Tiếng Việt | English

20/01/2020 - 13:51

Một hộ dân khiếu nại việc tranh chấp lối đi

Trong hồ sơ địa chính, giấy tờ liên quan đều thể hiện lối đi công cộng, tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng do sai sót trong quá trình đo đạc, nâng tỷ lệ bản đồ nên đã không công nhận lối đi chung vào nhà ông Trần Minh Nhứt, ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, làm gia đình ông bức xúc gửi đơn phản ánh đến cơ quan chức năng.

Lối đi chung vào nhà ông Trần Minh Nhứt và một vài hộ dân khác đang xảy ra tranh chấp
Lối đi chung vào nhà ông Trần Minh Nhứt và một vài hộ dân khác đang xảy ra tranh chấp

Có phải là lối đi chung?

Về con đường dẫn vào hộ gia đình ông Nhứt và một vài hộ dân, ông Nhứt cho rằng nó được hình thành từ năm 1991, gia đình ông và một vài hộ khác đi trên con đường này. Hiện trạng con đường bêtông ngang 0,5m đoạn từ Đường tỉnh 832 dẫn vào nhà ông Nhứt khoảng 150m đã xuống cấp, hư hỏng. Việc đi lại giữa các hộ gia đình vẫn bình thường, không có bất kỳ sự tranh chấp hay ngăn cản, cho đến khi ông Nhứt mở thêm lối đi mỗi bên 13cm thuộc một phần thửa đất số 112, 113 của ông Dương Hòa Thắng và 158 của bà Lê Thị Viện. Ông Nhứt cho rằng, theo hồ sơ bản đồ địa chính xác định lối đi này là đường đi công cộng, ông khiếu nại buộc ông Thắng và bà Viện chấm dứt ngăn cản việc ông nâng cấp và mở rộng lối đi công cộng đã xuống cấp. 

Ông Nhứt nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Tân Trụ. Tuy nhiên, ngày 16-8-2019, tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp lối đi. Xét theo yêu cầu của ông Trần Văn Tổng (cha ông Nhứt) yêu cầu hộ gia đình ông Thắng và bà Viện mở lối đi mỗi bên 13cm thuộc một phần thửa đất số 112, 113 và 158. Theo Công văn số 337/CNVPĐK, ngày 07-8-2019 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Trụ thì căn cứ theo bản đồ địa chính, phần lối đi giữa các thửa đất số 112, 113 và 158, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, là lối đi công cộng do UBND xã quản lý nên tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Ông Nhứt cho biết: “Con đường này là con đường duy nhất để gia đình tôi đi lại. Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà tôi được cấp thể hiện lối đi chung chính là con đường bêtông nêu trên. Trái lại, phía ông Thắng và bà Viện cho rằng phần diện tích đất đang tranh chấp là con đường đi nằm trong thửa đất tiếp giáp thửa 112, 113 và 158 là lối đi tự tạo, phía gia đình tôi và một vài hộ khác chỉ đi nhờ. Mặc dù trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và theo bản đồ địa chính của các ngành chức năng đều thể hiện lối đi chung, thế nhưng UBND xã lại không công nhận lối đi công cộng mà gia đình tôi đi lại hàng chục năm nay”.

Cần sớm giải quyết dứt điểm 

Theo Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Ngọc Thanh Phương, vừa qua, UBND xã An Nhựt Tân có nhận đơn xin giải quyết đo và xác định ranh lối đi cho hộ gia đình ông Trần Minh Nhứt. Trường hợp này trước kia UBND xã đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành do hai bên không tự thỏa thuận được. Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đây là lối đi công cộng do UBND xã quản lý. Để giải quyết trường hợp này, UBND xã tiến hành xác minh lại nguồn gốc của lối đi. Cũng theo ông Phương, qua quá trình xem xét, xác minh các hộ dân trong khu vực xung quanh, các hộ dân xác định đây là lối đi chỉ phục vụ 1-2 hộ gia đình, không phải là lối đi công cộng phục vụ nhiều người. Lối đi được hình thành từ trước có chiều rộng của lối đi như hiện trạng đang sử dụng là khoảng 0,5m. Do  trong quá trình đo đạc nâng tỷ lệ bản đồ, đơn vị đo đạc của Bộ Quốc phòng thể hiện trên bản đồ lối đi có chiều rộng từ 0,7-0,9m là không đúng với hiện trạng sử dụng. Trường hợp này, UBND xã sẽ có công văn kiến nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xem xét lấy ý kiến khu dân cư để xác minh, điều chỉnh lại trên bản đồ địa chính tất cả lối đi công cộng trên địa bàn xã cho đúng với hiện trạng sử dụng từ trước đến nay nhằm bảo đảm tính công bằng cho người dân, tránh mâu thuẫn, tranh chấp. Việc ông Nhứt có nhu cầu mở rộng lối đi để thuận tiện cho việc đi lại của bản thân và gia đình thì nên tự thỏa thuận với các chủ đất liền kề.

Để xác định được lối đi này là lối đi chung hay lối đi tự tạo thuộc quyền sử dụng của riêng gia đình các hộ liền kề như hộ ông Thắng và hộ bà Viện hay không, cần phải rà soát, làm rõ việc trong hồ sơ địa chính, giấy tờ đều thể hiện lối đi này đã hình thành từ trước đó có nằm trong phần diện tích đất của gia đình các hộ ông Thắng, bà Viện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không? Từ đó giải quyết theo quy định pháp luật.

Trường hợp thửa đất của ông Nhứt bị bao bọc bởi các mảnh đất khác, lối đi qua phần diện tích đất nhà ông Nhứt là lối đi duy nhất thì theo Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015, các hộ dân có thửa đất liền kề phải có nghĩa vụ dành lối đi đó cho nhà hàng xóm (hộ ông Nhứt) và gia đình ông Nhứt phải có nghĩa vụ thỏa thuận.

Điều 254. Quyền về lối đi qua

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết