Tiếng Việt | English

20/02/2018 - 10:00

MTTQVN tỉnh Long An: Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

4 năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Long An tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 217/QĐ-TW và Quyết định số 218/QĐ-TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Kết quả bước đầu

Từ năm 2014 đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức gần 700 cuộc giám sát trên các lĩnh vực, tập trung vào những vấn đề bức xúc của người dân: Quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ môi trường - ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, dạy nghề trong nông thôn, giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài,... Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng được tiến hành thường xuyên, liên tục. Ban thanh tra nhân dân giám sát trên 3.000 cuộc, có kiến nghị và được xem xét giải quyết, trả lời 612/654 vụ việc. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát gần 4.000 công trình, có kiến nghị và được xét giải quyết, trả lời 476/544 vụ việc. MTTQ tổ chức góp ý hàng chục dự thảo văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan thẩm quyền, nhiều nội dung góp ý được cơ quan soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội (thành viên của MTTQ) cũng tổ chức giám sát hàng ngàn cuộc với nhiều nội dung thiết thực.

Hàng năm, Ngày hội đại đoàn kết được tổ chức góp phần phát huy vai trò của hệ thống Mặt trận cơ sở. Ảnh: Kim Khánh

Hàng năm, Ngày hội đại đoàn kết được tổ chức góp phần phát huy vai trò của hệ thống Mặt trận cơ sở. Ảnh: Kim Khánh

Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn thụ động trong việc chọn nội dung, đối tượng giám sát, có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, trùng lặp nội dung, đối tượng giám sát giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trình độ, năng lực giám sát của cán bộ hạn chế; việc theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa có sự tập trung; công tác phản biện xã hội còn lúng túng. Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, cơ bản nhất là nhận thức của cán bộ Mặt trận, đối tượng được giám sát, cấp ủy, chính quyền về công tác này chưa thật sự đầy đủ, chưa đúng, nhiều cơ quan e ngại khi được giám sát, chưa chủ động đề nghị MTTQ phản biện các dự thảo văn bản; nguồn nhân lực và điều kiện phục vụ công tác giám sát có hạn.

Hiện nay, các quy định, của Đảng, Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng hoàn thiện, gần đây nhất là Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội; Văn bản số 1173 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị; Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định ban hành hướng dẫn khung để cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, là cơ sở quan trọng tiếp theo để MTTQ thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bên cạnh thuận lợi trên, công tác giám sát, phản biện xã hội còn những khó khăn nhất định: Chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về phản biện xã hội; giám sát của MTTQ không có chế tài, không ràng buộc trách nhiệm nên việc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa cao.

Tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

Nhằm phát huy vai trò của MTTQ và nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp:

Một là, MTTQ là chủ thể của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về công tác này; phát huy vai trò chủ thể, chủ động làm đầu mối phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm, tránh hiện tượng chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng, xác định rõ nội dung từng tổ chức chủ trì, nội dung phối hợp giữa các tổ chức, chú trọng những vấn đề bức xúc trong nhân dân; tham mưu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tập trung hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, quy trình giám sát, phản biện xã hội nhằm giúp cán bộ nâng cao năng lực giám sát. Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động giám sát, phản biện xã hội, theo dõi việc giải quyết các nội dung kiến nghị sau giám sát.

Hai là, Đảng vừa với vai trò lãnh đạo, vừa là thành viên của MTTQ các cấp nên sự quan tâm của cấp ủy quyết định hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Việc quan tâm của cấp ủy phải bằng những việc làm cụ thể: Tiếp tục quán triệt thống nhất nhận thức, hành động về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, xem đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho MTTQ để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Định kỳ, nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát; chủ động đề nghị MTTQ phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy; có những quy định về việc xem xét giải quyết, trả lời kiến nghị của MTTQ. 

Ba là, đối với chính quyền có chương trình phối hợp MTTQ cùng cấp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các nội dung phối hợp hàng năm, chủ động đề nghị MTTQ phản biện các dự thảo văn bản, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch quan trọng; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, kinh phí để MTTQ thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Tiếp  thu, xem xét giải quyết, trả lời kịp thời những kiến nghị của MTTQ.

Thực tiễn cho thấy, muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thì cần có sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, trên cơ sở ban hành chủ trương, chỉ đạo, quy định trách nhiệm rõ ràng; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của chính quyền, các ngành; sự nỗ lực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, huy động trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, có như vậy, nhân dân mới mạnh dạn, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị./.

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng 

Chia sẻ bài viết