Tiếng Việt | English

28/11/2019 - 08:43

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

Tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ người nghiện ma túy cũng tăng và ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, công tác cai nghiện còn một số khó khăn, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện còn cao, người sau cai nghiện gặp khó trong tìm kiếm việc làm,... Đó là những thách thức, vấn đề đặt ra trong trong công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và giúp đỡ người sau cai nghiện.

Người nghiện ma túy tăng

Tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, nguồn ma túy chủ yếu từ TP.HCM. Đối tượng mua, bán hầu hết là người nghiện ma túy. Từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ biên giới Campuchia sang được phát hiện. Trong khi đó, số người nghiện trên địa bàn tỉnh những năm qua cũng tăng lên.

Nếu năm 2008, số người nghiện ở tỉnh có hồ sơ quản lý là 1.070 người thì đến nay có hơn 2.400 người, trong đó, từ 18-30 tuổi chiếm hơn 67%. Qua thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 180/192 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Qua phân loại, tỷ lệ không có việc làm chiếm số lượng nhiều nhất với gần 1.000 người nghiện và hầu hết những người nghiện có trình độ văn hóa chưa hết phổ thông.

Việc điều trị bằng Methadone giảm trường hợp nhiễm HIV mới

Điều đáng lo lắng là đã xảy ra nhiều vụ việc người nghiện vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ nghiêm trọng. Theo Đại tá Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an tỉnh Long An, ngoài gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, cướp giật tài sản thì thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra những vụ việc “ngáo đá” giết người, gây thương tích.

Những năm qua, các giải pháp phòng, chống ma túy được triển khai thực hiện. Ngoài truyền thông về tác hại ma túy, phòng, chống tội phạm ma túy thì công tác cai nghiện và điều trị phục hồi sau cai nghiện cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thực hiện, đạt hiệu quả tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở điều trị bằng Methadone ở TP.Tân An và các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức.

Việc điều trị bằng Methadone giảm trường hợp nhiễm HIV mới. Bệnh nhân sử dụng heroin giảm còn 32% sau 6 tháng điều trị; tuy nhiên, có 10,4% bệnh nhân không sử dụng ma túy đá trước điều trị đã chuyển qua sử dụng ma túy đá sau 6 tháng điều trị. Hầu hết bệnh nhân có sự cải thiện về sức khỏe và ổn định về tâm lý, bệnh nhân tăng cân 63%; 67,9% bệnh nhân có nguy cơ trầm cảm không còn nguy cơ sau 6 tháng điều trị.

Đặc biệt, các ngành: Công an, lao động - thương binh và xã hội, tòa án tăng cường phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy Long An (đóng tại huyện Thạnh Hóa), khi vào cai nghiện, người bệnh được phân theo mức độ nghiện và loại ma túy sử dụng, tình trạng sức khỏe,... để cắt cơn cai nghiện từ 15 đến 30 ngày. Từ năm 2008 đến nay, đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gần 4.000 trường hợp.

Tại cơ sở cai nghiện, những người đang cai nghiện ma túy được tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, rèn luyện thể lực

“Những người bệnh vào cai nghiện tại cơ sở được tư vấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, nội quy, sử dụng các loại thuốc hỗ trợ phù hợp, được tư vấn tâm lý và tham gia các hoạt động thể thao, lao động để rèn luyện bản thân, phấn đấu trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội” - anh N.V.T đang cai nghiện tại cơ sở cho biết.

Ngoài ra, tại cơ sở cai nghiện ma túy còn có các lớp dạy nghề về điện dân dụng, sửa xe cho người đang cai nghiện. Từ năm 2008 đến nay, cơ sở phối hợp Trường Cao đẳng Nghề Long An và Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười tổ chức gần 20 lớp dạy nghề cho hơn 400 học viên.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Long An, việc tập trung người nghiện ma túy vào quản lý, giáo dục giúp loại bỏ một khoản chi phí hoang phí trong xã hội về sử dụng ma túy. Người nghiện ma túy được chữa trị, chăm sóc và được học nghề. Việc cai nghiện tập trung cũng góp phần hạn chế, ngăn ngừa người nghiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tạo cơ hội cho những người nghiện ma túy được chữa trị, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện để làm lại cuộc đời và làm giảm tốc độ lây lan HIV/AIDS ngoài cộng đồng.

Người nghiện ma túy tham gia các hoạt động lao động tại cơ sở cai nghiện

Còn nhiều khó khăn, trăn trở

Bên cạnh những hiệu quả trong thực hiện công tác cai nghiện thì vấn đề sau cai nghiện còn nhiều điều đáng lo ngại khi tỷ lệ tái nghiện vẫn cao. Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Long An, thông tin: “Thời gian qua, người tái nghiện quay trở lại cơ sở cai nghiện chiếm hơn 30%”. 

Vì vậy, vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được đặt ra, phân tích để có những giải pháp quan tâm, hỗ trợ. Thực tế, những học viên hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy được đưa vào quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Trên cơ sở hồ sơ và trường hợp cụ thể, UBND xã, phường, thị trấn ban hành quyết định phân công cán bộ quản lý. Người được phân công xây dựng kế hoạch quản lý người sau cai nghiện để có sự động viên, giúp đỡ.

“Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý giáo dục sau cai nghiện tại địa phương hiệu quả chưa cao. Công tác tạo việc làm để người sau cai nghiện có thu nhập, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều khó khăn” - ông Cù Hoàng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết.

Lực lượng chức năng tuyên truyền pháp luật, trong đó lồng ghép về tác hại của ma túy

Lực lượng chức năng tuyên truyền pháp luật, trong đó lồng ghép về tác hại của ma túy

Hiện nay, xã hội còn thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy. Từ nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân không có việc làm, bị kỳ thị nên những người sau cai nghiện trở về địa phương rất dễ tái nghiện. Ngoài ra, chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện chưa phù hợp. Quy định về quản lý sau cai nghiên tập trung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 và Nghị định 94/2009/NĐ-CP, thực tế kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc và hiện nay không còn phù hợp với quy định mới.

Thượng tá Phạm Thanh Tâm - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, cho biết: “Việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chưa triển khai thực hiện do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, điểm cắt cơn chưa có quy định cơ chế quản lý người nghiện trong thời gian cắt cơn tập trung tại cộng đồng cấp xã không có kinh phí thực hiện”. Để công tác cai nghiện hiệu quả, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân phải hiểu rõ cai nghiện ma túy là quá trình khó khăn, lâu dài, rất cần xã hội chung tay giúp đỡ, thật sự yêu thương, chia sẻ, giúp người nghiện điều trị để họ không mặc cảm, tự ti. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện và gia đình được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn,... để có việc làm ổn định và tránh xa hiểm họa ma túy. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, ý chí quyết tâm của chính người nghiện./.

"Để công tác cai nghiện hiệu quả, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân phải hiểu rõ cai nghiện ma túy là quá trình khó khăn, lâu dài, rất cần xã hội chung tay giúp đỡ, thật sự yêu thương, chia sẻ, giúp người nghiện điều trị để họ không mặc cảm, tự ti. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện và gia đình được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn,... để có việc làm ổn định và tránh xa hiểm họa ma túy. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, ý chí quyết tâm của chính người nghiện”.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết