Tiếng Việt | English

06/07/2020 - 18:13

Mỹ điều “pháo đài bay” B-52 “thị uy” trên Biển Đông

B-52 đã thực hiện sứ mệnh kéo dài 28 giờ để thể hiện cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực.

Máy bay B-52 Mỹ tham gia tập trận cùng tàu sân bay ở Biển Đông. (Nguồn: Hải quân Mỹ).

B-52 “thị uy” trên Biển Đông

Chiếc B-52 nói trên thuộc Phi đội máy bay ném bom 96 đã cất cánh thẳng từ căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana đến Biển Đông thực hiện nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành cuộc tập trận, B-52 hạ cánh tại căn cứ không quân Andersen ở Guam.

Theo lực lượng không quân Mỹ, B-52 đã thực hiện sứ mệnh kéo dài 28 giờ để “thể hiện cam kết của Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách Ấn Độ-Thái Bình Dương đảm bảo an ninh và ổn định tại khu vực này”. Đây là một phần của việc triển khai Lực lượng đặc nhiệm ném bom (Bomber Task Force-BTF) do Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) phụ trách để thực hiện việc huấn luyện và đào tạo.

Tuyên bố từ lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) cho biết, sứ mệnh nói trên nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu của Chiến lược phòng thủ quốc gia.

Trung tá Christopher Duff, chỉ huy Phi đội ném bom 96, nhấn mạnh, việc điều B-52 tới Biển Đông đã chứng minh "khả năng của Mỹ trong việc triển khai nhanh chóng máy bay ném bom chiến lược tới một căn cứ tiền phương và thực hiện tấn công tầm xa. Hoạt động này cũng cho thấy chúng tôi có thể điều B-52 từ căn cứ tới bất cứ nơi nào trên thế giới, nhanh chóng khôi phục sức mạnh và tiếp tục các hoạt động”.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phi hành đoàn của B-52 đã kiểm tra, đánh giá khả năng chỉ huy và kiểm soát để báo cáo sự tiến triển của các chiến thuật thông tin, kỹ thuật và quy trình, nhằm đảo bảo khả năng tương tác liền mạch.

“Khi chúng tôi hoạt động trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các phi đội của chúng tôi tiếp tục tìm kiếm mọi cơ hội để tăng cường khả năng và sự thuần thục trong việc tiến hành các hoạt động chung, kết hợp với các đối tác của chúng tôi”, đô đốc Hải quân Mỹ Joshua Fagan cho biết.

Ông Joshua Fagan  nói thêm: “Một số sự kiện gần đây đã đưa các máy bay ném bom B-52, B-1, máy bay của Hải quân và tàu chiến của chúng ta hội tụ cùng nhau để thực hiện những nhiệm vụ chung. Đây là cơ hội tốt để chúng ta kiểm tra các kế hoạch và tiến trình phối hợp chung, nhằm đảm bảo sự an toàn và hiệu quả”.

Theo tuyên bố của PACAF, lực lượng máy bay ném bom của Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động đảm bảo an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông qua việc phối hợp với các đồng minh và đối tác, thể hiện năng lực của Mỹ trong việc chỉ huy, kiểm soát và thực hiện nhiệm vụ ném bom tại bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Mỹ muốn phô diễn sức mạnh trước Trung Quốc?

Tờ Global Times nhận định, các máy bay ném bom của Mỹ, trong đó có B-52H cùng với tên lửa đạn đạo liên lục địa và tàu ngầm hạt nhân chiến lược, được coi là bộ 3 vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ.

 B-52H có thể mang theo tới 31 tấn chất nổ, hoạt động tác chiến độc lập cách xa căn đồn trú tới 6.400km. B-52 là xương sống của lực lượng máy bay ném bom Mỹ, có lịch sử hơn 60 năm ra đời và phát triển. Quân đội Mỹ dự kiến sẽ sử dụng B-52 cho đến năm 2050.

Wang Ya'nan, chuyên gia về máy bay, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge cho rằng, đây không phải là một sự trùng hợp. Việc Mỹ tái triển khai máy bay ném bom B-52 và tập trận hàng hải ở Biển Đông là nhằm thể hiện năng lực tấn công tầm xa của nước này và phô diễn uy lực của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trước Trung Quốc.  

“Bằng cách tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Mỹ rõ ràng đang muốn thể hiện sức mạnh trước Trung Quốc”, ông Wang nói.

Theo chuyên gia này, các máy bay B-52 và B1-B của Mỹ đều mang theo tên lửa chống hạm nhưng chúng thường không được sử dụng trong các cuộc tập trận quy mô lớn. Mỹ trước đó từng triển khai máy bay ném bom B-1B mang tên lửa chống hạm tầm xa để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Trong khi đó, máy bay ném bom B-52 cũng thể hiện sức mạnh với cấp độ khác nhau trong các cuộc tập trận theo từng chủ điểm, ông Wang nhận xét.

Chuyên gia Wang nhấn mạnh: “Màn phô diễn uy lực mạnh mẽ nhất của B-52 là tập trận bắn đạn thật trên biển. Bên cạnh đó máy bay này cũng có khả năng tiếp nhiên liệu trên không”.

Theo trang mạng của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, các máy bay ném bom B-52 và máy bay hoạt động trên tàu sân bay đã diễn tập bay theo đội hình.

B-52 được tái triển khai tại căn cứ Guam sau gần 3 tháng vắng mặt. Điều này cho thấy “chiến lược chiến đấu năng động” của quân đội Mỹ. Giới phân tích cho rằng, mục đích việc triển khai quân sự một cách bất ngờ và khó dự đoán là để khiến các đối thủ tiềm năng như Nga và Trung Quốc lo lắng. Chuyên gia Wang dự đoán B-52 sẽ tiếp tục hiện diện tại đảo Guam, tạo ra mối đe dọa lớn đối với các đối thủ hàng hải của Mỹ.

Trước đó cuối tuần qua, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã tới Biển Đông để thực hiện hoạt động mà các quan chức Hải quân Mỹ mô tả là hoạt động tự do hàng hải trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận trong khu vực.  Hạm đội thứ 7 của Hải quân Mỹ cho biết, việc triển khai 2 nhóm tàu sân bay này nhằm khẳng định một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Theo Hải quân Mỹ, 2 tàu sân bay được đi kèm với tàu chiến và máy bay, đã tiến hành tập trận để nâng cao năng lực phòng không và các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa tại một khu vực đang có nhiều biến động./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết