Tiếng Việt | English

09/07/2019 - 19:45

Nâng cao chất lượng, quản lý giống theo hướng “xã hội hóa”

Sản xuất lúa gạo ở tỉnh Long An ngày càng tăng trưởng cao qua các năm, góp phần rất lớn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Để giữ vững và phát triển hơn nữa những thành tựu này, lãnh đạo ngành nông nghiệp chú trọng việc nâng cao chất lượng lúa giống, từng bước “xã hội hóa” công tác sản xuất lúa giống, nâng cao giá trị lúa gạo tại địa phương.

“Xã hội hóa” trong sản xuất lúa giống

Long An là một trong những tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất lúa gạo, đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực trong nước và thị trường xuất khẩu. Thực tế cho thấy, năng suất lúa gạo ngày càng tăng nhưng chất lượng vẫn chưa cao, chủng loại chưa thật sự đồng đều. Một trong những nguyên nhân do tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận chưa cao, một số hộ nông dân còn sử dụng nguồn lúa giống tự sản xuất, trao đổi lẫn nhau hoặc sử dụng lúa thương phẩm để sản xuất. Nhằm giải quyết vấn đề này, công tác sản xuất lúa giống là một trong những khâu đột phá góp phần tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.

Giống lúa xác nhận OM 7347 tại Hợp tác xã Gò Gòn

Thời gian qua, ngành nông nghiệp triển khai nhiều chương trình, dự án có hệ thống và nhất quán nhằm định hướng giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, trong đó có sử dụng giống mới, giống xác nhận để nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập nông dân. Đặc biệt là giống lúa chất lượng cao phục vụ cánh đồng lớn. Trên địa bàn tỉnh có 205 cơ sở sản xuất và kinh doanh lúa giống, trong đó có 38 cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh và 167 cơ sở kinh doanh lúa giống; ngoài ra, còn có 3 hợp tác xã, 52 tổ hợp tác, 27 cá nhân cộng tác nhân giống lúa.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, cán bộ kỹ thuật Dự án VnSAT Long An - Mai Thị Mộng Cúc cho biết: “Định hướng của tỉnh về nghiên cứu sản xuất và cung ứng lúa giống nhằm đẩy mạnh “xã hội hóa” công tác giống gồm: Phối hợp các đơn vị khoa học để tiếp nhận sự hỗ trợ giống chất lượng cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh; liên kết các cơ sở giống ngoài tỉnh cung cấp giống chất lượng; khuyến khích phát triển các dịch vụ giống chất lượng cho nông dân. Xây dựng, hoàn thiện các tổ chức sản xuất giống gốc; hình thành các tổ hợp tác nhân giống lúa cấp xác nhận ở vùng sâu, vùng xa nhằm cung cấp giống các cấp chất lượng tại chỗ cho nông dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tiến hành du nhập, khảo nghiệm các giống lúa thuần có tiềm năng, tuyển chọn các giống lúa phù hợp với địa phương, sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng để cung cấp cho các tổ nhân lúa làm nguồn sản xuất lúa giống cấp xác nhận. Tập trung chỉ đạo cơ cấu giống lúa trong từng vụ sản xuất; chọn 5-7 giống lúa phù hợp để xây dựng kế hoạch cung ứng giống lúa cho từng vụ, phù hợp với từng địa phương”.

“Xã hội hóa” công tác giống không có nghĩa là thực hiện một cách đại trà mà phải có sự chọn lựa kỹ từ các cơ sở sản xuất lúa đủ điều kiện để tham gia sản xuất lúa giống đến việc tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo đúng quy trình sản xuất lúa giống đạt chuẩn chất lượng. Song song với quá trình đó, ngành nông nghiệp địa phương phải thường xuyên kiểm tra và kiểm định chất lượng sản phẩm lúa giống để từng bước tạo dựng những thương hiệu có uy tín cung cấp đủ giống đạt chuẩn về chất lượng, đủ về số lượng phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.

Nâng cao chất lượng và quản lý lúa giống

Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh có đủ năng lực quản lý mạng lưới nhân giống trong tỉnh nói chung và vùng dự án nói riêng như bộ phận quản lý giống, phòng kiểm định, kiểm nghiệm,... Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác sản xuất, khảo nghiệm giống; tăng cường năng lực trong công tác kỹ thuật sản xuất, quản lý mạng lưới nhân giống lúa nhân dân và tham gia hỗ trợ Dự án VnSAT, việc hỗ trợ thiết bị cho Trung tâm Giống cây trồng tỉnh trong thời gian tới là cần thiết với dự toán kinh phí 3,368 tỉ đồng, hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm (máy đếm hạt giống, nhiệt kế điện tử, máy đo ẩm độ,...) và thiết bị phục vụ sản xuất giống (máy cấy lúa, máy làm mạ khay, khay làm mạ,...).

Hợp tác xã Hương Trang gieo sạ vụ Hè Thu 2019

Về phía các hợp tác xã (HTX)/tổ chức nông dân được chọn để tham gia sản xuất lúa giống, Dự án VnSAT sẽ hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo, tập huấn và cấp giấy chứng nhận để các đơn vị này sản xuất và kinh doanh lúa giống.

Thời gian tới, Dự án VnSAT Long An sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình tổ nhân giống xác nhận, với kinh phí dự toán 1,12 tỉ đồng, triển khai tại 3 HTX: HTX Gò Gòn, HTX Bình Hòa Đông và HTX Cánh Đồng Xanh với mỗi HTX/1ha/mô hình. Theo đó, dự án sẽ tổ chức lớp đào tạo về lý thuyết trong 3 ngày cho nông dân về quy trình kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận song song với xây dựng các điểm trình diễn nhân giống lúa xác nhận để vừa áp dụng giữa lý thuyết và thực hành nâng cao hiệu quả mô hình.

Giải quyết bài toán về “xã hội hóa” lúa giống và việc sử dụng lúa giống đạt tiêu chuẩn sản xuất sẽ giúp nâng cao chất lượng lúa gạo của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nền sản xuất lúa gạo phát triển theo hướng bền vững, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế./.

Đại Việt

Chia sẻ bài viết