Tiếng Việt | English

30/09/2020 - 07:10

Một ngày tại khoa Cấp cứu

Mỗi ngày, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp nhận 30-40 trường hợp bị tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có những người mãi mãi ra đi, có người tàn tật suốt đời.

Mỗi ngày, tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Long An tiếp nhận 30-40 trường hợp bị tai nạn giao thông

Mỗi ngày, tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Long An tiếp nhận 30-40 trường hợp bị tai nạn giao thông

Nỗi đau cho người ở lại

Có mặt tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An vào một ngày của tháng 9, chứng kiến tình cảnh gia đình anh N.V.N., không ai có thể cầm được nước mắt. Anh N. ngồi thẫn thờ cùng 2 đứa con nhỏ bên ngoài khoa Cấp cứu. Bác sĩ thông báo anh chuẩn bị tinh thần vì vợ anh không thể qua khỏi. Theo lời kể của anh N., vợ anh bị xe tải tông trên đường đi làm về. Rồi mai đây, anh cùng các con phải sống thế nào khi gia đình thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ, người vợ?

Theo chia sẻ của bác sĩ trực cấp cứu, thời gian qua, rất nhiều trường hợp do chạy quá tốc độ cho phép, thiếu quan sát kỹ và sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông dẫn đến gây tai nạn. Như trường hợp anh T.V.T. (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) trên đường đi đám cưới đã bị xe máy lưu thông ngược chiều tông trúng. Cú va chạm mạnh khiến anh T. bị chấn thương sọ não nặng và giập phổi nên không thể qua khỏi. 

Được biết, vợ anh bỏ đi khi con mới 9 tháng tuổi. Thấy con thiếu thốn tình thương của mẹ, anh T. cố gắng làm ăn để lo cho con. Sự ra đi của anh khiến con trẻ thêm bơ vơ, lạc lõng. Với người thân của các nạn nhân tử vong vì TNGT, đây là nỗi đau không gì bù đắp được. Ngày nhận tin dữ, mẹ anh T. như chết lặng. Còn con trai anh mặc dù được ông bà nội cố gắng động viên, chăm sóc nhưng cũng không sao khỏa lấp được nỗi đau mất cha. Con anh vẫn thường hỏi bà nội: “Khi nào con mới gặp được cha? Con ước gì có cha, có mẹ như các bạn”.

Hay trường hợp một bệnh nhân (BN) nam, còn trẻ tuổi, được cấp cứu gần đây do TNGT. Theo bác sĩ Hồ Thị Cẩm Giang (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An), BN này từng bị chấn thương sọ não và phẫu thuật 1 lần do bị TNGT. Lần cấp cứu này, BN cũng bị TNGT và nhập viện trong tình trạng hôn mê, oxy máu thấp. May mắn là lần này BN không bị chấn thương sọ não nhưng bị tràn khí màng phổi, giập phổi và gãy xương đòn. Chúng tôi tiến hành dẫn lưu màng phổi để cứu BN. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, BN có nồng độ cồn trong máu. Với trường hợp này, nếu BN không uống rượu, bia và về khuya thì tai nạn có thể không xảy ra. Vì vậy, người dân khi tham gia giao thông cần quan sát kỹ, hạn chế tốc độ và không nên uống rượu, bia.

Đừng để “nhanh một phút, chậm một đời”

Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể có nhiều biện pháp góp phần kiềm chế TNGT. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ngành Công an còn phối hợp các cấp, ngành, địa phương thành lập nhiều mô hình về ATGT tại trường học và các tuyến đường nhằm giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Các ngành chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Những nơi hạ tầng, biển báo giao thông xuống cấp, bất cập cũng được quan tâm sửa chữa.

Từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, TNGT sau khi sử dụng rượu, bia giảm mạnh. Tuy nhiên, mỗi ngày, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp nhận từ 30-40 trường hợp bị TNGT. Con số này cho thấy, TNGT luôn tiềm ẩn, rình rập trong đời sống và cướp đi tính mạng, sức khỏe của nhiều người.

Tai nạn giao thông không chỉ gây tốn kém về chi phí điều trị mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội

Tai nạn giao thông không chỉ gây tốn kém về chi phí điều trị mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội

Nguyên nhân gây ra TNGT là do người điều khiển phương tiện ý thức kém, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ; sử dụng rượu, bia khi điều khiển xe; chạy quá tốc độ cho phép; phóng nhanh, vượt ẩu. Ngoài ra, có những đường nhỏ, hẹp, chỉ phù hợp với các loại xe di chuyển chậm, mật độ thưa nhưng thực tế lượng xe lưu thông quá nhiều, đa phần là ôtô, môtô phân khối lớn nên dễ dẫn đến TNGT. Các tuyến đường đang được nâng cấp, tu sửa cũng dễ dẫn đến các sự cố, gây TNGT nếu không được bảo đảm an toàn.

Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An - Bùi Hoàng Hải cho biết: “Những người tham gia giao thông bằng phương tiện môtô, xe máy là đối tượng dễ bị thương nhất khi xảy ra tai nạn. Bởi, thiết bị bảo vệ an toàn cho họ duy nhất chỉ có chiếc nón bảo hiểm. Hiện vẫn còn nhiều trường hợp tử vong do chấn thương sọ não. Vì vậy, ngoài chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không lái xe khi đã uống rượu, bia, người tham gia giao thông cần sử dụng nón bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người thân trong gia đình”.

Hậu quả TNGT không chỉ thiệt hại tài sản mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi người phải tự nhận thức được thảm họa của TNGT và có hành vi đúng đắn khi tham gia giao thông, đừng để “nhanh một phút, chậm một đời”./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết