Tiếng Việt | English

26/05/2018 - 07:53

Mỹ kêu gọi EU phản đối triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 25/5, Quyền Trưởng phái bộ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Adam Shub đã kêu gọi các nước thành viên EU ngăn chặn việc thực hiện dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và thay vào đó ủng hộ việc dẫn khí đốt của Nga thông qua Ukraine.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một cuộc họp báo về vấn đề năng lượng tại Brussels, ông Adam Shub nói Mỹ ủng hộ Ukraine, Ba Lan và các quốc gia thành viên EU khác vốn coi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. 

Ông kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU tham gia vào tập hợp các nước hai bờ Đại Tây Dương phản đối Nord Stream 2 và ủng hộ phương án khí đốt được quá cảnh Ukraine trong tương lai. 

Dự án Nord Stream 2 dự tính xây dựng 2 đường ống dẫn khí đốt chạy từ bờ biển Nga, qua biển Baltic và đến một trung tâm ở Đức, như vậy là hoàn toàn vòng qua Ukraine. 

Dự án này là một liên doanh của các tập đoàn Gazprom (Nga), Engie (Pháp), OMV AG (Áo), Royal Dutch Shell (Anh) và Uniper and Wintershall (Đức). 

Nga đã nhiều lần tuyên bố dự án Nord Stream 2 hoàn toàn mang tính kinh tế, trong khi những nỗ lực ngăn chặn dự án là nhằm theo đuổi các lợi ích chính trị. 

Tuần trước, sau các cuộc đàm phán với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa tái khẳng định việc triển khai dự án Nord Stream 2 không nhất thiết đồng nghĩa với việc dừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine và việc này vẫn sẽ tiếp tục cho tới khi nào còn hiệu quả. 

Mỹ đã thực hiện một số nỗ lực để cản trở việc thực hiện dự án. Đặc biệt, Washington đã đưa ra một điều luật nhằm chống lại việc xây dựng đường ống Nord Stream 2, đó là luật chống lại các kẻ thù của Mỹ kèm theo các biện pháp trừng phạt thông qua vào tháng 8 vừa qua. 

Chính quyền Mỹ tuyên bố dự án Nord Stream 2 đe dọa an ninh năng lượng của EU, đồng thời gợi ý xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang thị trường châu Âu để đảm bảo an ninh năng lượng cho các đồng minh.

Điều khoản đặc biệt này bị EU từ chối với lý do gây tổn hại đến chính sách năng lượng của châu Âu./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết