Tiếng Việt | English

19/06/2017 - 11:07

Năm 2017 có khả năng lũ về sớm

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa lũ 2017 ở thượng nguồn sông Mêkông và đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm.


Lũ 2017 có khả năng về sớm

Đến cuối tháng 7/2017, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5-3,0m, nguy cơ xảy ra ngập lụt một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức BĐ2-BĐ3 (sông Tiền tại Tân Châu: 4,0-4,5m; sông Hậu tại Châu Đốc: 3,5-4,0m), tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2017. Tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động lớn đến khu vực.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Long An - Võ Kim Thuần, hiện nay, ngành Khí tượng Thủy văn thường xuyên theo dõi, cập nhật để nắm tình hình diễn biến của lũ năm 2017. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về khí tượng, thủy văn, nhận định tình hình hạn, xâm nhập mặn, bão, lũ và cung cấp thông tin kịp thời, bảo đảm cho công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với thiên tai trong năm 2017 và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống thiên tai; tổ chức quản lý khai thác và vận hành chặt chẽ các công trình thủy lợi đầu mối phục vụ việc tiêu úng, phòng, chống lũ và ngăn triều cường; tổ chức tốt việc kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ, tăng cường công tác bảo vệ thực vật; kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2017 ở các địa phương;...

Đặc biệt, các ngành cần tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng tránh; chỉ đạo các địa phương có kế hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý; phối hợp chặt chẽ các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, bảo vệ sản xuất ở các vùng thường xuyên bị thiên tai (trong đó, chú trọng đến tình hình hạn, xâm nhập mặn); có kế hoạch nuôi trồng, thu hoạch thủy sản hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; theo dõi diễn biến mực nước, chất lượng nước ở các tuyến sông trên địa bàn tỉnh, cập nhật và thông báo kịp thời tình hình lũ, hạn, xâm nhập mặn, phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất; UBND các huyện vùng Đồng Tháp Mười phải tập trung khẩn trương rà soát, chủ động gia cố hệ thống đê bao lửng nhằm bảo vệ an toàn sản xuất, đề phòng lũ sớm có thể xảy ra đột biến./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết