Tiếng Việt | English

20/03/2018 - 10:54

Mua giống lúa xác nhận, sạ thành lúa lộn

Bỏ số tiền lớn mua giống lúa xác nhận về gieo sạ vụ Đông Xuân nhưng khi lúa phát triển đến giai đoạn làm đòng, một số hộ dân ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An phát hiện tỷ lệ lúa lộn quá nhiều, ảnh hưởng lớn đến năng suất và thiệt hại nhiều thứ.

Giống lúa kém chất lượng

Theo phản ánh của anh Lê Văn Phước, ngụ ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, khi ra thăm đồng, anh “dở khóc, dở cười” vì phát hiện 2,5ha lúa khoảng 40 ngày tuổi có quá nhiều lúa lộn. Kiểm tra thửa ruộng khác (5ha) của gia đình, anh cũng phát hiện tình trạng tương tự. Anh phản ánh ngay với Đại lý Vật tư nông nghiệp Ba Triều, nơi mua giống lúa xác nhận. Nhưng thời gian đầu, đại lý chỉ ậm ừ cho qua chuyện chứ không trực tiếp đến ruộng lúa của anh xem xét.

Anh Phước bức xúc: “Mấy năm nay, tôi vẫn gieo sạ giống lúa OM 4900 nhưng chưa năm nào xảy ra tình trạng như năm nay. Nếu ít thì tôi có thể chấp nhận, còn đằng này, lúa lộn mọc lên quá nhiều. Trong khi mua giống lúa mất hơn 17 triệu đồng. Giống lúa được quảng cáo chỉ tiêu chất lượng cấp 1, độ sạch ≥99% nhưng không ngờ, tôi lại nhận giống lúa kém chất lượng”.

Lúa lộn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến năng suất cũng như gây thiệt hại cho nông dân

Lúa lộn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến năng suất cũng như gây thiệt hại cho nông dân

Tương tự gia đình anh Phước, anh Nguyễn Văn Hợp và anh Nguyễn Văn Niềm, ngụ ấp 915, xã Nhơn Ninh (sản xuất lúa tại xã Nhơn Hòa) mua chung đợt giống lúa với anh Phước và cũng gặp tình trạng lúa lộn mọc lên quá nhiều.

Anh Hợp cho biết: “Chúng tôi không kiểm tra kỹ vì giống lúa đóng trong bao bì, hơn nữa lại là giống xác nhận nên tin tưởng. Lúc đầu, lúa vẫn phát triển bình thường nhưng đến giai đoạn trổ đòng thì phát hiện, có nhiều cây vượt lên trổ đòng trước, kiểm tra mới biết là lúa lộn, không phải giống OM 4900 thuần chủng như nhà cung cấp quảng cáo”.

Theo ghi nhận tại ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, đến thời điểm hiện tại, có 4 nông dân phản ánh tình trạng mua giống lúa xác nhận nhưng gieo sạ thành lúa lộn trong vụ Đông Xuân 2017-2018 và trình báo với chính quyền địa phương. Toàn bộ giống lúa kém chất lượng mà người dân mua đều là giống lúa OM 4900 do Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh nếp giống Long Hồ, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, sản xuất, phân phối thông qua Đại lý Vật tư nông nghiệp Ba Triều, ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh.

Trước phản ánh của các hộ dân, chiều ngày 15/3/2017, ông Phan Văn Triều - chủ Đại lý Vật tư nông nghiệp Ba Triều, cùng cán bộ Khuyến nông xã Nhơn Hòa đến trực tiếp ruộng lúa của anh Lê Văn Phước để nắm tình hình cũng như ghi nhận tình trạng lúa lộn. Theo ông Phan Văn Triều, đại lý của ông lần đầu tiên hợp tác với Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh nếp giống Long Hồ trong việc phân phối giống lúa với nhiều loại: Nàng Hoa, nếp, OM 6976 và OM 4900. Đến nay, chỉ có người dân mua giống OM 4900 (lô giống sản xuất ngày 10/10/2017) phản ánh tình trạng lúa lộn. Trong lô lúa giống này, đại lý phân phối trên 2 tấn. “Trước sự việc này, đại lý nhiều lần liên hệ với cơ sở sản xuất lúa giống để có biện pháp cùng hỗ trợ nông dân” - ông Triều nói.

Thiệt hại nhiều thứ

Sau khi anh Phước liên hệ trực tiếp với cơ sở sản xuất lúa giống thì có cán bộ của cơ sở đến nhà, trực tiếp khảo sát tại ruộng, lấy mẫu và hứa hẹn sẽ có biện pháp hỗ trợ. “Sau khi khảo sát, cán bộ cơ sở sản xuất lúa giống thông báo với tôi, tỷ lệ lúa lộn chiếm khoảng 20%” - anh Phước cho biết. Theo tính toán của anh, vụ này chắc chắn thiệt hại năng suất từ 10-20%. Ngoài ra, anh còn lo lắng thương lái ép giá khi thu hoạch lúa.

 Gia đình anh Lê Văn Phước, ngụ ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, mua phải  giống lúa kém chất lượng của Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh nếp giống Long Hồ

Gia đình anh Lê Văn Phước, ngụ ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, mua phải  giống lúa kém chất lượng của Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh nếp giống Long Hồ

Còn anh Nguyễn Văn Hợp lo lắng: “Hiện, lúa phát triển được khoảng 65 ngày. Lúa lộn có thời gian sinh trưởng ngắn nên vào giai đoạn chắc hạt, một số đã chín và bắt đầu rụng hạt, trong khi số lúa thuần chủng mới trổ bông. Cơ sở sản xuất vẫn chưa có biện pháp hỗ trợ thỏa đáng nên chúng tôi chưa có kinh phí để loại bỏ lúa lộn. Chắc chắn, số lúa lộn này sẽ ảnh hưởng các vụ tiếp theo”.

Theo thông tin từ các hộ dân mua phải giống lúa kém chất lượng, hiện, cơ sở sản xuất lúa giống chỉ đồng ý hỗ trợ số tiền 500.000 đồng/ha cho các hộ dân. Tuy nhiên, theo các hộ dân, số tiền hỗ trợ này quá thấp, không đủ chi phí thuê người ngắt lúa lộn thì nói gì đến việc hỗ trợ thiệt hại. Do đó, những hộ dân này kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp can thiệp để Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh nếp giống Long Hồ sớm giải quyết thỏa đáng cho nông dân.

Bà Lê Thị Khéo - cán bộ Khuyến nông xã Nhơn Hòa, cho biết: “Từ trước đến nay, tại địa phương chưa xảy ra tình trạng người dân mua phải giống lúa kém chất lượng. Trường hợp mua phải lúa lộn như gia đình anh Phước, anh Hợp, thiệt hại về năng suất là chắc chắn. Nhưng đó chỉ là thiệt hại ban đầu, nếu người dân không có biện pháp xử lý lúa lộn thì ảnh hưởng còn kéo dài đến nhiều vụ sau. Hiện, chúng tôi theo dõi vụ việc để có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp nông dân khắc phục thiệt hại”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết