Tiếng Việt | English

14/05/2017 - 19:26

Mỹ - Nhật - Hàn điện đàm sau khi Triều Tiên phóng tên lửa

Các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ nhằm tìm giải pháp đối phó với chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên sáng sớm nay đã khiến dư luận khu vực Đông Bắc Á và nhiều nước trên thế giới không khỏi quan ngại.

Ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ.

Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: sleuthjournal.

Ngay trong sáng 14/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm, ông Abe cho biết: “Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để phân tích tình hình và giải quyết tình hình Triều Tiên. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc và Nga cũng như cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ với Mỹ và Hàn Quốc nhằm buộc Triều Tiên phải tuần thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”

Đây là lần thứ hai trong ngày 14/5, Thủ tướng Abe xuất hiện trước báo giới sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa ở thành phố Kusong, Tây Bắc Triều Tiên. Tên lửa này được cho là đã bay khoảng 800km trong vòng 30 phút trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản, bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Về phía Hàn Quốc, ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa, Tổng thống Moon Jae-in đã lên án vụ phóng, coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng khiêu khích để nối lại đối thoại, đồng thời cảnh báo chính quyền của ông sẽ kiên quyết đáp trả các vụ khiêu khích của Triều Tiên.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June Hyuck nói: “Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên không nên thử thách Chính phủ Hàn Quốc và thiện chí của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc- các quốc gia đang nỗ lực ổn định tình hình thông qua giải pháp hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.”

Cùng ngày, người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin đã có cuộc điện đàm kéo dài 25 phút với người đồng cấp Mỹ H.R McMaster về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Hai bên cùng lên án hành động khiêu khích mới nhất này của Triều Tiên, đồng thời nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Hai quan chức cũng cam kết duy trì trạng thái sẵn sàng của quân đội dựa trên liên minh Hàn-Mỹ nhằm đối phó với Triều Tiên.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng đã điện đàm với những người đồng cấp Nhật Bản và Mỹ, chia sẻ các đánh giá về vụ phóng tên lửa cũng như cách thức đáp trả. Các đặc phái viên phụ trách vấn đề hạt nhân của Hàn-Mỹ-Nhật đã nhất trí tham vấn chặt chẽ các biện pháp đáp trả trong tương lai, trong đó có các biện pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo đánh giá của giới phân tích Hàn Quốc, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một động thái để thử chính sách của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người được cho là sẽ khôi phục lại “Chính sách Ánh dương” của cựu Tổng thống Kim Dae-jung - tái khởi động đối thoại và viện trợ kinh tế thay vì gây sức ép và áp đặt cấm vận để thuyết phục Triều Tiên thay đổi.

Về phía Triều Tiên, ngay sau vụ phóng tên lửa mới nhất xảy ra sáng sớm nay, truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm nay đã tái khẳng định lập trường tăng cường sức mạnh tự vệ của nước này. Nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 14/5 đã đăng một bài viết khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển quân sự nhằm tăng cường khả năng tự vệ trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh “đang gia tăng sức ép và đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên ra khỏi tầm kiểm soát”.

Trước tuyên bố có phần cứng rắn của các bên liên quan, Trung Quốc ngày 14/5 đã kêu gọi các bên kiềm chế nhằm tránh leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang rất phức tạp và nhạy cảm, các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.

Cùng ngày, người phát ngôn điện Kremlin, Nga cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm đến Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình bán đảo sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết