Tiếng Việt | English

05/09/2017 - 10:18

Năm học 2017-2018: Phát triển mạng lưới trường, lớp và nâng cao năng lực người học

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Tiệp về những nhiệm vụ này.


Học sinh bước vào chương trình học chính thức năm học 2017-2018

PV: Năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT đề ra các nhiệm vụ gì, thưa ông?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục (GD) ở các cấp học và phát huy năng lực, phẩm chất người học, năm học 2017-2018, ngành đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, phát triển mạng lưới trường, lớp học.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý GD.

Thứ ba, đổi mới chương trình GD mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GD phổ thông.

Thứ tư, nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý GD.

Thứ sáu, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD.

Thứ bảy, tích cực hội nhập quốc tế trong GD&ĐT.

Thứ tám, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT.

Thứ chín, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.


Học sinh tham gia phát biểu xây dựng bài học

PV: Ông cho biết, trong 9 nhiệm vụ trên, nhiệm vụ nào là trọng tâm và ngành đặt ra những giải pháp nào thực hiện từng nhiệm vụ trọng tâm?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: 9 nhiệm vụ trên đều quan trọng mà ngành phải thực hiện tốt trong năm học mới. Tuy nhiên, phát triển mạng lưới trường, lớp học; nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cán bộ quản lý GD; đổi mới chương trình GD mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GD phổ thông; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là những nhiệm vụ mà ngành cần tập trung thực hiện.

Để phát triển mạng lưới trường, lớp học, ngành GD&ĐT phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, ngành triển khai thực hiện Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2017-2020”; tiếp tục sắp xếp và phát triển hệ thống, mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông phù hợp với quy hoạch và theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; khuyến khích thành lập mới các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập ở thị xã, thị trấn và những nơi có điều kiện.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD, ngành tăng cường công tác GD chính trị, tư tưởng, tạo môi trường rèn luyện cho cán bộ, công chức, GV, học sinh (HS), sinh viên. Ngành tiến hành đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao năng lực thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông và năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm cho GV.

Trong thực hiện đổi mới chương trình GD mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GD phổ thông, ngành triển khai thực hiện có chất lượng chương trình GD mầm non sau chỉnh sửa, phát triển chương trình GD phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của trường, khả năng và nhu cầu của trẻ. Ngành tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình GD phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình GD phổ thông mới; thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực HS.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống trường công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng kiến tạo và hội nhập nhằm bảo đảm đến năm 2020, đại đa số HS phổ thông, người học trong các cơ sở GD công lập đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp. Năm học 2017-2018, ngành tiếp tục triển khai dạy chương trình GD 10 năm môn tiếng Anh cho các cấp học và liên thông.

Phấn đấu đến năm học 2020-2021, có 100% HS lớp 3, 70% HS lớp 6 và 60% HS lớp 10 tham gia học theo chương trình này. Phấn đấu đến năm 2018, 70% GV cấp tiểu học đạt trình độ chuẩn bậc 4 (B2); 90% GV cấp THCS đạt trình độ chuẩn bậc 4 (B2); 85% GV cấp THPT đạt trình độ chuẩn bậc 5 (C1); 100% GV cao đẳng đạt trình độ chuẩn bậc 5(C1).


Năm học 2017-2018, phát triển mạng lưới trường, lớp và nâng cao năng lực người học

PV: Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đó, ngành có dự báo được những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Ngành luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ năm học. Ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các quyết định chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học mới. Hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, sửa chữa, mua sắm cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học 2017-2018.

Trong hè, đội ngũ cán bộ quản lý, GV các cấp được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước,... đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, ngành cũng gặp nhiều khó khăn: Mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập, đặc biệt là nhu cầu học tập của trẻ 3-4 tuổi và lượng HS ở các địa phương có khu, cụm công nghiệp tăng mạnh do áp lực của việc di dân cơ học.

PV: Thưa ông, ngành sẽ khắc phục những khó khăn đó như thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học?

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Ngành tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển mạng lưới trường, lớp học. Trong đó, căn cứ vào quy hoạch các cơ sở GD và yêu cầu bảo đảm chất lượng GD các cấp học, các địa phương và cơ sở GD chủ động xây dựng đề án, dự án trình cấp thẩm quyền xem xét để ưu tiên đầu tư cho GD&ĐT, nhất là các vùng khó khăn, biên giới,...

Ngành sẽ phối hợp một số sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2017-2020” được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho GD&ĐT; khuyến khích các cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện chương trình chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để có thêm nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thi, kiểm tra của HS bảo đảm đúng thực chất, công bằng, trung thực và khách quan nhằm đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của HS.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thạch (thực hiện)

Chia sẻ bài viết