Tiếng Việt | English

11/07/2019 - 19:25

MTTQ Việt Nam tỉnh Long An - 5 năm thực hiện Hiến pháp 2013

Để việc phát huy vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam bảo đảm theo hiến định, nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ, quan tâm lãnh, chỉ đạo, tạo điều kiện cả về lực lượng cán bộ, kinh phí.

Hiến pháp năm 2013 ra đời là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Với ý nghĩa đặc biệt đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp được MTTQ và các tổ chức thành viên quan tâm nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. MTTQ các cấp thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền, cùng các tổ chức thành viên đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tập hợp, đoàn kết toàn dân thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy dân chủ; từng bước thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Các nội dung hiến định được cụ thể hóa bằng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền các cấp tạo điều kiện, phối hợp triển khai thực hiện; trình độ, năng lực cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Ủy ban MTTQ TP.Tân An tổ chức Hội nghị phản biện xã hội

Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Long An (nhiệm kỳ 2019- 2024) đã hiệp thương thống nhất thành viên UBMTTQ Việt Nam cùng cấp, đại diện tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo trong tỉnh với tổng số 6.418 ủy viên UBMTTQ cấp xã, 834 ủy viên UBMTTQ cấp huyện, là đại diện tiêu biểu cho các tầng lớp, các giai cấp trong thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động, nghị quyết đại hội đề ra. Đại hội đại biểu (ĐB) MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ IX diễn ra vào ngày 23 đến 24/7/2019 là đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong hệ thống MTTQ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện các mục tiêu KT-XH của tỉnh.

Về thực hiện vai trò “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, trong cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiến hành hiệp thương, giới thiệu 11 ứng cử viên ĐB Quốc hội, 101 ứng cử viên ĐB HĐND tỉnh, 1.825 ứng cử viên ĐB HĐND cấp huyện, 8.490 ứng cử viên ĐB HĐND cấp xã; hiệp thương giới thiệu 38 hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, 310 hội thẩm nhân dân cấp huyện. Thực hiện vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, nhiều cán bộ, công chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên là ĐB HĐND, phát huy vai trò đại diện trong xây dựng nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND.

Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đoàn viên, hội viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đều được Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng cấp tham gia đóng góp ý kiến trước khi ban hành; thực hiện tốt thông báo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền tại các kỳ họp định kỳ của HĐND các cấp.

Qua đó, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực thi chính sách, pháp luật. Nhiều cuộc vận động do Mặt trận phát động được các tổ chức thành viên cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, mô hình tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Sau khi có Quyết định 217/QĐ-TW, Quyết định 218/QĐ-TW của Bộ Chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, công tác này từng bước đi vào nề nếp.

Đặc biệt, từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung, đối tượng giám sát, phản biện xã hội ngày càng mở rộng. Ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được cấp thẩm quyền tiếp thu, xem xét, trả lời thỏa đáng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác tuyên truyền Hiến pháp chưa sâu, rộng, thường xuyên; việc tham gia đóng góp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa nhiều, chất lượng chưa cao; công tác giám sát, phản biện xã hội còn ít, chưa đi vào những lĩnh vực khó; chất lượng giám sát, phản biện xã hội chưa cao, nội dung kiến nghị chưa cụ thể; việc theo dõi, đôn đốc sau kiến nghị chưa thật sự quyết liệt.

Để việc phát huy vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam bảo đảm theo hiến định, nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ, quan tâm lãnh, chỉ đạo, tạo điều kiện cả về lực lượng cán bộ, kinh phí; cán bộ MTTQ, các tổ chức thành viên Mặt trận có trình độ, năng lực phù hợp, ý thức trách nhiệm cao thì nơi đó có nhiều cách làm hay, phong trào tốt, hoạt động của MTTQ các tổ chức thành viên Mặt trận đạt chất lượng, hiệu quả cao./.

Mộng Thu

Chia sẻ bài viết