Tiếng Việt | English

19/10/2018 - 18:21

Mộc Hóa từng bước vươn lên

Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An có những bước tiến rõ rệt về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Khu hành chính mới của huyện đang được xây dựng, phấn đấu đến cuối năm 2018 đưa vào sử dụng

Khu hành chính mới của huyện đang được xây dựng, phấn đấu đến cuối năm 2018 đưa vào sử dụng

Từng bước khắc phục khó khăn

Là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa, sau khi chia tách, huyện Mộc Hóa mới đi lên từ xuất phát điểm thấp nhất trong khu vực và trong toàn tỉnh. Mặt bằng dân trí tương đối thấp, kết cấu hạ tầng hạn chế lại ít tiềm năng phát triển so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hầu hết từ các địa phương khác điều động về, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ do đa số đều trẻ, mới được tuyển dụng.

Nhận thức được điều này, những năm qua, Huyện ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo được nhiều chuyển biến, tiến bộ về nhận thức và hành động. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ các cấp từng bước được củng cố, sắp xếp, kiện toàn phù hợp với tình hình thực tế của huyện.

Nửa nhiệm kỳ qua, với nhiều nỗ lực, tình hình KT-XH của huyện có những chuyển biến tích cực. “Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, quy mô dần được mở rộng. Tổng giá trị sản xuất hàng năm của huyện đều tăng (năm 2015 đạt 1.683 tỉ đồng, năm 2016 đạt 1.820 tỉ đồng, năm 2017 đạt 1.878 tỉ đồng), trong đó giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng cao (trên 80%). Tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 44.000ha, sản lượng lương thực bình quân hàng năm trên 250.000 tấn” - Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa - Lê Văn Chính cho biết.

Ngoài cây lúa, nông dân còn trồng xen canh cây ngắn ngày như sen, dưa hấu và mạnh dạn thử nghiệm chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn trái như thanh long, ổi, dừa,... Các mô hình này phần lớn đều nằm trong quy hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Giàu (SN 1968), ngụ ấp 1, xã Bình Phong Thạnh, vui mừng chia sẻ: “Gần 3 năm qua, gia đình tôi cải tạo hơn 3.000m2 đất lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn trái, chủ yếu là chanh, cam và dừa. So với trồng lúa, thu nhập từ những cây trồng này cao hơn gấp 3-4 lần”.

Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ

Với quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu NQ, huyện tăng cường đổi mới công tác dân vận, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Các cấp ủy xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình số 03-CTr/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy Đảng với nhân dân. Từ đó, tạo được niềm tin, sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân đối với các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức.

Về Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hiện nay, huyện triển khai công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành nông nghiệp, quy hoạch cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao gắn với vùng lúa ứng dụng công nghệ cao diện tích 5.575ha trên địa bàn 3 xã: Bình Hòa Trung, Bình Hòa Đông và Bình Hòa Tây. Ngoài nguồn ngân sách tỉnh phân bổ hàng năm, huyện huy động các nguồn vốn xã hội hóa đẩy mạnh xây dựng đê bao, cống, trạm bơm điện, chú trọng công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức về canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nông dân trên địa bàn. 

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến. Toàn huyện hiện có 11/19 trường học đạt chuẩn quốc gia, 7/7 xã được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 3/7 xã được công nhận danh hiệu xã văn hóa; hộ dân có điện sử dụng đạt 98,5%; sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,9%. Ông Nguyễn Văn Cánh (SN 1962), ngụ ấp Sậy Giăng, xã Bình Thạnh, bộc bạch: Các công trình phục vụ dân sinh như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng. Những tuyến đường được trải nhựa, trải đá 0x4 sạch sẽ dần thay thế các con đường đất sình lầy. Dù còn những khó khăn nhưng đời sống người dân đã có sự đổi thay vượt bậc so với trước đây. Tất cả những đổi thay đó có được là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người dân vô cùng phấn khởi!”.

Chuyển đổi cơ cấy cây trồng phù hợp giúp nông dân tăng thu nhập

Chuyển đổi cơ cấy cây trồng phù hợp giúp nông dân tăng thu nhập

Thật vậy, công tác xây dựng cơ bản luôn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là các công trình trọng điểm cấp huyện và xã. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện triển khai 278 công trình với tổng số vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng, góp phần phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân, trong đó có 203 công trình đã hoàn thành, 75 công trình đang tiếp tục thi công. Đặc biệt, 3 công trình trọng điểm của NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) gồm Khu tái định cư và nhà ở cán bộ, công chức huyện; Khu hành chính và Bệnh viện huyện quy mô 100 giường bệnh cũng được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đến cuối năm 2018 đưa vào sử dụng.

Có thể thấy, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Mộc Hóa nỗ lực đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng quan trọng góp phần củng cố niềm tin, tạo động lực mới để huyện tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu NQ.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mộc Hóa lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra 18 chỉ tiêu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng. Đến nay, có 8/18 chỉ tiêu đạt và có khả năng vượt so kế hoạch, 8/18 chỉ tiêu thực hiện ở mức khá, còn 2/18 chỉ tiêu chưa thực hiện được (có 4 xã nông thôn mới và nhựa hóa 100% đường đến trung tâm các xã).

Khổng Tước

Chia sẻ bài viết