Tiếng Việt | English

18/08/2016 - 09:14

Mùa Vu Lan của những người con xa nhà

Vì cuộc sống mưu sinh, họ rời quê nhà, lập nghiệp tha hương nhưng trong lòng luôn đau đáu nỗi nhớ quê, nhớ cha mẹ. Và nỗi niềm ấy càng nặng trĩu với những người con xa xứ khi thêm một lần đón Vu Lan xa nhà.

Đi chùa báo hiếu

Quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, anh Trần Đức Đạm Khánh chọn mảnh đất Đức Hòa để tìm việc. Hơn 5 năm làm việc rồi lập gia đình tại đây cũng là 5 lần anh đón mùa Vu Lan xa mẹ, xa cha.

Cha mẹ anh Khánh đều là giáo viên về hưu nên cuộc sống khá ổn định. Không phải lo toan nhiều về đời sống vật chất của mẹ cha nhưng anh luôn mong, cha mẹ có những ngày sống vui, thoải mái lúc tuổi già. Vì vậy, dù công việc của một kế toán doanh nghiệp hiếm có thời gian rảnh nhưng cứ đến ngày rằm tháng 7, anh Đạm Khánh vẫn dành thời gian lễ chùa để cầu sức khỏe, bình an cho cha mẹ.

Đi lễ chùa cầu nguyện được nhiều người con xa nhà chọn như một cách để báo hiếu mẹ, cha trong mùa Vu Lan

Đi chùa, ăn chay trong mùa Vu Lan được nhiều người con xa nhà chọn như một việc làm ý nghĩa nhằm báo hiếu song thân. Chị Nguyễn Thúy Trinh rời quê nhà Vĩnh Long đến huyện Đức Hòa làm công nhân đã 3 năm, vì ở quê không có ruộng đất, lại khó tìm việc.

Chị Trinh nói rằng: “Ngoài việc hàng tháng gửi tiền về để mẹ trang trải việc nhà, đến rằm thàng 7, tôi đều ăn chay cầu phước cho mẹ. Ở gần nhà trọ của tôi có một ngôi chùa nên trong mùa Vu Lan, tôi đến đây thắp nhang cầu nguyện cho mẹ mạnh khỏe, sống lâu với con cháu, bởi tuổi ngày càng cao nên mẹ tôi thường nay yếu mai đau”.

Sống tốt là báo hiếu cho cha mẹ

Ít đi lễ chùa, ít ăn chay vì nghĩ rằng “Phật tại tâm” nên có những người con xa nhà cho rằng, chỉ cần sống tốt, làm điều có ích là cha mẹ sẽ vui, là báo hiếu song thân. Đó là suy nghĩ của chị Đỗ Thị Mỹ Linh, quê ở Quảng Ngãi vào Long An mưu sinh bằng nghề bán bóp da, mắt kính dạo hơn 10 năm nay.

Mỗi ngày, chị dậy từ 5 giờ sáng để đón xe buýt xuống thị xã Kiến Tường để bán. Chiều về lại Tân An, ăn vội bữa cơm đạm bạc, chị dọn hàng ra Trung tâm Văn hóa bán đến tận 22 giờ. “Ngày rằm tháng 7, thấy nhiều người đi chùa cầu an cho gia đình, tôi cũng muốn đi nhưng công việc như thế rất khó sắp xếp. Thôi thì, tôi nghĩ, báo hiếu cha mẹ có nhiều cách. Cha mẹ tôi thường bảo, sinh con ra chỉ mong con vui vẻ, hạnh phúc là cha mẹ vui và an tâm. Vì vậy, chỉ cần tôi sống tốt, gia đình tôi hạnh phúc, con cái học giỏi, hiếu thảo với ông bà là tôi đang báo hiếu mẹ cha” - chị Linh tâm sự.

Còn chị Trần Thị Phúc, quê ở tỉnh Thái Bình cùng gia đình nhỏ vào Long An kiếm sống bằng nghề thu mua ve chai hơn 5 năm nay. Sống xa nhà đã lâu nhưng lúc nào, chị cũng nhớ quê và mong được về sum họp cùng gia đình. “Mùa Vu Lan, thấy nhiều người đưa mẹ đi chùa mà tôi buồn và thương mẹ. Vì hoàn cảnh mà tôi không thể ở gần bên cạnh để chăm sóc mẹ sớm tối. Thôi thì, tôi cố gắng làm việc lo cho gia đình, nuôi con để mẹ an tâm. Còn ngày Vu Lan không bên mẹ, tôi chỉ biết gọi điện thoại về hỏi thăm, chúc sức khỏe mẹ mà thôi” - chị Phúc nghẹn ngào.

Những ước mơ về một mùa Vu Lan bên mẹ, bên cha tuy bình dị nhưng lại khó với những người lập nghiệp xa nhà. Với họ, sống tốt, siêng năng lao động kiếm tiền đủ lo cho gia đình để mẹ cha ở quê nhà bớt phần lo lắng đã là báo hiếu đấng song thân./.

Khánh Ly

Chia sẻ bài viết