Tiếng Việt | English

21/03/2019 - 11:31

Một ngày ở chốt kiểm dịch động vật ngăn dịch tả heo châu Phi

Những ngày này, các chốt kiểm dịch ngăn dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Long An luôn có lực lượng 24/24 giờ túc trực để kiểm soát nguồn heo, phun thuốc khử trùng,... Hầu như toàn bộ các xe chở heo từ ngoại tỉnh qua địa bàn Long An đều được kiểm soát chặt chẽ.

Chủ động ngăn chặn dịch

17 giờ, ngày 19/3/2019, chiếc xe tải mang biển số Đồng Nai chở 99 con heo từ Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vào địa phận Long An qua đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương rồi hướng về điểm xuống Bến Lức (xã An Thạnh) để đến Lò giết mổ gia súc Dương Văn Nghĩa trên địa bàn huyện Bến Lức. Nhận thấy chốt kiểm dịch, tài xế Nguyễn Chí Tình dừng xe, lực lượng gồm cảnh sát giao thông, cán bộ thú y, dân quân,... nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ. Mỗi người một việc và rất thuần thục để tiến hành các thủ tục: Kiểm tra niêm phong thùng xe, kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ về thú y liên quan đến số heo nói trên, kiểm tra lâm sàng về tình trạng heo trên xe, cũng như tiến hành khử trùng toàn bộ xe.

Thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng heo, xe di chuyển về Long An qua chốt xã An Thạnh

Thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng heo, xe di chuyển về Long An qua chốt xã An Thạnh

Tài xế Nguyễn Chí Tình cho biết: “Mỗi ngày, tôi có 1 chuyến xe chở heo từ Đồng Nai về Long An. Từ Đồng Nai đến Long An, tôi qua 2 trạm kiểm dịch để thực hiện các thủ tục cũng như khử trùng heo, xe. Các thủ tục được tiến hành nhanh, gọn, theo đúng quy trình. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc kiểm soát này tôi cho là cần thiết nhằm tránh lây nhiễm lan rộng gây thiệt hại kinh tế của người chăn nuôi”. Khi tiến hành xong đầy đủ các thủ tục, xe đủ điều kiện được đóng dấu của chốt và lưu thông vào địa phận Long An. 

Liền kề xe tải do tài xế Nguyễn Chí Tình điều khiển là xe mang biển số Long An do tài xế Lê Văn Thịnh điều khiển. Anh Thịnh cho biết, xe anh đang chở 15 con heo nái loại thải từ Tây Ninh đi hướng xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa) về Bến Lức giết mổ. Anh Thịnh nói: “Từ Tây Ninh về Long An, tôi chỉ qua trạm kiểm dịch duy nhất tại xã An Thạnh. Việc kiểm dịch ở chốt này rất cần thiết, đặc biệt, đây được xem là nơi đầu tiên đón heo từ các địa phương khác như Tây Ninh, Đồng Nai,... vào Long An. Nếu tôi không hoàn tất các thủ tục, nhận dấu phúc kiểm ở chốt này thì heo sẽ không đi vào được tỉnh Long An để giết mổ”.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Đội Nghiệp vụ số 2 - Trần Ngọc Đỉnh thông tin, buổi chiều tầm 16 giờ đến 20 giờ là cao điểm của các xe chở heo về Long An thực hiện giết mổ. Bình quân mỗi ngày, tại chốt có khoảng 15 xe chở heo từ các địa bàn khác vào Long An qua chốt kiểm dịch này. Mỗi xe tùy tải trọng từ vài chục con cho đến vài trăm con heo. Ngoài việc kiểm dịch và tiêu độc, khử trùng trên heo, tại chốt này, chúng tôi còn thực hiện kiểm dịch, tiêu độc, khử trùng cả các xe chở trâu, bò, gia cầm.
Anh Phạm Phú Quí là cán bộ thú y thuộc xã Bình Đức được tăng cường tại chốt kiểm dịch xã An Thạnh. Anh cho biết: “Tôi được phân công trực hàng ngày từ 6 giờ đến 18 giờ. Công việc chính của tôi là kiểm tra lâm sàng trên heo thông qua màu da, nhiệt độ, nếu có bất thường sẽ báo với đội trưởng và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết heo nhập về Long An qua ngõ An Thạnh chưa có bất thường”. 

Phải loại trừ những nguy cơ lây lan

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có 8 chốt kiểm dịch, gồm: 3 chốt ở Bến Lức, 2 chốt ở TP.Tân An, 1 chốt ở Cần Giuộc và 2 chốt ở Đức Hòa. Long An là tỉnh có số lượng cơ sở giết mổ xuất tỉnh lớn, cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM. Nguồn heo nội tỉnh cung cấp cho các lò giết mổ không nhiều, chủ yếu nhập từ các tỉnh khác nên nguy cơ nhiễm bệnh khá cao.

Cán bộ thú y kiểm tra niêm phong thùng xe tại chốt xã An Thạnh, huyện Bến Lức

Cán bộ thú y kiểm tra niêm phong thùng xe tại chốt xã An Thạnh, huyện Bến Lức

Những ngày này, chốt kiểm dịch tại điểm xuống TP.Tân An của cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lực lượng trực 24/24 giờ. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Tân An - Nguyễn Văn Minh - cán bộ trực tại chốt kiểm dịch này, cho biết: “Tại chốt này, xe chở heo vào địa phận Long An không nhiều, bình quân mỗi ngày có từ 4-8 xe chở heo, nguồn heo nhập về chủ yếu từ Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Đồng Nai. Lượng xe từ Đồng Nai nhập về Long An chiếm 75%”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, những ngày đầu lập chốt, nhiều tài xế chở heo chưa biết có kiểm dịch nên không dừng và lực lượng làm nhiệm vụ phải nhắc nhở. Đến thời điểm này, hầu hết tài xế chở heo đều chấp hành nghiêm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh: Các chợ đầu mối cũng như tiểu thương cần quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, mạnh dạn từ chối nhập nguồn hàng không rõ nguồn gốc, không xuất xứ qua con đường chính thống để phân phối ra thị trường. Về mặt an toàn thực phẩm, có thể khẳng định dịch tả heo châu Phi không lây lan qua người. Những con heo còn sống nếu lỡ mang mầm bệnh thì cũng không gây bệnh trực tiếp cho người. Nhưng nguy cơ về lây nhiễm bệnh, đặc biệt bệnh cho đàn heo còn sống là rất lớn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm: Sở NN&PTNT đã có văn bản quán triệt đến các cơ sở giết mổ và cơ sở thu gom động vật. Theo đó, các cơ sở giết mổ và cơ sở thu gom động vật phải chấp hành đúng các quy định về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và tất cả phương tiện vận chuyển heo ngoài tỉnh nhập vào cơ sở phải qua chốt kiểm dịch của tỉnh để kiểm tra, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và được chốt kiểm dịch xác nhận. Các cơ sở không tiếp nhận nguồn heo không rõ nguồn gốc, không qua chốt kiểm dịch, nghi ngờ bệnh hoặc có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm. Đối với heo nhập vào cơ sở có nguồn gốc trong tỉnh, phải có giấy thông tin nguồn gốc với đầy đủ thông tin rõ ràng (ấp, xã, huyện) và số điện thoại người bán. Nếu là heo xuất phát từ các cơ sở thu gom động vật, phải ghi rõ nguồn gốc ban đầu và có chữ ký của cán bộ thú y. Đồng thời, Sở NN&PTNT yêu cầu các cơ sở phải duy trì tốt hố khử trùng tại lối ra, vào cơ sở; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại cơ sở hàng ngày và tất cả phương tiện vận chuyển ra, vào cơ sở; thông báo cho nhân viên thú y trước khi nhập heo vào cơ sở trước 1 giờ để được kiểm tra tình trạng vệ sinh thú y, niêm phong và các giấy tờ liên quan.

Hy vọng, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các ngành chức năng, các tiểu thương mua bán thịt heo nhận thức rõ về nguy cơ lây dịch, Long An sẽ giữ được môi trường chăn nuôi an toàn và không có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết