Tiếng Việt | English

23/01/2017 - 03:00

Múa rồng Việt ngày tết ẩn chứa điều gì?

Số lẻ của các khớp xương của con rồng được coi là tốt lành, vì vậy người ta thường làm một con rồng có 9, 11, 13 khúc, thậm chí 29 khúc.

Liên hoan múa rồng Hà Nội 2012 - Ảnh tư liệu TTO

Mỗi dịp xuân về, tết đến, những tiếng trống, thanh la, chập chõa vang rền khắp nẻo đường báo hiệu những đoàn múa lân sư rồng đang đến để biểu diễn cho mọi người những điệu múa vui mắt, không kém phần uyển chuyển và hùng dũng…

Rồng là một trong bốn loài thú linh thiêng: long (rồng), lân, quy (rùa) và phượng; gắn liền với cội nguồn của dân tộc Việt qua truyền thuyết Lạc Long Quân (vua rồng) đã kết duyên với tiên nữ Âu Cơ và sinh ra nòi giống Lạc Việt.

Từ những hình tượng rồng trong dân gian, các thế hệ cha ông người Việt đã tìm tòi, phát triển và hình thành nên điệu múa rồng phổ biến từ lâu khắp đồng bằng sông Hồng, trong các lễ hội mùa xuân. Nhiều nghiên cứu cho thấy múa rồng có từ thời Lý.


Múa rồng ở chợ Bến Thành cũ cuối thế kỷ 19 khi chợ còn ở đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay - Tranh Le Monde Illustre

Múa rồng trên đường Nguyền Huệ đầu thế kỷ 20 - Ảnh bưu thiếp


Múa rồng torng tranh Đông Hồ - Ảnh tư liệu

Tạo hình rồng để múa

Rồng là một con vật huyền thoại, không có trong thực tế. Người xưa cho rằng rồng là loài rắn có chân, vảy ngũ sắc, đầu lạc đà, sừng nai, mắt quỷ, tai bò, cổ rắn, chân cọp, móng chim ưng, bụng cá sấu.

Từ đó, con rồng sử dụng để biểu diễn thường được cấu tạo thành ba loại: rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào cây cứng để múa; rồng tròn được làm bằng giấy cứng, có bụng tròn và dài; rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không để biểu diễn. Cũng có loại rồng làm bằng cây cỏ, tre nứa, giấy bồi… nhưng phổ biến nhất là rồng vải.

Số lẻ của các khớp xương của con rồng được coi là tốt lành, vì vậy người ta thường làm một con rồng có 9 khúc, 11 khúc, 13 khúc, và thậm chí là một con rồng 29 khúc. Rồng được làm hơn 15 khúc là quá nặng cho việc nhảy, và được sử dụng chủ yếu cho màn ra mắt, vì vậy loại rồng đặt nặng vấn đề trang trí và tạo ra niềm tự hào của tay nghề cao ở cả hai lĩnh vực thủ công và công nghệ.

Cơ thể con rồng được dệt thành một hình dạng tròn của dải tre mỏng, phân làm từng đoạn, và được phủ một tấm vải lớn màu cùng một lớp vảy rồng trang trí trên nó. Toàn bộ thân rồng thường lên đến 30m chiều dài - và mỗi người biểu diễn giữ một thanh dài 1-2m để nâng cao các phân đoạn.

Màu sắc thân rồng

Dù loại rồng nào cũng vẫn được sử dụng một màu sắc chung cho toàn thân con rồng nhằm biểu tượng cho các ý nghĩa mang tính thiêng liêng.

Người ta cho rằng con rồng có thân màu đỏ khi múa sẽ đem lại sức mạnh, đem lại sự may mắn cho tất cả người dự khán.

Còn con rồng có thân màu vàng và màu bạc khi múa sẽ đem lại sức mạnh cho sự lợi lộc vàng bạc sung túc cho gia chủ của căn nhà mà rồng đang múa.

Trong khi đó, rồng có thân màu xanh da trời khi múa sẽ đem lại sức mạnh cho sự hoà bình, thanh bình, an lạc.

Số người tham gia múa rồng

Các nghệ sĩ tham gia múa rồng khá đông, để điều khiển một con rồng thông thường cần khoảng từ 10 - 15 người, tùy vào kích cỡ rồng. Ngoài ra còn có một người đóng vai trò như người cầm trò cho các điệu múa là chàng dũng sĩ đi trước đầu rồng với quả ngọc và cây “gậy thần”.

Trang phục của người tham gia múa rồng là sự đồng đều cả màu sắc hình khối. Riêng chàng dũng sĩ với quả ngọc và gậy thần đi trước có trang phục khác màu cho rực rỡ, thể hiện sự khỏe mạnh của một võ tướng.

Trang phục của các nghệ sĩ múa còn lại là quần áo cùng màu, có diềm, thắt lưng, còn mũ là mảnh khăn bịt đầu, buộc túm phía sau (quần gọn, có sà cạp cho khỏe).

Bí quyết của múa rồng là sự đồng đều, tính tập thể rất thống nhất và nhịp nhàng. Và nghệ thuật múa rồng ngoài sự dẻo dai mang tính nghệ thuật, còn đòi hỏi người tham gia có sức khỏe tốt, đặc biệt là người điều khiển đầu rồng và đuôi rồng, vì đầu rồng, đuôi rồng cồng kềnh, to, nặng, người múa lại phải phối hợp khi lượn sóng, lúc lộn, chui qua nhau, lúc bay lúc lượn…

Riêng chàng dũng sĩ cần có võ thuật để quay, nhảy, lật qua thân rồng, bay qua mình rồng.

Các dũng sĩ múa “ngọc” rất khéo léo, làm chủ “cây gậy thần” trong các tư thế khi thì xuống tấn, lúc tràn, đoạn thì bay người, nhảy chồm lên đầu rồng, có những lúc ở tư thế trảm mã tấu, rồi lật nhảy co và song phi tung mình vung gậy thần qua đầu rồng.

Âm nhạc trong múa rồng

Trong màn múa Lân - sư - rồng, tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa là loại nhạc nền đặc biệt quan trọng. "Tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...", là âm điệu giao hòa của trống, thanh la và chập chõa.

Trống đánh trong các cuộc múa Lân - sư - rồng gọi là thất tinh cổ (trống bảy sao). Người đánh trống phải là người trưởng phái, hoặc phụ tá thứ nhất của trưởng phái.

Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp của lân, sư hay rồng như chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, nhờ đó mới có thể diễn tả được hết hùng khí của lân, oai phong của sư và rồng.


Múa rồng ở liên hoan Lân - Sư - Rồng TP.HCM lần 1 năm 2016 sáng 30-10-2016 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: QUANG ĐỊNH - DUYÊN PHAN

Ngày nay có ít nhất hơn 30 điệu múa rồng chính thức.

Trong các cuộc hội thi quốc tế, múa rồng có tám tiết mục: Bàn long (múa rồng chạy vòng tròn), Chữ “chi” (múa rồng chạy hình chữ S), Thủy ba (múa rồng có hình dạng thân rồng dập dềnh như sóng nước), Phong đằng (múa rồng nhảy lên cao, quay ngược lại), Phong chuyển (múa rồng như gặp gió xoay), Phi long (múa rồng như đang bay), Chồng tháp (những người múa rồng đứng chồng lên nhau có hình dạng như tháp cao), Dao bãi (múa rồng dang rộng ra).

Thực tế thì sự biến hóa rất phong phú, tài hoa. Chẳng hạn qua các đợt liên hoan lân - sư - rồng ở TP.HCM trong những năm qua, riêng múa rồng là cả một bộ sưu tập: Kim long đại chiến hùng nhân (Rồng - Tôn Ngộ Không), Thanh long quá hải, Thanh long xuất trận, Long quá vũ môn, Hoàng long chúc phúc, Kim long xuất động, Hồng long đảo thủy, Uyên ương dạ quang long, Dạ quang long (con Rồng cháu Tiên)...

Hồ Tường

 

Chia sẻ bài viết