Tiếng Việt | English

08/08/2017 - 16:02

Mưu sinh từ sản vật đồng quê

“Về sông ăn cá về đồng ăn cua” - mỗi vùng mang theo một sản vật thiên nhiên như câu ca ấy. Và, những sản vật ấy cũng là nguồn mưu sinh của người dân vùng thôn quê...

Không hoàn toàn là vùng sông nước, sản vật thiên nhiên không nhiều, không trù phú như vùng Đồng Tháp Mười nhưng ở một số khu vùng sông của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhiều người cũng sống bằng nghề giăng câu, kéo lưới, hái rau,... mỗi khi đến mùa mưa.

Dù 68 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Hoàng vẫn lặn lội bắt ốc, hái rau mang ra chợ bán

Về sông ăn cá...

Gần 10 năm nay, tiểu thương chợ Hòa Khánh quen với hình ảnh cụ bà tuổi 68 mang mấy bó rau, vài kilôgam cá ra chợ bán vào mỗi buổi sáng. Đó là những sản vật đồng quê mà tự thân bà Nguyễn Thị Hoàng, ngụ ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông lặn lội bắt, hái từ con kênh Láng Ven gần nhà. Nào là đọt chùm bao, mồng tơi, rau muống bán vào mùa khô; còn bây giờ, khi mưa xuống và nước lại về, “gian hàng” nhỏ của bà có thêm vài kilôgam cá và ốc. “Ốc làm sạch có giá 50.000 đồng/kg. Các loại rau sạch hái ven sông chỉ hơn 10.000 đồng/kg” - bà Hoàng giới thiệu.

Mưu sinh từ những sản vật đồng quê, chủ yếu lấy công làm lời, bà Hoàng nói: “Mỗi sáng, cứ bán hết là tôi trở về nhà, ra kênh hái rau và trái bình bát để ngày hôm sau đem ra chợ bán. Ngoài ra, tôi còn lội ruộng bắt ốc, đặt thời, kiếm thêm vài kilôgam cá. Mỗi ngày, tôi kiếm được hơn 50.000 đồng để mua thức ăn cho 2 mẹ con. Còn các khoản chi phí khác nhờ vào tiền làm thợ hồ của con trai tôi”.

Nhưng nguồn sản vật đồng quê ấy không đủ để bà mưu sinh quanh năm. Vì thế, những tháng mùa khô, bà gác chuyện buôn bán, đi rửa chén thuê. Đến khi mưa xuống, ruộng, đồng, kênh, rạch có nước về, bà lại mò cua, bắt ốc, đặt cá, hái rau để bán. Có những lần bị con vắt cắn đau điếng nhưng bà vẫn lặn lội mưu sinh để phụ con khoản tiền nho nhỏ trang trải cuộc sống gia đình.

Nhờ buôn bán cá đồng, vợ chồng chị Võ Thị Hồng Thêm có tiền trang trải cuộc sống

Quê ở tỉnh Bạc Liêu, vợ chồng chị Võ Thị Hồng Thêm đến thị trấn Hiệp Hòa thuê căn nhà nhỏ để ở. Cuộc sống một gia đình 5 thành viên nhờ vào nghề giăng câu, kéo lưới hàng ngày của anh Điệp (chồng chị Thêm). Mỗi ngày, khi trời chưa sáng, anh Điệp lại bơi xuồng theo các con kênh thả lưới kiếm cá. Xuôi theo con nước, có khi anh lưới cá ở khu vực Hiệp Hòa, lúc lại sang Đức Huệ và đến trưa trở về nhà.

“Trung bình, mỗi ngày chồng tôi kiếm được 10kg cá các loại. Ngoài những loại cá tươi sống như cá rô, cá lóc; các loại khác, vợ chồng tôi thường làm sạch rồi bán vào mỗi buổi chiều. Giá bán từ 40.000-140.000 đồng/kg tùy loại. Nếu mùa khô, mỗi ngày tôi kiếm gần 500.000 đồng thì mùa mưa, lượng cá nhiều hơn nên mỗi ngày kiếm được gần 1 triệu đồng. Cũng nhờ giá cả hợp lý, cá lại tươi ngon, là cá đồng “chính hiệu” nên có nhiều khách hàng vãng lai ghé mua” - chị Thêm chia sẻ.

Lớn khôn từ bó rau của mẹ

Ghé mua các sản vật đồng quê bán trên Đường tỉnh 822 đoạn qua xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, bà chủ tên Bùi Thị Muông, 65 tuổi, ngụ ấp Hòa Bình 2, xã Hiệp Hòa lúc nào cũng nói cười mỗi khi có khách ghé lại. Trong câu chuyện của bà dường như pha lẫn chút tự hào: “Tôi bán ngó sen, chuối nước, các loại rau hái từ trong vườn nhà và ngoài kênh, rạch hơn 10 năm nay. Bốn đứa con của tôi khôn lớn, trưởng thành cũng nhờ mấy bó rau này. Hiện tại, một đứa có gia đình, ở nhà lo nội trợ; 3 đứa con còn lại - người làm nhân viên kỹ thuật ở Sân bay Tân Sơn Nhất, làm ngân hàng và nhân viên của Công ty Thép Pomina ở TP.HCM”.

Nhờ chịu khó, làm nhiều nghề, trong đó có bán các sản vật đồng quê, bà Bùi Thị Muông chắt chiu nuôi các con ăn học nên người

Bà Muông kể: “Hồi đó nhà nghèo, ngoài việc gánh nước mướn, vợ chồng tôi lặn lội vào sâu trong những cánh đồng bưng ngập nước để hái sen, chuối nước về bán kiếm tiền. Tuy không nhiều nhưng nhờ chắt chiu nên cũng có đồng ra, đồng vào. Mấy đứa con tôi một buổi tới trường, buổi ở nhà phụ mẹ hái rau. Bây giờ, các con có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình cũng không còn chật vật nhưng tôi vẫn bán những thứ đồng quê này để có việc làm và tuổi già không buồn khi các con đều đi làm xa”. Các con đã lớn nhưng vẫn không quên thời gian khổ và những sản vật đồng quê nuôi lớn một đời người. “Cứ cuối tuần về thăm nhà, tụi nhỏ lại mang chuối nước, ngó sen, rau nhút lên thành phố nấu canh chua. Ăn hoài mà tụi nhỏ vẫn không ngán, ngược lại, rất nhớ hương vị quê nhà” - bà Muông nói thêm.

Còn với vợ chồng bà Muông, tuy cuộc sống khá hơn nhưng ông chưa ngơi nghỉ. Mỗi ngày, ông dậy sớm ra ruộng hái ngó sen, bông sen, súng rồi lại lội nước chặt chuối nước mang về cho vợ bán. Bà Muông nói: “Có hôm bị ong chích nhưng ông ấy vẫn không chịu nghỉ, vẫn thích lội bưng biền chặt chuối nước. Còn sen thì trồng ở ruộng nhà nên hái đỡ cực hơn. Mỗi ngày, bán từ sáng đến tối cũng kiếm hơn 100.000 đồng”. Vợ chồng bà Muông giữ lại nghề bán buôn gắn với vùng quê sông nước như giữ lại niềm vui trong cuộc sống. Ngoài thu nhập, đôi vợ chồng già càng vui hơn khi những loại thức ăn hương đồng gió nội đến được tay nhiều thực khách.

Việc mưu sinh từ các sản vật đồng quê giúp một số gia đình có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống. Đó cũng là chút “hồn quê” mà người dân vùng nông thôn níu giữ giữa cuộc sống nhộn nhịp hôm nay./.

Thùy Hương 

Chia sẻ bài viết