Tiếng Việt | English

19/05/2018 - 15:28

Mưa trên mái lá

Mùa hè rộn rã tiếng ve trên tán cây. Chiều, trời đang ngột ngạt bỗng dưng đổi sắc, những đám mây trắng đục ngùn ngụt kéo đến vây kín miền quê yên bình. Mưa bắt đầu rơi, từng hạt nhẹ, tí tách trên mái nhà như xua tan cái nóng bức. Ngoài vườn, những giồng khoai tím bất giác nhảy múa, xòe chiếc lá màu tím sen hứng lấy dòng nước mát lành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính về đến nhà khi cơn mưa dần nặng hạt. Anh cuộn tấm áo mưa vắt lên cây sào tre trước hiên nhà, vừa hối hả phủi mấy giọt nước trên người cho ráo, vừa cất tiếng gọi bà Tư:

- Má ơi, má đâu rồi?

Không nghe bà Tư trả lời, anh gọi thêm lần nữa rồi đi thẳng ra sau tìm bà. Không thấy má đâu, Chính tặc lưỡi: “Mưa gió kiểu này mà còn đi đâu không biết?!”. Chợt Chính thấy ai khom lưng ngoài giồng khoai tím sau nhà, anh hốt hoảng:

- Trời ơi, má! Má làm cái gì ngoài này vậy nè?

Bà Tư lắp bắp, run lên bần bật:

- Mưa lớn quá, má sợ giồng khoai bị ngập! Coi nè, má nhổ được nhiêu đây thì con về.

Chính nhìn bà Tư, dịu giọng:

- Thôi, má vào nhà đi. Ướt hết rồi! Để mai con đào hết giồng khoai này đem chất dưới giàn bếp.

Một tay Chính dìu bà Tư, một tay khệ nệ xóc rổ khoai ngang hông đi vào trong nhà. Anh lấy bình thủy, pha nước ấm cho bà Tư rửa mặt, rửa tay. Người quê thường ác cảm với những cơn mưa đầu mùa. Muốn trữ nước mưa trong khạp để uống cả năm, người quê phải đợi hai, ba cơn mưa đi qua mới tranh thủ sửa lại chiếc máng xối trên mái lá hứng nước. Ngày Chính còn nhỏ, mỗi đợt mưa đầu mùa trút xuống, anh hí hửng rủ bọn trẻ trong xóm cởi trần tắm mưa ngoài bờ sông. Bà Tư biết được, xăm xắp: “Mưa đầu mùa, tắm cho cảm chết hay gì?”, hồi đó, Chính còn tinh nghịch, bị bà Tư la rầy rồi lững thững đi vào trong buồng, giả bộ ngủ. Cả ngày hôm đó, Chính không ăn cơm, bà Tư dỗ dành cỡ nào Chính cũng nằm thiu thỉu, thi thoảng trờ tay ra khỏi cửa sổ hứng mấy giọt nước mưa rồi thả trôi trên gò má. Chiều hôm đó, Chính lén bà Tư ra gốc còng ngoài xóm tắm mưa. Bé Uyển từ nhà ngoại đi về ngang qua đầu xóm, thấy Chính vô tư tạt nước, cô bé đội nón lá qua méc bà Tư. Lần đó, Chính no đòn. Mấy nhát roi quất xuống cái mông độn một lớp mo cau có đau đớn gì đâu mà Chính giận suốt một tuần không nói chuyện với má, Chính bỏ cả thói quen đứng đợi cô bé Uyển nhà bên đến trường mỗi sớm tinh mơ. Lần đó, Chính giận Uyển suốt một mùa mưa, cô bé thoáng buồn. Giờ thì Chính trở thành chàng thanh niên hiền lành, chăm chỉ, giỏi giang nhất xóm. Cả cô Uyển bé bỏng năm nào cũng vươn vai thành cô thiếu nữ xinh đẹp, nết na, cô sinh viên trường y trên thành phố. Lớp trẻ lớn lên, người lớn ngày càng thấy mình già nhanh. Như Uyển, mới hôm nào còn thắt bím phía sau, đôi mắt lúc nào cũng ướt đẫm vì cái tật khóc nhè không bỏ. Như bà Tư, năm nào tóc còn búi lọn sau gáy, chèo xuồng mấy quãng sông cân hàng bông về bán vẫn thấy trong người “khỏe re”... bây giờ mái đầu đã bạc, đôi mắt hằn in những vết chân chim. Ai rồi cũng lớn, cũng trưởng thành, rời xa cái vỏ bọc ngây ngô, khờ dại thuở còn cởi truồng tắm mưa, lội sông bắt vịt... 

Đôi lúc nằm bên bà Tư bóp tay, xoa vai, sờ đôi gò má người già hóp hép, Chính nghĩ mình mắc nợ bà Tư rất nhiều. Bao lần Chính dạy học trò, đọc đến câu: “Con với má không phải hòn máu cắt - Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”, nước mắt Chính bật ra, giọng anh ngùi ngùi đặc sệt. Bà Tư nhặt Chính bên đầu cầu tre trong một sớm mai đầy nắng, bà không gửi Chính vào trại trẻ mồ côi trên tỉnh mà nuôi nấng anh đến tận bây giờ, chăm từng muỗng sữa, muỗng cơm, dạy từng bài học làm người. Từ đó đến nay, ngót nghét hơn 25 năm trời đằng đẵng. 

Trên đời này, kỳ quan đẹp nhất suy cho cùng vẫn là tấm lòng bao dung, vị tha, là trái tim người mẹ.

Tốt nghiệp đại học, Chính từ bỏ những cánh cửa mở ra nơi phố thị, trở về quê, đi dạy học tại một trường cấp ba. Chính dạy văn, tính hiền, học trò rất mực yêu thương. Một chiều, cánh đồng trong vắt, bà Tư vừa lặt rau muống, vừa thì thào:

- Năm nay con cũng 25, 26 rồi đó Chính. Coi đứa nào được thì nói má cau trầu dạm hỏi, má già rồi, lỡ có chuyện gì, con còn có người bầu bạn.

Chính cười tít mắt như đứa trẻ:

- Hai má con ở vậy cũng vui! Hồi xưa, má cũng đâu có chồng? Phải má có chồng thì má con mình đâu có gặp nhau? Rồi anh hạ giọng, buồn buồn - Mà cưới người hiền lành, rộng lượng không nói gì, ngộ nhỡ cưới ngay cô vợ đanh đá, thà con ở vậy với má còn hơn.

Bà Tư gõ đầu Chính, mắng yêu:

- Tổ cha mày, lớn rồi mà như con nít. Má biết mày đợi ai rồi?

- Trời ơi, nước sôi tự nãy giờ rồi kìa má! - Chính nói lảng.

Bà Tư vẫn không chịu buông tha, bà tủm tỉm:

- Đợi con Uyển thì nói đại đi. Hồi xưa mày ghét nó bao nhiêu, lớn lên mày thương nó bấy nhiêu. Má biết hết!

Chính nhìn má, thoáng cười rồi ánh mắt rụt rè, hồ nghi:

- Mà biết Uyển có thương con không má ơi! Đi học trên thành phố, ai biết lòng người ta... 

- Nói bậy, nó buồn, tội nghiệp! Mới hôm qua, má con Uyển còn í ới gọi tao ngoài bờ mương, nói cuối tháng nó về. Về luôn! Nó xin làm trong bệnh viện huyện nè. 

- Má nói thiệt hả má? - Chính trố mắt, mặc dù đã gắng gượng kiềm chế cảm xúc nhưng anh vẫn không giấu được niềm vui mừng dâng lên trong lòng.

- Ừ, thiệt! Đợi nó về rồi tao với má nó ngồi lại tính chuyện cho hai đứa bây. Má già rồi, có con Uyển về ấm nhà, ấm cửa.

Đôi mắt người già ánh lên những giọt hồng hạnh phúc.

Đêm nay, mưa lại ào ào đổ trên mái nhà. Chiếc khạp trước nhà đã đầy nước, bà Tư thả vào trong khạp mấy con cá bảy màu diệt lăng quăng. Chính nằm trên giường, nghe tiếng mưa rơi mà đếm giọt thời gian. Thời gian mà Chính nghĩ đến không phải là giờ, là phút, là giây... mà chính là thời gian đời người: Thơ ấu, thanh xuân, trưởng thành, già nua bạc tóc. Thương sao dáng má lưng còng, gánh nặng cuộc đời đè nặng trên vai. Ở cái tuổi gần đất xa trời, điều mà người già khát khao chính là sự bình yên, ấm áp, là hạnh phúc đơn sơ nhưng thiêng liêng màu thời gian rêu gió...

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích