Tiếng Việt | English

06/02/2018 - 17:12

Năm 2017: Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về ATTP bị phát hiện

Năm 2017, số tiền xử phạt qua hoạt động thanh tra chuyên ngành nông nghiệp là trên 78 tỉ đồng, tăng hơn 4,5 tỉ đồng so với năm 2016. Đây là thông tin được công bố trong Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Vũ Văn Tám chủ trì vào chiều ngày 06/02.

Phía đầu cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chủ trì hội nghị

Năm 2017, hoạt động thanh tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được tiến hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Tới thời điểm hiện tại, việc sử dụng chất cấm kích thích tăng trưởng cơ bản được chấm dứt và đẩy lùi.

Tuy nhiên, có rất nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng khác liên quan đến an toàn thực phẩm được phát hiện và xử lý: Tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ; bơm tạp chất vào tôm; các vi phạm về sản xuất, kinh doanh nước mắm. 

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại Cơ sở giết mổ Xuyên Á vào tháng 9/2017. Thanh tra bộ đã tiến hành xử phạt và kiến nghị đình chỉ hoạt động cơ sở trên. Riêng tại Long An có 2 trường hợp tiêm thuốc an thần cho heo bị phát hiện và xử lý trong năm 2017. 

Cán bộ chăn nuôi thú y Long An đóng dấu kiểm định đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi xuất ra thị trường (Ảnh: Lực Nguyễn)

Đối với hành vi bơm tạp chất vào tôm, cả nước phát hiện trên 100 vụ vi phạm, chủ yếu tập trung tại: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hà Nội với tổng số tiền phạt gần 4 tỉ đồng. Mặc dù bị phát hiện và xử nghiêm nhưng sự chuyển biến của hoạt động trên còn chậm. Các cơ sở bơm tạp chất vào tôm tổ chức nhỏ lẻ, tinh vi và có sự chống đối quyết liệt. 

Ngoài ra, nhiều hành vi vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật cũng bị phát hiện và xử lý triệt để: Sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, kém chất lượng,...

Để tiếp tục thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần dành nguồn lực thành lập các đoàn thanh tra đột xuất cũng như thực tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó là hoàn thiện các văn bản quản lý chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thanh tra./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết