Tiếng Việt | English

05/09/2019 - 08:30

Năm học 2019-2020: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh

Bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho ngành. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Long An - Nguyễn Thanh Tiệp về những nhiệm vụ này.

Những hoạt động ngoại khóa giúp học sinh có thêm kỹ năng trong ứng xử

► PV: Năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT đề ra những nhiệm vụ chủ yếu nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, đặc biệt là xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh (HS), năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HS, bảo đảm an toàn trường học.

Thứ tư, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Thứ sáu, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT.

Thứ bảy, hội nhập quốc tế trong GD&ĐT.

Thứ tám, tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT.

Thứ chín, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo viên lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh

Giáo viên lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh

► PV: Ông có thể cho biết, trong 9 nhiệm vụ chủ yếu trên, nhiệm vụ nào là trọng tâm?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: 9 nhiệm vụ trên đều là những nhiệm vụ quan trọng, ngành phải thực hiện hiệu quả trong năm học này. Tuy nhiên, ngành đặc biệt chú trọng nhiệm vụ thứ ba.

Theo đó, ngành tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng sách giáo khoa lớp 1; hoàn thành các điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông; triển khai việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, không độc quyền theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Ngành triển khai thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2030” và Chỉ thị của UBND tỉnh về Giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc cho HS, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Ngành triển khai tài liệu hướng dẫn nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và các nhóm trẻ độc lập, tư thục; tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán ở các cơ sở giáo dục mầm non việc tổ chức hướng dẫn và phối hợp cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường và gia đình; quản lý chặt chẽ việc cấp phép, tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động và hoạt động đối với giáo dục mầm non. Ngành cũng tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trường học, chú trọng xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho HS, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đặc biệt là triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2018-2021.

Học sinh với niềm tin và quyết tâm trong năm học mới

Học sinh với niềm tin và quyết tâm trong năm học mới

► PV: Thực hiện các nhiệm vụ, ngành GD&ĐT gặp những khó khăn gì và giải pháp được đề ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Ngành cũng có một số khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu năm học mới. Quy mô mạng lưới trường, lớp được nâng cấp, mở rộng qua từng năm nhưng một số nơi, cơ sở vật chất còn thiếu, xuống cấp, đặc biệt là tại các địa phương có khu, cụm công nghiệp. Một số giáo viên, phụ huynh không tránh khỏi tâm trạng lo lắng về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Trước những khó khăn đó và thực hiện nhiệm vụ chủ yếu, ngành GD&ĐT đề ra các nhóm giải pháp cơ bản như sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GD&ĐT. Ngành rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực GD&ĐT không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức và tiếp tục khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân với các đơn vị giáo dục trong tỉnh. Ngành tăng cường công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục; tập trung xử lý dứt điểm những khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài và giải quyết các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc xã hội.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Theo đó, ngành triển khai thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ quản lý các cấp và triển khai chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý theo quy định chung; nghiêm túc thực hiện việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; đồng thời, triển khai chương trình bồi dưỡng thường xuyên dành cho cán bộ quản lý.

Ba là, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Ngành rà soát, đánh giá việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho GD&ĐT; phân bổ, quản lý sử dụng kinh phí chi thường xuyên năm 2019 bảo đảm hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT. Theo đó, ngành ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, ngành thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục theo đúng quy định; tiếp tục khuyến khích xã hội đầu tư đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho GD&ĐT.

Bốn là, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá, thi cử đúng thực chất, công bằng, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của HS.

Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT. Ngành tiếp tục thực hiện Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về những đổi mới GD&ĐT, đặc biệt là triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nhằm giúp toàn ngành và xã hội có nhận thức đúng và đồng thuận, góp phần phát triển GD&ĐT.

► PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thạch (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích