứ độ 15, 16 tháng Giêng, người dân Mỹ Thạnh Đông lại nhắc nhau sắm sang lễ vật đến cúng Ông, một vị tướng vì nước quên thân, vừa để nhắc nhở về truyền thống, vừa cầu mong đức Ông chở che, bảo vệ cho xóm làng bình yên, no ấm./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết