Tiếng Việt | English

07/11/2017 - 00:15

Mộc Hóa: Xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn

Những cây cầu bêtông thay cho cầu khỉ cheo leo luôn là niềm mơ ước của người dân huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Và ước mơ đó trở thành hiện thực qua từng ngày khi thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn ra sức vận động xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Nối liền những tuyến đường  

Xác định việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn chính là việc làm cấp bách tạo thuận lợi trong lưu thông, góp phần phát triển KT-XH, thời gian qua, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, huyện Mộc Hóa tập trung xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Năm 2016, huyện vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng 5 cây cầu giao thông nông thôn, tải trọng dưới 2,5 tấn, mỗi cây cầu trị giá trên 220 triệu đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ xây dựng 2 cây cầu. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, huyện được Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động doanh nghiệp Đồng Tâm và Ôtô Trường Hải xây dựng 7 cây cầu giao thông nông thôn, mỗi cây cầu trị giá 1 tỉ đồng. Cuối tháng 10/2017, đưa vào sử dụng 3 cây cầu, 4 cây cầu còn lại đang chờ khởi công.

Cầu dây văng Bình Phong Thạnh góp phần nối nhịp bờ vui

Chủ tịch UBND xã Bình Phong Thạnh - Hồ Văn Đạt cho biết: “Từ những cây cầu giao thông được xây dựng, đời sống người dân ở đây thay đổi rất nhiều. Trước đây, người dân đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa nước nổi. Năm 2016, xã được lãnh đạo huyện vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 2 cây cầu giao thông nông thôn, trị giá gần 1 tỉ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng 1 cây cầu trị giá 120 triệu đồng và người dân đóng góp xây dựng 3 cây cầu, mỗi cây trị giá dưới 50 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2016, xã đưa vào sử dụng cầu dây văng Bình Phong Thạnh, góp phần phát triển KT-XH địa phương”.

Anh Phạm Văn Ngời, ngụ ấp 1, xã Bình Phong Thạnh, chia sẻ: “Lúc trước, chưa có cầu dây văng Bình Phong Thạnh, nơi đây có đến 4 bến đò mới đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Việc đưa vào sử dụng cầu dây văng tạo thuận lợi trong đi lại, mua bán, trao đổi nông sản. Là địa bàn vùng sông nước nên Bình Phong Thạnh rất cần những cây cầu giao thông nông thôn liên ấp, liên xã. Mong rằng thời gian tới, có thêm nhiều cây cầu được xây dựng, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển”.

Cần lắm những cây cầu giao thông nông thôn

Bà Nguyễn Thị Tam, ngụ ấp 6, xã Tân Lập, cho biết: “Năm 2016, ông Trịnh Xuân Đạo và Nhóm Nhân Tâm hỗ trợ xây dựng cầu Nhân Tâm, trị giá trên 220 triệu đồng, đến tháng 5 thì đưa vào sử dụng. Nhờ có cây cầu, người dân và học sinh đi lại thuận tiện. Hiện tại, người dân ấp 6 đang rất cần cây cầu bắc qua sông để đến trung tâm xã thuận tiện hơn. Bây giờ, muốn đến xã phải mất gần cả tiếng đồng hồ”.

Cầu Nhân Tâm đưa vào sử dụng góp phần giúp người dân đi lại thuận tiệnTrưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mộc Hóa - Phạm Đăng Khoa thông tin: “Năm 2017, ngoài nguồn vận động của Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, huyện còn vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp xây dựng 3 cây cầu giao thông nông thôn, mỗi cây cầu trị giá từ 200 - 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện đều bố trí ngân sách xây dựng cầu giao thông nông thôn. Song nhu cầu về cầu giao thông nông thôn của huyện còn rất cao. Năm 2018, huyện tiếp tục cân đối ngân sách để xây dựng cầu, đồng thời vận động xã hội hóa, phấn đấu đến năm 2020 xóa cầu tạm”.

Xây dựng cầu giao thông nông thôn nối liền những tuyến đường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hy vọng thời gian tới, huyện Mộc Hóa tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, mạnh thường quân,… cùng xóa cầu tạm, góp phần “đánh thức” tiềm năng huyện vùng sâu./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích