Tiếng Việt | English

05/08/2015 - 16:18

Mỹ điều tàu ngầm đến căn cứ chiến lược của Philippines ở Biển Đông

Tàu ngầm tấn công USS Chicago lớp Los Angeles tối tân của Mỹ đã đến vịnh Subic của Philippines ở Biển Đông ngày 3/8.

Theo National Interest, tàu USS Chicago là tàu ngầm tấn công nhanh được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng. Chiếc tàu ngầm này dài hơn 100m và có lượng giãn nước khoảng 7.000 tấn.

Tàu USS Chicago có khả năng hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm, trinh sát, giám sát, chống ngầm, chống hạm. Trên tàu có tổng số 170 thủy thủ.

 

Tàu ngầm USS Chicago trên vịnh Subic. Ảnh National Interest

Trước đó, tàu USS Chicago đã cập cảng Changi, Singapore vào tháng 3 năm nay và sau khi dừng chân tại Subic, tàu này sẽ tiếp tục đến đảo Guam, tổng hành dinh của lực lượng Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tháng trước, quân đội Philippines công khai tuyên bố sẽ mở cửa trở lại căn cứ Hải quân trên vịnh Subic để sử dụng cho mục đích quân sự sau một thời gian dài cho các doanh nghiệp của nước này thuê.

“Đây là địa điểm có tính chất chiến lược. Nếu chúng tôi muốn đưa quân ra Biển Đông thì vịnh Subic là nơi đầu tiên chúng tôi nghĩ đến. Đó là một cảng nước sâu”, ông Peter Galvez, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines nói và cho biết, quân đội nước này dự định đưa máy bay và tàu chiến đến đây.

Năm 2014, Mỹ và Philippines đã ký một thỏa thuận quân sự cho phép quân đội Mỹ sử dụng một số căn cứ của Philippines. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị đình trệ do “vướng” một số thủ tục pháp lý từ phía Philippines. Vụ việc này đang được Tòa án Tối cao Philippines xem xét.

Việc Mỹ đưa tàu USS Chicago đến vịnh Subic trùng thời điểm diễn ra Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Kuala Lumpur Malaysia với sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Á và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoài ra, việc Mỹ đưa tàu ngầm USS Chicago đến vịnh Subic cũng diễn ra trong bối cảnh các nước, đặc biệt là Philippines, đang lo ngại Trung Quốc có thể tìm cách biến bãi cạn Scarborough thành một căn cứ quân sự.

Các quan chức Philippines đã tố cáo Trung Quốc đang tìm cách biến bãi cạn này thành một đảo nhân tạo rồi đưa các trang thiết bị quân sự lên đó./.

Trần Khánh/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết