Tiếng Việt | English

12/05/2019 - 11:37

Mưu sinh trước cổng các bệnh viện

Không biết từ khi nào, khu vực trước cổng các bệnh viện trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các gánh, xe hàng rong kinh doanh buôn bán. Vỉa hè bị “chiếm dụng” khiến cả khu vực này như một khu chợ thu nhỏ.

Chợ thu nhỏ trước cổng bệnh viện

Chị L.T.K.T, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: “Dù được bày bán tràn lan, không được che chắn tránh bụi, không bảo đảm vệ sinh nhưng những “chợ” ở trước cổng bệnh viện vẫn có nhiều khách hàng. Những bệnh nhân đến từ nhiều nơi, không quen đường sá, vì vậy ra đây mua cho dễ. Lý do chủ yếu vẫn là sự tiện lợi, không mất thời gian đi chợ”.

Phía sau mỗi gánh, xe đẩy bán hàng rong trước cổng các bệnh viện là những nỗi niềm

Bà N.T.B, bán bắp luộc, bánh tráng trên chiếc xe đẩy trước cổng Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Bán hàng rong ở đây đã nhiều năm, nhìn cảnh đau ốm của người bệnh cấp cứu hàng ngày, tôi mơ ước mình luôn mạnh khỏe. Đói nghèo gì tôi cũng chịu được, chỉ mong trời thương cho mình khỏe mạnh để buôn bán kiếm sống qua ngày”.

Một phụ nữ trung niên có “shop” nhỏ trước cổng Bệnh viện Đa khoa Long An nhưng bày bán đủ thứ, từ những đồ dùng sinh hoạt của trẻ em đến người già, nước ngọt, bánh, rượu và cả mồi nhắm cho những người buồn bã, rảnh rang vì nuôi người thân trong bệnh viện. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị tâm sự: “Quê tôi ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, lấy chồng về xã Bình Tâm, TP.Tân An gần 20 năm rồi. Không có nghề nghiệp, bằng cấp, tôi chọn buôn bán nhỏ trước cổng bệnh viện để mưu sinh. Ở nơi này, nhìn cảnh đau ốm, chết chóc đã quen. Có những người nuôi bệnh cả năm trời và trở thành “bạn hàng thân thiết”. Trước khi bán hàng, tôi luôn hỏi thăm bệnh tình người thân của họ, cùng vui với họ khi nhận được tin lạc quan. Cũng không ít lần chạnh lòng vì những giọt nước mắt của người thăm nuôi khi bệnh tình thân nhân họ trở nặng”. 

Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và cảnh xe ôm chèo kéo khách xảy ra hàng ngày trước cổng các bệnh viện. Những nơi này, vỉa hè bị lấn chiếm để phục vụ việc buôn bán. Những người bán hàng sử dụng quang gánh, xe đẩy, xe kéo đến rồi đi nườm nượp, nhác thấy bóng lực lượng chức năng là dời đi, sau đó thì cảnh buôn bán lại đâu vào đấy. 

Phía sau mỗi gánh, xe đẩy bán hàng rong trước cổng các bệnh viện là những nỗi niềm

Phía sau mỗi gánh, xe đẩy bán hàng rong trước cổng các bệnh viện là những nỗi niềm

Bên cạnh cuộc mưu sinh là những nỗi niềm

Những người bán hàng trước cổng các bệnh viện quá quen với cảnh nửa đêm khi không có khách, vừa chợp mắt lại nghe tiếng còi xe cấp cứu khẩn thiết, chưa kịp choàng tỉnh đã nghe tiếng khóc của người nhà bệnh nhân. Có những đêm khuya nghe ồn ào, ghé mắt nhìn bên kia cổng bệnh viện đã thấy kéo xe ra, người phủ toàn màu trắng tang thương, những người thân vật vã theo sau...

Bà Đặng Kim Thanh, ngụ khu phố 3, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, bán chuối chiên trước cổng Bệnh viện Đa khoa Bến Lức, nói: “Ở những nơi này, ít có ai khỏe mạnh muốn ở lại lâu, còn tụi tôi đã quen rồi. Dù cuộc sống chật vật, buôn bán mỗi ngày kiếm được ít tiền lời sống qua ngày nhưng chúng tôi chỉ có một mơ ước nhỏ nhoi đó là đừng bao giờ ốm đau, bệnh tật. Trong và trước cổng bệnh viện là chỗ để nghĩ về chữ “sinh, lão, bệnh, tử” của nhân gian. Đời người quá vô thường, mình tuy vất vả nhưng vẫn còn may mắn hơn những người vào đó”.

“Mỗi khi chứng kiến sự tuyệt vọng của người nhà bệnh nhân khi bác sĩ nói không còn hy vọng gì nữa thì thương họ đến nao lòng” - một chị bán tạp hóa trước cổng Bệnh viện Đa khoa Long An chia sẻ./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích