Tiếng Việt | English

07/09/2019 - 10:08

Mỹ thuật Long An: Dấu ấn tác phẩm và những trăn trở

Thời gian qua, mỹ thuật Long An luôn khẳng định vị trí và dấu ấn riêng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, toàn quốc nói chung. Tuy nhiên, hoạt động mỹ thuật Long An vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tâm giới thiệu các tác phẩm của Long An tham gia triển lãm

Họa sĩ Nguyễn Văn Tâm giới thiệu các tác phẩm của Long An tham gia triển lãm

Nhiều tác phẩm đoạt giải cao

Hiện nay, Chi hội Mỹ thuật tỉnh có 26 hội viên, trong đó có 8 hội viên Trung ương. Thời gian qua, các hội viên không ngừng đam mê sáng tác, cho ra đời những tác phẩm mỹ thuật đạt chất lượng cao, khẳng định được nét riêng của tỉnh trong các cuộc triển lãm khu vực hoặc quốc gia.

Mỹ thuật Long An những năm qua có nhiều họa sĩ khẳng định được vị trí của mình như họa sĩ Nguyễn Hữu Phương với tác phẩm Cho hôm nay và mai sau (sơn dầu) - giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2002, Đất chuyển mình (sơn dầu) - giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2007; họa sĩ Nguyễn Văn Tâm với tác phẩm Góc quê yên tĩnh (sơn dầu) - giải ba Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL năm 2007; họa sĩ Nguyễn Ngọc Trãi với tác phẩm Diều (acrylic) - giải C của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2006; họa sĩ Lê Thanh Tùng với tác phẩm Mùa vàng (sơn dầu) - giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, Sắc quê (sơn dầu) - giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2009;… Ngoài những họa sĩ trên, tỉnh còn xuất hiện các cây cọ trẻ đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực: Họa sĩ Hà Phước Duy với tác phẩm Thế giới riêng (sơn dầu) - giải nhì Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL năm 2015, Một mình (sơn dầu) - giải nhất Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL năm 2016, Đồng trưa (sơn dầu) - giải A Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL năm 2019; họa sĩ Nguyễn Phi Hùng với tác phẩm Một góc vùng lũ (sơn dầu) - giải ba Triển lãm Mỹ thuật khu vực III - ĐBSCL năm 2010; họa sĩ Nguyễn Trường An với tác phẩm Chợ phiên (sơn mài) - giải ba Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 2015; họa sĩ Trương Đình Triển với tác phẩm Nắng sớm (sơn dầu) - giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 2014;...

Chi hội Phó Chi hội Mỹ thuật tỉnh - họa sĩ Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Những năm gần đây, tôi đam mê sáng tác về vùng Đồng Tháp Mười. Vùng đất này có nhiều cái đẹp gắn liền với miền quê sông nước và cả sự bình dị, mộc mạc của người dân. Tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL lần thứ 24, năm 2019, tôi có 2 bức tranh sơn dầu được trưng bày, đó là Một ngày bình yên và Góc quê đều nói về phong cảnh vùng Đồng Tháp Mười”.

Để sáng tác một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, tác giả phải mất rất nhiều thời gian từ ấp ủ đề tài, lên ý tưởng, phác thảo bố cục và chỉnh sửa nhiều lần để hoàn thiện. Ngoài ra, đối với họa sĩ, các tác phẩm còn sáng tác dựa trên tư duy, kinh nghiệm thực tế, từ đó, họa sĩ dùng ngôn ngữ hội họa gửi gắm tâm tư, tình cảm, sự trăn trở vào trong tác phẩm, tạo nên sức sống của bức tranh từ bố cục đến sự hài hòa của màu sắc.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt, mỹ thuật Long An đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cụ thể, tỉnh chưa có không gian trưng bày, triển lãm nghệ thuật dành riêng cho mỹ thuật, trong khi đó, các họa sĩ có nhiều tác phẩm muốn giới thiệu đến công chúng nhưng lại không có điều kiện. Cho đến nay, tỉnh chỉ có 2 cuộc triển lãm mỹ thuật dành cho mỹ thuật địa phương những năm thập niên 90. Vì thế, các họa sĩ thiếu “đất” để phát huy tài năng và sự sáng tạo của mình.

Họa sĩ Nguyễn Hữu Phương tâm sự: “Niềm hạnh phúc của người họa sĩ là được giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng và được công chúng đón nhận. Hiện nay, nhiều họa sĩ rất đam mê sáng tác, nhưng họ vẫn còn nhiều trăn trở. Nguyên nhân, các họa sĩ sáng tác ra tác phẩm lại không có nơi trưng bày, trong khi đó, không gian nhà của các họa sĩ có giới hạn, không đáp ứng nhu cầu. Long An vinh dự được chọn là tỉnh đăng cai triển lãm mỹ thuật khu vực năm 2002, 2007 và 2019, nhưng địa điểm trưng bày chủ yếu là thuê hoặc mượn, dàn dựng tạm thời nên không gian trưng bày chưa đáp ứng tốt, đúng chuẩn, bên cạnh đó, thời gian trưng bày không nhiều,…”.

Một nguyên nhân khác làm mỹ thuật tỉnh nhà chưa phát triển như mong muốn là nguồn kinh phí duy trì hoạt động của chi hội rất ít. Điều này làm các hoạt động sáng tác của chi hội không được thường xuyên, không “kích thích” được tinh thần sáng tác của các họa sĩ. Ngoài ra, các họa sĩ không sống được bằng nghề vẽ mà họ phải làm nghề tay trái để nuôi đam mê của mình. Họa sĩ Nguyễn Hữu Phương cho biết: “Anh em họa sĩ chúng tôi chỉ mơ ước có được một không gian trưng bày mỹ thuật và một khoản kinh phí đầu tư cho sáng tác mỹ thuật. Có như vậy, mỹ thuật Long An sẽ phát triển tốt hơn”.

Nhìn chung, hoạt động mỹ thuật Long An còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng tay nghề, chuyên môn, nhiều tác giả đã nỗ lực đoạt các giải thưởng mỹ thuật khu vực và toàn quốc. Có thể nói, các họa sĩ Long An vẫn không ngừng đam mê và sáng tác tác phẩm. Họ luôn khao khát những đứa con tinh thần của mình được trân trọng và đến gần hơn với công chúng thưởng lãm. Để có thể biến ước mơ này thành sự thật, thời gian tới, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan, góp phần tạo điều kiện cho mỹ thuật Long An phát triển nhiều hơn cả về chất lẫn lượng./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích