Tiếng Việt | English

25/10/2017 - 15:01

Mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã”: Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả

Mô hình thí điểm “Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã)” thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Triển khai mô hình này tại Long An, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phù hợp yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị. Bên cạnh những thuận lợi, mô hình còn một số khó khăn nhất định, cần khắc phục để hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Kỳ 1: “Tài, đức” song hành

Tại Long An, một số ít địa phương đang duy trì mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã”. Là người đứng đầu cấp ủy và UBND cấp xã, họ phải thực sự là những người đủ đức, đủ tài; không chỉ làm tròn trách nhiệm với công việc mà phải có lối sống gương mẫu, được người dân tin yêu, quý mến.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Phường 3, TP.Tân An và xã Hòa Phú, huyện Châu Thành là 2 địa phương thực hiện tốt mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã”. Trong đó, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Châu Thành - Bùi Văn Hòn là người có thâm niên lâu nhất, với hơn 8 năm đảm nhận trọng trách này.


Đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành được nhựa hóa, có đèn chiếu sáng bảo đảm an toàn giao thông, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự địa phương

Ông Bùi Văn Hòn từng có kinh nghiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy từ năm 2000 và đảm nhận thêm vai trò Chủ tịch UBND xã từ năm 2009. Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng ủy, UBND xã, và với vai trò người đứng đầu của ông, Hòa Phú khởi sắc từng ngày. Những kết quả về kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian qua là minh chứng cụ thể nhất cho sự lãnh đạo đúng đắn của người đứng đầu cấp ủy và UBND xã nơi đây. Cụ thể, với chương trình nhựa hóa, bêtông hóa giao thông nông thôn, năm 2010, Hòa Phú chỉ có 0,5km đường được bêtông thì đến nay, toàn xã có gần 33km với kinh phí trên 30 tỉ đồng, trong đó, người dân hiến đất và góp tiền với tổng giá trị trên 10 tỉ đồng.

Về an ninh, trật tự, mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp để xóa tệ nạn xã hội và chuyển hóa địa bàn” được chọn làm điểm nhân rộng tại các xã trong huyện Châu Thành. Năm 2013, Hòa Phú đẩy lùi 22/22 quán cà phê hoạt động không lành mạnh, 5/5 điểm đá gà quy mô lớn mà từ năm 2010 chưa thực hiện được. Đến nay, an ninh chính trị giữ vững, tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

Với kết quả trên, Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo nâng chất tiêu chí an ninh, trật tự qua các mô hình: Ánh sáng an ninh, trật tự với 390 bóng đèn trên các tuyến đường giao thông nông thôn; Camera giám sát an ninh, trật tự với 39 camera/18 trạm, góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vững mạnh. Năm 2014, Hòa Phú được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh và liên tiếp các năm 2015, 2016, được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc về xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đảng bộ xã Hòa Phú được công nhận trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 3 năm liền, từ năm 2014-2016.

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hòa Phú cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đầu năm 2010, xã chỉ đạt 9/19 tiêu chí NTM. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ sau 4 năm, xã được UBND tỉnh công nhận xã văn hóa, xã NTM. Đến nay, Hòa Phú đang triển khai nâng chất các tiêu chí đạt, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu.

Đầu năm 2015, Hòa Phú chưa xây dựng được hệ thống nước giếng qua lắng lọc. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định đây là chương trình đột phá. Qua triển khai thực hiện, đến nay, xã có 10 giếng nước qua lắng lọc với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4,6 tỉ đồng, phấn đấu đến cuối năm 2017 hoàn thành thêm 6 giếng.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Phú kiêm Bí thư Chi bộ ấp 3 - Nguyễn Văn Tưng chia sẻ: “Với uy tín của mình, ông Hòn luôn được người dân quý mến, tin tưởng. Ông thường xuyên xuống cơ sở, trực tiếp dự các cuộc họp lệ để chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Tất cả công trình phúc lợi tại địa phương, ông đều trực tiếp giám sát, đôn đốc thực hiện. Ấp nào nhiều hộ nghèo, ông ưu tiên chăm lo trước. Trong mối quan hệ với cán bộ, công chức, ông đóng góp với tinh thần xây dựng, giữ vững đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, ông luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các cán bộ hưu trí tại địa phương”.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường 3, TP.Tân An - Trần Văn Đon, người từng có kinh nghiệm giữ nhiệm vụ Chủ tịch UBND phường 3 hơn 2 nhiệm kỳ (từ năm 2006), năm 2013 đắc cử Bí thư Đảng ủy và đến năm 2015 thì trở thành Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường. Từ khi đảm nhận 2 vai trò quan trọng, dù rất bận rộn nhưng ông Đon luôn sâu sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra qua “mắt thấy, tai nghe” chứ không chỉ dựa trên báo cáo, nhất là các vấn đề bức xúc, tranh chấp ở địa bàn dân cư. Trước khi giải quyết việc gì, ông trực tiếp gặp người dân nắm tình hình thực tế. “Nếu vì quá bận rộn mà chủ quan xử lý công việc qua báo cáo dễ dẫn đến sai phạm, giải quyết không khách quan” - ông Đon cho biết.

Hiện, phường 3 tập trung giải quyết tình trạng một số hộ dân lấn chiếm lòng, lề đường. Ông Đon trực tiếp đối thoại, thuyết phục người dân. Theo ông, phải có sự cảm thông với cuộc sống của người dân để giải quyết hợp lý, hợp tình vì “tâm phục, khẩu phục” mới là biện pháp căn cơ, bền vững. Với biện pháp ấy, một số tuyến đường không còn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường: Nguyễn Minh Trường, Trần Văn Nam, Huỳnh Văn Tạo. Đường Hùng Vương, Nguyễn Thông, Châu Thị Kim và Nguyễn Đình Chiểu còn nhiều khó khăn nhưng UBND phường quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, góp phần cùng các xã, phường đưa TP.Tân An trở thành đô thị loại II trước năm 2020.

Với sự lãnh đạo tận tụy, trách nhiệm của ông Trần Văn Đon, thời gian qua, nhiều chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của phường đạt kết quả cao. 100% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2011, 2012 và 2013, Đảng bộ phường đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; từ 2014-2016, đạt trong sạch, vững mạnh.

Gương mẫu trong đạo đức, lối sống

Nhiều lần gặp gỡ, làm việc cùng ông Bùi Văn Hòn, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi chính là bộ trang phục Công an nhân dân của ông. Xuất thân từ lực lượng công an, ông rất tự hào về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Thế nên, dù không còn công tác trong ngành, ông vẫn thường xuyên mặc bộ trang phục này để tự răn mình phải sống giản dị, có trách nhiệm, chuẩn mực từ lời nói, việc làm, luôn nghĩ đến lợi ích của nhân dân.


Dù không còn công tác trong ngành, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Châu Thành – Bùi Văn Hòn vẫn thường xuyên mặc trang phục này để tự răn mình sống giản dị, có trách nhiệm, chuẩn mực từ lời nói, hành động.

Một điều ấn tượng không kém là ông Bùi Văn Hòn không có phòng làm việc riêng. Bởi, trụ sở UBND xã xây dựng từ năm 2001 không đủ phòng chức năng. Vậy là, ông sẵn sàng “nhường” chỗ để các công chức làm việc. Vậy là, phòng họp Đảng ủy cũng chính là nơi làm việc của ông. Thậm chí, hình ảnh Chủ tịch UBND xã gặp gỡ, trao đổi, giải quyết công việc cho người dân khi đi cơ sở, trên đường làng,... cũng không phải hiếm; việc gì tạo thuận lợi cho dân thì ông làm! Và, khi triển khai bất kỳ chương trình gì, ông cũng ưu tiên theo điều kiện của từng ấp, nơi nào khó khăn thì thực hiện trước.

Khi được mời về thăm nhà, ông có một yêu cầu khiến chúng tôi khá bất ngờ: “Các cháu muốn ghi hình gì cũng được, nhưng tuyệt đối đừng chụp bằng khen, giấy khen nhé!”. Lời yêu cầu này không hề làm phiền lòng người viết. Ngược lại, chúng tôi càng khâm phục, quý mến ông nhiều hơn!

Tương tự, ông Trần Văn Đon tâm niệm, phải biết “lấy đức trị dân”. Khi có sai phạm thì việc kỷ luật, xử lý phải đúng người, đúng tội, đủ răn đe để người vi phạm nhận ra khuyết điểm, tự giác khắc phục. Đồng thời, bản thân người lãnh đạo phải thật sự gương mẫu. Bởi, theo ông, là đảng viên đồng thời là người đứng đầu địa phương thì ai cũng nhìn vào cuộc sống riêng của mình để đánh giá. Đạo đức, uy tín của bản thân được thể hiện qua cách đối nhân xử thế, mối quan hệ với gia đình, lối xóm và mọi người xung quanh. Nhận định, đánh giá của người dân mới thật sự khách quan.

Điểm giống nhau giữa 2 Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã này là sự chân chất, thẳng thắn, cách nói chuyện rất “nông dân” nhưng lại có cái uy của một lãnh đạo, được cấp dưới kính nể. Trái với hình ảnh nghiêm nghị, khi làm “việc nước” nhưng không cách biệt với người dân, về nhà, họ lại tất bật cùng vợ chăm lo gia đình. Tạm gác lại việc cơ quan, bên tổ ấm, không còn là bí thư hay chủ tịch, họ vẫn là trụ cột gia đình, là người chồng, người cha gương mẫu.

Hôm gặp ông Trần Văn Đon, dành ít thời gian trả lời phỏng vấn sau cuộc họp, ông liền về nhà nấu cơm mang ra cửa hàng cho bà xã. Còn ông Bùi Văn Hòn, khi mọi người ra về hết, vừa trả lời phỏng vấn, giải quyết xong việc công trong buổi chiều muộn lại tất tả đưa con gái nhỏ đi học. Đây là những hình ảnh rất gần gũi và bình dị!

Nhiều cán bộ, công chức UBND phường 3, TP.Tân An “nói nhỏ”: “Coi chú (ông Đon) nghiêm khắc vậy chứ hòa đồng với anh em lắm! Chú chu toàn việc nước, việc nhà nên đạt danh hiệu “Nam giới điểm 10” nhiều năm liền”. Quả đúng vậy, cuộc trò chuyện chưa bao lâu nhưng khi nhắc đến gia đình, ông chia sẻ: “Tôi có thời gian chu toàn việc nước, một phần là nhờ có “hậu phương” vững chắc. Không phải giữ chức vụ cao, làm lãnh đạo là hay, là giỏi mà niềm tự hào lớn nhất của tôi chính là các con ăn học thành tài, vợ chồng thuận hòa, êm ấm!”.

Dù điều kiện phát triển của mỗi nơi khác nhau, mỗi người một tính cách, một quan điểm làm việc, điều hành nhưng cả 2 đảng viên ấy đều có điểm chung là sự tận tụy, hết lòng trong công việc và là người chồng, người cha mẫu mực của gia đình. Với họ, dù ở bất kỳ cương vị, vai trò nào cũng phải làm tròn trách nhiệm, tất cả vì lợi ích chung của nhân dân./.

Ngọc Mận-Phạm Ngân
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết