Tiếng Việt | English

04/01/2018 - 13:44

Năm 2018, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Kết quả từ những mùa vụ năm 2017 tạo khí thế để nông dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong năm 2018. Những ngày này, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Long An đang tất bật xuống giống vụ Đông Xuân (ĐX), sẵn sàng một năm sản xuất mới với niềm tin, hy vọng thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu.

Nông dân chủ động sản xuất theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến nên chi phí thấp, lợi nhuận cao

Một năm nhiều nỗ lực

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, năm 2017, nông dân sản xuất gặp nhiều khó khăn: Thời tiết bất lợi; lũ sớm kết hợp mưa lớn gây ngập úng, làm giảm năng suất một số diện tích lúa Hè Thu và Thu Đông vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp;...

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành chuyên môn nên đạt một số kết quả. Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung triển khai thực hiện và đạt hiệu quả bước đầu: Xác định cụ thể vùng đề án để tập trung triển khai, đầu tư; công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm triển khai với nhiều hình thức; nhiều mô hình triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa và đồng thuận trong người dân.

Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh được thực hiện tốt, phù hợp thực tế, đúng nguyện vọng của người dân. Dịch bệnh trên vật nuôi và thủy sản được kiểm soát chặt chẽ; tình hình tiêu thụ lúa, khoai mỡ, các loại rau, tôm tương đối thuận lợi hơn, giá bán cao hơn so với cùng kỳ; công tác quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản được chú trọng.

Từ đó, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành năm 2017 đạt 1,19%, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng 0,97%, lâm nghiệp tăng 3,14% và thủy sản tăng 4,21%.

Nhiều nông dân tất bật ra đồng, chăm sóc và gieo cấy lúa xuân

Có thể nói, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, những năm gần đây, phong trào sản xuất của nông dân chuyển biến tích cực, nhất là ý thức về thời vụ, thâm canh, sử dụng giống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, góp phần mang lại hiệu quả mùa vụ cao hơn so với trước đây.

Ông Đoàn Văn Pha, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, chia sẻ: “Năm qua, nông dân sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nên đầu ra sản phẩm ổn định, hạn chế thiệt hại. Những ngày đầu năm mới, không khí lao động của nông dân rất khẩn trương và tấp nập. Mong rằng, năm nay mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi!”.

Tại huyện Cần Đước, nông dân cũng tất bật ra đồng chăm sóc, thu hoạch các loại rau để cung cấp thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Bà Nguyễn Thị Ngoan, ngụ xã Phước Vân, cho biết: “Mặc dù, giá rau năm nay không ổn định nhưng nhờ nông dân chủ động sản xuất theo hướng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nên chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất kiểu truyền thống từ 2-3 triệu đồng/1.000m2 đất/vụ”.

Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả

Thực hiện hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Mục tiêu năm 2018 là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung thực hiện chuyển đổi các diện tích đất sản xuất không hiệu quả sang các cây trồng khác: Thanh long, chanh, bắp, mè, rau màu các loại, chuối, ổi,...; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng GAP để tăng năng suất.

Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn, tập trung thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, phấn đấu sản lượng lúa năm 2018 đạt 2,7 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao đạt 1,3 triệu tấn; khuyến khích nuôi thủy sản công nghiệp trên cả diện rộng và quy mô nhỏ để duy trì phát triển, phấn đấu tổng sản lượng năm 2018 đạt 42.000 tấn.

Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, chủ yếu xây dựng 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao: Lúa, rau, thanh long và bò thịt, nhằm tạo bước đột phá phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020; tăng cường liên kết sản xuất, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng liên kết “4 nhà” gắn với xây dựng nông thôn mới; coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2018 đạt 1,5%”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích
  • Cánh Diều Việt bán DJI T25 chính hãng