Tiếng Việt | English

17/09/2015 - 20:19

Nan giải trẻ "nhập cư" bỏ học tại các khu công nghiệp Bình Dương

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Hàng loạt trẻ em “nhập cư” do không đủ điều kiện đến trường đã bỏ học đang gia tăng đột biến tại địa bàn công nghiệp ở thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An. Đây là thực trạng nan giải tại tỉnh Bình Dương và các vùng phụ cận.

Theo ghi nhận tại các phường Thuận Giao, Bình Hòa…của thị xã Thuận An, hàng loạt trẻ em đang trong độ tuổi vào lớp 1 và lớp 2 nhưng không đến trường.

Các em bỏ học chủ yếu tạm trú ở khu trọ c ó quê ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng…đi theo cha mẹ “nhập cư” vào địa bàn Bình Dương lao động và hầu hết các em thuộc diện mới tạm trú nên không đủ điều kiện để nhận vào các trường học.

Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thị xã Thuận An Huỳnh Thị Mỹ Ngân xác nhận tại các khu nhà trọ trên địa bàn đang có thực trạng trẻ em không đến trường, nhưng đến nay phòng giáo dục chưa khảo sát con số cụ thể vì không thể kiểm soát cho xuể số học sinh "nhập cư" đang tăng chóng mặt trên địa bàn.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thị xã Thuận An, có hai vấn đề dẫn đến việc trẻ em ở các khu nhà trọ không đi học là do chưa đủ thời gian tạm trú 6 tháng trở lên nên các trường không thể nhận vào học và hiện các trường cũng đã quá tải học sinh.

Nguyên nhân thứ hai là các em được cha mẹ dẫn lên Bình Dương lao động nhưng không chuyển hồ sơ học bạ và một số có hồ sơ nhưng không đáp ứng đủ giấy tờ cần thiết.

Bên cạnh đó, có một bộ phận các em đã học qua lớp 1, lớp 2 ở dưới quê nhưng do cả gia đình ông bà, cha mẹ đều chuyển lên Bình Dương làm ăn, nên các em bỏ học đi theo lên ở trọ. Trong khi các cha mẹ bận việc suốt ngày, ít quan tâm nên cho con bỏ học ở nhà...

"Năm học mới 2015-2016 trên địa bàn thị xã Thuận An đã tăng trên 10.000 học sinh; trong đó số học sinh đầu cấp vào lớp 1 đã tăng gần 5.000 em. Sức ép đối với ngành giáo dục địa phương rất lớn, chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng các trường, các lớp không còn đủ sức chứa. Hiện bình quân mỗi lớp 1 có 50 em. Vì vậy, các trường không còn chỗ nào nữa để nhận thêm các em "nhập cư" vào lớp" - cô Ngân cho biết thêm.

“Bất cập lớn nhất là trong khi các trường ở quê đang trống vắng học sinh, nhưng Bình Dương thì không còn đủ sức đáp ứng chỗ học, vì các em đang tiếp tục dồn về địa bàn khu công nghiệp hằng năm” - cô Ngân cho hay.

Trước thực trạng này, Trưởng phòng Giáo dục và thị xã Thuận An kiến nghị chính quyền địa phương ở các xã, phường cần tiến hành khảo sát nắm bắt lại con số cụ thể đối với các em nhập cư đang bỏ học tại các khu nhà trọ để có giải pháp hỗ trợ.

Trước mắt, giải pháp ổn nhất là nên vận động đưa các em trở lại quê (hồi hương) để tiếp tục đi học, vì hiện các trường học ở thị xã Thuận An không còn chỗ để tiếp nhận.

Ông Trần Đăng Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Dĩ An cho biết, năm nay trên địa bàn tăng gần 6.000 học sinh, nhiều nhất là khối tiểu học. Chỉ tính riêng khối lớp 1 đạt bình quân trên 50 học sinh/lớp. Nguyên nhân là do thực trạng tăng học sinh liên tục xảy ra trong các năm qua, do việc tăng học sinh “nhập cư” đi theo cha mẹ đến các khu công nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Sáng, năm nay toàn tỉnh đã tăng trên 39.000 học sinh trong tổng số trên 350.000 em; trong đó khối vào lớp 1 đã tăng chóng mặt với trên 15.000 em và khối mầm non cũng tăng trên 12.000 em; trong đó hai địa bàn Thuận An và Dĩ An là tăng nóng nhất.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết thực trạng trẻ em theo cha mẹ lên ở trọ là đối tượng phát sinh ngoài dự kiến. Họ mới lên một hai tháng nên chưa tạm trú đủ thời gian và do không có đủ giấy tờ nên ngành giáo dục tại các địa phương không thể nắm bắt hết và rất khó để vận động đưa các em vào lớp.

Bà Sáng khẳng định không thể lo cho trẻ em của cả nước theo cha mẹ lên ở trọ, bởi các trường trên địa bàn đang tập trung lo không xuể cho số học sinh có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, quy định học sinh có tạm trú ít nhất là 6 tháng trở lên mới được nhận vào lớp. Trong khi số học sinh mới tạm trú thuộc diện “vỡ quy hoạch.”

"Hiện quỹ đất xây trường ở địa bàn công nghiệp thị xã Thuận An và Dĩ An đã cạn dần nên việc xây thêm trường mới để lo cho học sinh “nhập cư” tăng hàng chục nghìn người mỗi năm là một vấn đề quá nan giải" - bà Sáng băn khoăn.

Trong năm học 2015- 2016, tỉnh Bình Dương có 351 trường ở các cấp học, trong đó có 225 trường được xây dựng cao tầng, tỷ lệ trên 64%; toàn tỉnh có 197 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 62,74%.

Hằng năm, Bình Dương đã bố trí ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo chiếm 20% tổng chi, bằng 70% tổng chi cho sự nghiệp văn hóa-xã hội.

Riêng hai năm gần đây 2014-2015, tỉnh đã chi trên 3.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách tỉnh) đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp và mua sắm trang thiết bị cho ngành giáo dục.

Ngoài ra, năm học mới này, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương đã tuyển thêm trên 1.000 viên chức, giáo viên để tương ứng với việc tăng học sinh. Tuy nhiên nguồn nhân lực này mới chỉ đáp ứng gần 72% giáo viên bộ môn trong năm học mới này./. 

Dương Chí Tưởng/Vietnam+

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích