Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 22:14

Mộc Hóa: Vùng sâu chuyển mình

Cứ mỗi năm qua đi, diện mạo vùng nông thôn biên giới huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An lại thêm phần khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, đánh dấu bước chuyển mình đi lên đầy năng động của một huyện vùng sâu.

Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

Những ngày cuối năm, chúng tôi về Mộc Hóa, vùng đất biên cương Tổ quốc. Ông Nguyễn Văn Lê, người dân ấp 3, xã Bình Hòa Đông phấn khởi: “Nhờ trúng vụ lúa nên năm nay, gia đình tôi ăn tết đầy đủ hơn. Gà, vịt sẵn có trong chuồng, chỉ cần ra chợ mua thêm vài ký thịt heo cùng với một ít bánh mứt, con cháu về đông đủ là ấm cửa, vui nhà”.

Cầu dây văng Bình Phong Thạnh được xây dựng khang trang, giúp người dân 2 bên dòng sông Vàm Cỏ Tây xích lại gần nhau hơn

Men theo Đường tỉnh 817 vừa được láng nhựa phẳng phiu, chúng tôi về các xã được huyện chọn triển khai thực hiện vùng lúa chất lượng cao. Nhìn cánh đồng lúa trải dài ngút ngàn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, Bí thư Huyện ủy - Lê Văn Chính cho biết: “Diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện hàng năm được duy trì ổn định trên 43.000ha. Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, nhất là làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, bền vững”.

Đến nay, vùng lúa chất lượng cao và cánh đồng lớn được huyện thực hiện với tổng diện tích 4.365/44.879ha, đạt gần 156% so với kế hoạch tỉnh giao (2.800ha); trong đó, vùng lúa chất lượng cao được thực hiện với diện tích 2.207ha.

Hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện Dự án Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn 3 xã: Bình Hòa Trung, Bình Hòa Tây, Bình Hòa Đông với diện tích tỉnh giao là 2.500ha. Để có những mùa vàng bội thu, huyện tập trung đầu tư hạ tầng, trạm bơm điện, đê bao lửng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện hình thành và phát triển 4 hợp tác xã nông nghiệp, phát huy hiệu quả mô hình sản xuất liên kết 4 nhà, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đưa sản lượng lương thực toàn huyện đạt trên 260.000 tấn/năm.


Nhiều nhà ngói, biệt thự mọc lên, tạo nét đô thị mới cho xã Bình Phong Thạnh

Ông Nguyễn Văn Thưởng, nông dân ấp Bình Trung 1, xã Bình Hòa Trung cho biết: “Nhờ được chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng; áp dụng “3 giảm - 3 tăng” nên tăng năng suất, giảm chi phí, lợi nhuận thu được cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống từ 1,5-2 triệu đồng/ha”.

“Năm 2017, huyện tiếp tục tập trung nạo vét kênh mương nội đồng, bảo đảm 100% diện tích trong vùng quy hoạch sản xuất đủ nước tưới tiêu; phấn đấu đến cuối năm, 100% diện tích trong dự án hoàn chỉnh hệ thống đê bao lửng gắn với giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, huyện triển khai chương trình cơ giới hóa sản xuất, phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ diện tích trong vùng quy hoạch được sản xuất theo quy trình VietGAP” - Bí thư Huyện ủy - Lê Văn Chính cho biết thêm.

Bình Phong Thạnh - thị trấn năng động trong tương lai

Bí thư Huyện ủy - Lê Văn Chính cho biết, huyện đang tập trung nguồn vốn ngân sách cùng với huy động các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu trước năm 2020, phát triển đô thị Bình Phong Thạnh trở thành thị trấn.

Song song đó, huyện hoàn thành dự án khu tái định cư và nhà ở cho cán bộ, công chức huyện. Qua đây, góp phần tạo cảnh quan kiến trúc và phát triển đô thị cũng như giúp cán bộ, công chức trên địa bàn huyện an cư, lạc nghiệp.

Nằm bên sông Vàm Cỏ Tây, xã Bình Phong Thạnh ngày nay dần hiện ra dáng dấp của một đô thị. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng lên, tương xứng với khu trung tâm kinh tế - chính trị của huyện.

Đặc biệt, hệ thống trường học từng bước được đầu tư xây dựng, xã hiện có 3 trường học, trong đó, trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhiều nhà ngói, biệt thự mới xây, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, chợ nông thôn, trung tâm y tế, bưu điện được đầu tư xây dựng khang trang,...

Chợ Bình Phong Thạnh được xây dựng phục vụ nhu cầu mua bán của người dân

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Phong Thạnh - Nguyễn Văn Minh: “Để đẩy nhanh tốc độ phát triển Bình Phong Thạnh lên thị trấn trước năm 2020, địa phương tiếp tục tập trung nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện, ngân sách xã và kêu gọi xã hội đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình công cộng, đường giao thông, các dịch vụ công,... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

Đến nay, Mộc Hóa quy hoạch, triển khai khu tái định cư và nhà ở cho cán bộ, công chức giai đoạn 1, với diện tích 7,5ha, trong đó, xây dựng trên 6,4ha, được bố trí 443 lô nền đất ở với tổng mức đầu tư trên 65 tỉ đồng. Giai đoạn 2 được huyện tiếp tục triển khai thu hồi đất và xây dựng với diện tích 4,6ha, bố trí 164 lô nền đất ở cho cán bộ, công chức.

Đầu năm 2013, điều chỉnh địa giới hành chính Mộc Hóa cũ thành lập thị xã Kiến Tường, đến nay, huyện Mộc Hóa (mới) với khoảng thời gian không dài, nhưng bằng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân làm cho bộ mặt địa phương ngày càng thay đổi, nhiều công trình “Ý đảng - lòng dân” được mọc lên. Một mùa xuân nữa lại về, hòa trong không khí rộn ràng lan tỏa khắp nơi nơi là sự phấn khởi, tin tưởng của người dân vùng đất anh hùng vào một cái tết sung túc, đầm ấm hơn./.

Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết