Tiếng Việt | English

27/07/2020 - 16:30

Mô hình vườn ươm cây giống tăng hiệu quả sản xuất

Những năm gần đây, mô hình vườn ươm cây giống mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nhiều hộ dân trong và ngoài huyện Cần Đước. Từ vườn ươm, đã có hơn 1,5 triệu cây giống được xuất bán, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Tăng hiệu quả sản xuất

Để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện mô hình vườn ươm cây con tại Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Mô hình được triển khai thực hiện vào tháng 11-2017, diện tích 488m2, với hình thức Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí xây dựng. Mô hình được đầu tư với các hạng mục: 1 nhà màng để ươm, 1 máy gieo hạt chân không 6 trong 1 tự động và một số thiết bị khác như giàn ươm cây con, khay xốp, vật tư, hạt giống,… Tính đến thời điểm hiện tại, HTX sản xuất và cung ứng trên 1,5 triệu cây con các loại (cà dĩa, cải ngọt, cải bẹ xanh, húng cây, tía tô, vạn thọ, cà chua, dưa hấu, dưa leo,…).

Nhiều nông dân tham quan, tìm hiểu mô hình vườn ươm tại Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, mô hình vườn ươm cây giống bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân trong sản xuất, giúp nông dân chủ động canh tác, rút ngắn thời gian sản xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu; tăng vụ, tăng vòng quay của đất, tăng lợi nhuận. Thêm vào đó, khi nông dân sử dụng cây con trong vườn ươm, tỷ lệ sống cao, cây con phục hồi nhanh, tăng sức chống chịu với điều kiện môi trường. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Trịnh Hoàng Việt, nhằm giúp cho nông dân tiếp cận với việc sử dụng cây con giống được sản xuất trong vườn ươm, trung tâm xây dựng một số mô hình trồng tía tô, dưa hấu, cà chua, từ cây con vườn ươm tại huyện Cần Giuộc và TP.Tân An. Lợi nhuận từ mô hình mang lại cao hơn đối chứng từ 2,8-3,5 triệu đồng/1.000m2.

Anh Đoàn Văn Út (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - thành viên HTX Nông nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh, tham gia thực hiện mô hình trồng dưa hấu sử dụng cây con từ vườn ươm cho hiệu quả rõ rệt. Anh Út chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện mô hình trồng khoảng 10.000m2/2 hộ. Lúc trước khi trồng dưa hấu, chúng tôi tự gieo hạt mất nhiều thời gian, tốn nhiều giai đoạn và chi phí. Khi HTX hỗ trợ gieo hạt, tỷ lệ cây con sống cao trên 90%, năng suất của ruộng mô hình từ 3.000-3.050kg/1.000m2, cao hơn đối chứng 200-250kg/m2. Lợi nhuận của ruộng mô hình dao động từ 21,2-21,9 triệu đồng/1.000m2, cao hơn đối chứng 2,83-3,56 triệu đồng/1.000m2. Năm 2020, tôi đặt hàng cây con và mở rộng diện tích trồng lên 10ha”.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Giuộc - Huỳnh Văn Tường cho biết: “Cần Giuộc có diện tích trồng rau rất lớn. Từ hiệu quả trước mắt, thời gian tới, huyện sẽ thí nghiệm mô hình vườn ươm cây con, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân”.

Mô hình vườn ươm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất

Cần nhân rộng

Theo nhận định của Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh - Nguyễn Thanh Tùng, trong thời kỳ nông nghiệp đang từng bước chuyển dần sang sản xuất quy mô lớn như hiện nay, nhu cầu của nông dân về cây, con giống là rất lớn. Thế nhưng, hiện trên thị trường, nguồn cung cấp giống vẫn còn thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt. Bên cạnh đó, trong trồng trọt, cây giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất. Nó được ví như nền móng của một ngôi nhà, móng có chắc thì ngôi nhà khi xây nên mới vững chãi. Ươm cây giống tuy không phức tạp nhưng phải áp dụng đúng các kỹ thuật cơ bản thì cây mới có thể phát triển tốt về sau. Vì vậy, để sản xuất ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và phải mở rộng mô hình vườn ươm cây con.

Việc xây dựng và nhân rộng mô hình vườn ươm cây giống là hết sức cần thiết, bởi những ưu điểm và hiệu quả mà mô hình mang lại. Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng nói: “Tôi mong mô hình này sẽ được nhận rộng nhiều nơi để giúp người dân thấy được lợi ích, nâng cao thu nhập trong sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH cho địa phương”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết