Tiếng Việt | English

06/06/2018 - 15:05

Một thời ngang dọc ở Hoàng Sa, Trường Sa

Những làng chài phát triển mạnh thì trong làng thường có một thế hệ ngư dân từng ngang dọc giữa đại dương với kinh nghiệm đi biển và đánh bắt hải sản rất dày dạn. Lão ngư dân Nguyễn Văn An, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là một trong những người như vậy.

Lão ngư Nguyễn Văn An trao đổi với cán bộ biên phòng về kinh nghiệm đi biển. Ảnh: Lê Văn Chương

Lão ngư Nguyễn Văn An trao đổi với cán bộ biên phòng về kinh nghiệm đi biển. Ảnh: Lê Văn Chương

Theo dấu cá xà

Ông Nguyễn Văn An (SN 1951) là ngư dân có dáng người nhỏ nhắn, cách nói chuyện và “lý luận” về nghề biển khá rành mạch. Mỗi khi kết thúc một vấn đề, ông An lại cười hiền từ và ánh mắt thoáng hiện ra cái nhìn sâu vào ký ức của một thời ngang dọc khắp đại dương. Ông An cho biết, năm 1985, ông sắm được một chiếc tàu có thân vỏ dài khoảng 15m. Cửa biển Tam Quan vào thời đó thưa thớt tàu, vì vậy, bạn chài rất hoan hỉ, đến xin ông cho đi, có người còn gợi ý cho mượn tiền để được nhận một suất đồng hành trên con tàu “hiện đại”, nổ máy là chạy băng băng. Đội ngư dân lên tàu của ông đều là những tay câu cá mập có nghề, không ngại đi xa, miễn sao câu được cá.

Nghề câu cá mập không thể lẩn quẩn gần bờ mà phải đi ra khơi cách vài trăm hải lý. Tàu ra quần đảo Hoàng Sa, ông An thường chọn mốc thời gian chạy để có thể cập đảo khi trời còn sáng. Nếu trời tối, cho tàu chạy mò mẫm thì dễ húc lên bãi đá ngầm, bỏ mạng như chơi. Ông An chỉ vào hải đồ trên màn hình vi tính và cho biết nhiều nơi ông từng ở lại, đi qua, trong đó có nhiều hòn đảo ở Hoàng Sa: Bạch Quy, Đá Lồi, Quang Hòa, Quang Ảnh,...

Ngư dân đánh bắt gần bờ gọi cá mập là cá nhám. Cá mập là loại hung dữ, nhưng tên gọi là cá nhám nghe có vẻ hiền lành. Nhưng đi câu xa như đội quân trên tàu của ông An thì họ thường gọi cá mập là cá xà. Cá mập ở vùng biển Hoàng Sa thời trước toàn là cá lớn, trọng lượng 400-500kg/con (hiện nay, phần lớn là cá có trọng lượng 50-70kg/con).

Thăm thẳm trên biển

Gần 35 năm trước, những chuyến đi xa xôi như vậy đối với ông An là không hẹn ngày về, vì không có thiết bị liên lạc, biệt tăm với đất liền, không có thiết bị định vị, không có thông tin dự báo thời tiết rõ ràng. Ông An cứ theo kinh nghiệm đã học ở người cha và những người lớn tuổi trong làng, nhìn trời, nhìn nước, nhìn sao Bánh Lái, sao Cày, Bắc Đẩu để đoán biết hướng và tình hình gió trong những ngày tới. Dưới hầm tàu, chiếc máy cũ và già nua thỉnh thoảng lại phát ra âm thanh “khịt khịt” báo hiệu lốc máy bị trục trặc, các ngư dân lại đổ đồ nghề ra tự sửa chữa rồi lại tiếp tục hành trình. Ông An cho biết, trên tàu mang theo những thiết bị sơ cua như so đũa, súp pắp, ty bơm, pét dầu. Nếu máy chết một lốc mà anh em không khắc phục được thì cho máy chạy cò, để 2 lốc còn lại hoạt động kéo một lốc bên cạnh.

Có ngày, tàu ông lênh đênh khắp nơi rồi cập vào đảo Trường Sa. Thời đó, tàu cá của ngư dân ra đảo rất ít và đội ngư dân của ông luôn được bộ đội đón tiếp chu đáo. Sau khi trà nước xong, anh em quay ra hỏi dùng thiết bị gì để đi từ Bình Định ra đến Trường Sa, ông An giơ ra tờ hải đồ và chiếc định vị đi rừng khiến anh em bộ đội phải tròn mắt ngạc nhiên.

Theo ông An, ngoài khơi xa, có nhiều nơi có cá xà sinh sống. Ông An miêu tả, có những con nặng cả tấn, các ngư dân phải thả thúng và mang dao bầu xuống đu lên cá. Ba lăng xích loại 2 tấn được nối dây kéo cá lên khỏi mặt nước, sau đó chặt làm nhiều khúc mới đưa được lên boong, tránh cho tàu bị lật nghiêng. Những con cá xà này có da rất dày và bề mặt da nhám giống như bức tường xi măng, vì vậy, các ngư dân phải mặc quần áo dày để khi đu lên thân cá không bị trầy xước.

Sống phiêu bạt giữa biển cả, giữa sự sống và cái chết đã tạo cho ông An những giác quan đặc biệt để định hướng cho con tàu. Ông An nhìn lên bầu trời và nghiệm ra quy luật, cứ buổi chiều chim hải âu bay về phương nào thì đảo nằm ở hướng đó. Còn buổi sáng thì đảo nằm ngược hướng với đàn chim bay đi. Ông An còn nghiệm được “mùi của đảo”. Đó là luồng gió biển có mùi tanh của rong rêu thì xác định được hướng đến đảo, cứ cho tàu mở hướng này và đi mãi thì đảo sẽ hiện ra phía trước mũi con tàu.

Chỉ huy trong bờ

Gần 35 năm sau, chàng ngư dân ngày nào phiêu bạt trên biển đã trở thành một lão ngư tóc bạc. Hàng ngày, ông An vẫn luôn nghe ngóng tin tức của các ngư dân đi trên 2 con tàu BĐ 97587 TS và BĐ 96776 TS của gia đình. Những người con trai của ông nối nghiệp cha ra khơi trên chiếc tàu đầy đủ thiết bị hiện đại như định vị vệ tinh, la bàn, ra-đa tránh đâm va, máy đo độ sâu... Giờ đây, ngư dân ra khơi chỉ cần bấm tọa độ là thước điện tử đã hiện lên màn hình để con tàu chạy thẳng một mạch ra tới đảo. Vì vậy, chuyện những người như ông thời trước mò mẫm trên biển đã trở thành chuyện cổ tích.

Tuy hiện nay, các ngư dân trẻ được trang bị máy móc hiện đại, nhưng kinh nghiệm tìm luồng cá, xem nước, xem trời để phán đoán tình hình thời tiết trong một khu vực nhỏ thì không ai có thể qua mặt được lão ngư dân già. Kinh nghiệm đó được ông An đúc kết qua thực tế. Cả cuộc đời mò mẫm đi trên biển, ông An mới bị gặp nạn một lần tại đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Những ngư dân một thời đi biển mạo hiểm với ông An, sau này đều có cuộc sống khá giả và đào tạo con cái họ trở thành những “kình ngư” giỏi giang ở cửa biển Tam Quang./.

Lê Văn Chương

Chia sẻ bài viết