Tiếng Việt | English

23/09/2018 - 08:36

Kỷ niệm 73 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2018)

Nam bộ kháng chiến - Dấu son không thể phai mờ

Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, thực hiện âm mưu xâm lược nước ta lần thứ 2. Nhân dân Nam bộ lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc: Nam bộ kháng chiến.

Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam bộ hừng hực khí thế của “Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...”, nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã chiến đấu vô cùng anh dũng, giam chân địch trong khu vực nội thành suốt cả tháng trời. Ngay từ buổi đầu, nhân dân Đức Hòa, Trung Huyện, Cần Giuộc cũng góp phần quan trọng trong việc bao vây, cản chân địch, bảo vệ và phát triển lực lượng của ta ở vùng ngoại ô thành phố.

Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh

Cuối năm 1945, ở 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn đều thành lập Ủy ban Kháng chiến, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Từ những đơn vị được võ trang với gậy tầm vông, giáo mác cùng một ít súng kíp buổi ban đầu, kỹ thuật, chiến thuật đánh giặc cũng còn rất thô sơ, chỉ có lòng yêu nước là dồi dào, lực lượng vũ trang Long An đã trưởng thành nhanh chóng. Bộ đội tỉnh, huyện đã chiến đấu hàng trăm trận, lập nên nhiều chiến công vang dội.

Bước vào tuổi 90 nhưng bà Nguyễn Thị Thắng (còn gọi là Út Thắng), ngụ xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, vẫn còn nhớ như in những ngày nhân dân Long An bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bà Thắng kể, cuối tháng 10/1945, thực dân Pháp trở lại Cần Giuộc lấn chiếm dần các xã xung quanh thị trấn, trong đó có Tân Kim. Chúng đốt nhà dân, tổ chức đánh phá vào các vùng sâu, dùng mọi thủ đoạn nham hiểm đánh phá các tổ chức Đảng, đoàn thể của ta để phân hóa lực lượng cách mạng và quần chúng yêu nước.

“Trước tình hình trên, năm 1946, đồng chí Huỳnh Công Ba (Tư Thân) - Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc lúc bấy giờ, về Tân Kim tập hợp lực lượng gồm nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị. Cùng với đó, ta tổ chức tịch thu ruộng đất vắng chủ, đất công điền cấp phát cho người nghèo, vận động địa chủ giảm tô, giảm tuất cho nhân dân. Qua đó, góp phần động viên phong trào ở địa phương phát triển nhằm đánh bại âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và tay sai” - bà Thắng nhớ lại.

Quyết tâm giành lại nền độc lập

Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, khi Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến mới, vùng đất Tân An - Chợ Lớn một lần nữa được vinh dự gánh vác nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa không những cho phong trào cách mạng của tỉnh mà còn cho cả khu, thành phố Sài Gòn và cả Nam bộ. Đặc biệt hơn cả phải kể đến chiến khu Đồng Tháp Mười, 1 trong 3 chiến khu lớn của Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chính ở nơi đây, những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền, lực lượng du kích vũ trang vẫn hoạt động với sự chở che, đùm bọc của nhân dân.

Chiến khu Đồng Tháp Mười nay trở thành là “vựa lúa” của tỉnh

Chiến khu Đồng Tháp Mười nay trở thành là “vựa lúa” của tỉnh

Trong câu chuyện không còn liền mạch do tuổi cao, sức yếu, ông Lê Văn Chính (88 tuổi), ngụ ấp Kênh Bùi Cũ, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, không giấu được niềm tự hào: “Hưởng nền độc lập chưa bao lâu thì giặc Pháp một lần nữa xâm chiếm nước ta, đưa dân ta vào kiếp sống lầm than, cơ cực, khiến ai nấy đều căm phẫn. Dù chỉ với những vũ khí thô sơ, ít ỏi, “thuốc súng kém, chân đi không... nóp với giáo mang ngang vai...”, quân và dân ta vẫn kiên cường chiến đấu chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Từ Nam bộ kháng chiến cho đến ngày miền Nam giải phóng, nhân dân Hậu Thạnh (nay là Hậu Thạnh Đông và Hậu Thạnh Tây) nói riêng và nhân dân Tân Thạnh nói chung, luôn là hậu phương an toàn cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến tranh giữ nước”.

Với địa hình trống trải, bằng phẳng, mùa mưa nước ngập mênh mông, không có rừng núi hiểm trở che chắn như nhiều chiến khu khác, lại nằm ngay sát nách Sài Gòn, ấy vậy mà trong suốt những năm chiến tranh, chiến khu Đồng Tháp Mười vẫn đứng vững hiên ngang trước mọi sức mạnh hủy diệt của bom đạn kẻ thù. Ánh sáng của chính nghĩa, của văn hóa cách mạng từ “căn cứ địa của lòng dân” này có sức lan tỏa rộng ra khắp miền, làm tăng thêm uy tín của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Căn cứ cách mạng đã hồi sinh

Có dịp trở lại những vùng căn cứ cách mạng năm nào, nơi ghi dấu những chiến công vang dội của quân và dân ta, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Nằm ở vị trí quan trọng, trên tuyến kênh Dương Văn Dương, kẻ thù luôn xem Hậu Thạnh Đông và những địa phương khác thuộc chiến khu Đồng Tháp Mười là địa bàn trọng điểm phải bình định để tiêu diệt những người cộng sản, tiêu diệt các cơ quan đầu não của cách mạng. Đế quốc Mỹ và tay sai cũng từng áp dụng ở đây nhiều thủ đoạn chiến tranh tàn khốc, ác liệt nhất, từ “tố cộng diệt cộng” đến càn quét, hủy diệt. Đời sống của nhân dân khổ không kể sao cho xiết.

Tuy nhiên, những điều đó nay đã lùi sâu vào quá khứ. Vui mừng vì quê hương đã khoác lên mình “chiếc áo mới”, đẹp đẽ, khang trang hơn, ông Lê Hồng Đơn (SN 1944), ngụ ấp Hoàng Mai, xã Hậu Thạnh Đông, chia sẻ: “Ngày nay, màu xanh của cây trái, màu vàng của lúa chín phủ kín ruộng đồng. Trong các xóm, ấp, những căn nhà tường mái ngói mọc lên đều khắp. Điện, nước sinh hoạt và ánh sáng văn hóa đến với mọi nhà. Các em nhỏ được cắp sách đến trường. Người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, năm 2014, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng lên rõ rệt.

Đường giao thông nông thôn Tân Kim được hoàn thành với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm

Đường giao thông nông thôn Tân Kim được hoàn thành với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm

Xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc cũng là một trong những địa bàn từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nhưng suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm chống đế quốc Mỹ, ngọn lửa yêu nước vẫn rực cháy nơi đây, viết nên những trang sử hào hùng của quê hương. Trải qua những tháng năm chiến tranh khốc liệt, biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống để đổi lấy nền hòa bình, độc lập, tự do hôm nay. Sau 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Kim tiếp tục vượt khó, từng bước xây dựng lại tất cả. Phát huy truyền thống cách mạng, Tân Kim nỗ lực “về đích” xã văn hóa, nông thôn mới năm 2016.

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020), với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Tân Kim vận động người dân và doanh nghiệp tu sửa, nạo vét các kênh, rạch, khai thông cống rãnh, sông ngòi, với tổng kinh phí trên 1,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, những tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã, các công trình điện được thi công xây dựng mới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả, hiện nay, những người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã đều có việc làm ổn định. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng lên.

Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một trong những dấu son không thể phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Cùng với Nam bộ thành đồng, quân và dân Long An rất đỗi tự hào và nỗ lực phát huy truyền thống của quê hương “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, hướng tới tục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong tương lai./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết