Tiếng Việt | English

02/05/2019 - 10:09

Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại trong thụ lý các vụ việc hôn nhân - gia đình

Tuy không có thống kê cụ thể số vụ ly hôn trong công nhân (CN) nhưng theo đánh giá của một số thẩm phán trực tiếp giải quyết các vụ ly hôn tại tòa án thì số vụ ly hôn mà đương sự là CN đang chiếm tỷ lệ cao nhất. Hòa giải, đối thoại đang là một giải pháp để các cặp vợ chồng có thêm cơ hội nhìn nhận bản thân, cho nhau cơ hội trước khi ly hôn.

Trung tâm Hòa, giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa có tỷ lệ hòa giải, đối thoại cao với 245/296 vụ việc, đạt 83%, chủ yếu các vụ là hôn nhân - gia đình

Trung tâm Hòa, giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa có tỷ lệ hòa giải, đối thoại cao với 245/296 vụ việc, đạt 83%, chủ yếu các vụ là hôn nhân - gia đình

Số vụ ly hôn trong công nhân thường chiếm tỷ lệ cao

Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An, tính từ đầu năm 2018 đến hết ngày 31/3/2019, TAND 2 cấp tỉnh Long An thụ lý giải quyết 7.882 vụ ly hôn. Trong đó, thụ lý mới 7.175 vụ; các địa phương có số vụ ly hôn thụ lý cao: Huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, TP.Tân An và huyện Tân Trụ. Đây đều là những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Theo Phó Chánh án TAND huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cảnh, tại TAND huyện Bến Lức, số vụ án ly hôn do đơn vị thụ lý nhiều, chiếm số lượng án cao nhất trong số các vụ việc và chiếm khoảng 1/2 số lượng vụ việc do tòa thụ lý. Đáng chú ý là số vụ ly hôn đang tăng đều qua từng năm. Độ tuổi ly hôn hiện nay cũng rất trẻ. Đa số những đương sự đến xin làm thủ tục ly hôn thường thuộc thế hệ 8X, 9X và thậm chí là 10X. Số vụ ly hôn ở độ tuổi này thường chiếm trên 60%, đa số trong đó là những người đang làm CN tại các nhà máy, xí nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chánh án TAND huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cảnh, nguyên nhân dẫn đến ly hôn hiện nay tập trung chủ yếu do mâu thuẫn về vật chất, cái tôi cá nhân của các đương sự quá lớn, mâu thuẫn về tình cảm liên quan đến ngoại tình. Điều đó phản ánh cái nhìn hời hợt của các cặp vợ chồng trẻ hiện nay. “Rất nhiều vụ ly hôn, mâu thuẫn giữa các đương sự rất nhỏ. Có vụ, chỉ vì chồng mê chơi game, vợ cũng nhất quyết đòi ly hôn, hay có vụ 2 vợ chồng nhất quyết ly hôn bằng được do mâu thuẫn về cái tôi cá nhân trong cuộc sống, mặc dù ngày gửi đơn ra tòa, cả gia đình nội ngoại 2 bên tới khuyên can. So với trước đây thì việc ly hôn hiện nay tương đối dễ dàng và như một giải pháp của các cặp vợ chồng khi cảm thấy hôn nhân không còn hạnh phúc. Mặt khác, độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa cũng cho thấy mặt trái của xã hội trong thời buổi kinh tế phát triển như hiện nay” - Phó Chánh án TAND huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cảnh cho biết.

Trong số 7.882 vụ ly hôn do TAND 2 cấp tỉnh Long An thụ lý, chỉ có 352 vụ ly hôn được hòa giải đoàn tụ thành và có đến 4.433 vụ ly hôn được công nhận thỏa thuận của đương sự không cần thông qua công tác xét xử. Điều này càng cho thấy việc ly hôn hiện nay rất thoáng, khi cảm thấy không hợp hay phát sinh mâu thuẫn, các cặp vợ chồng dễ tìm đến ly hôn. Số vụ việc được TAND 2 cấp công nhận thỏa thuận của đương sự lớn cũng thể hiện việc các cặp vợ chồng dễ chấp nhận ly hôn trong lối sống có phần hiện đại hơn.

Trước thực trạng ly hôn đang gia tăng hiện nay, tại tỉnh Long An đang triển khai các giải pháp nâng cao công tác hòa giải, đối thoại, đặc biệt là việc đưa vào vận hành 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm giảm áp lực trong công tác xét xử cũng như tiến hành các bước hòa giải, một trong những khâu quan trọng trong quá trình tố tụng tại tòa án.

Đẩy mạnh công tác đối thoại, hòa giải

Theo TAND tỉnh Long An, trước tình hình tăng về số vụ việc thụ lý, việc thành lập và đưa vào hoạt động của 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt, số vụ việc hòa giải, đối thoại thành trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình chiếm tỷ lệ cao.

Theo đó, trong hơn 4 tháng đưa vào hoạt động, các trung tâm hòa giải, đối thoại đã tiến hành hòa giải, đối thoại được 1.063 vụ/1.262 vụ việc thụ lý. Trong đó, hòa giải, đối thoại thành tương ứng với việc đương sự thỏa thuận hòa giải, đối thoại thành, đương sự rút đơn, thuận tình ly hôn đạt 778 vụ, chiếm 73%. Đặc biệt, số vụ việc trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình có tỷ lệ hòa giải đối thoại thành cao, chiếm 677/808 vụ, đạt 84%.

Điển hình như vụ việc “Ly hôn, tranh chấp tài sản” giữa nguyên đơn N.V.C. với bị đơn - bà T.T.M. tại huyện Đức Hòa. Trong đó, khi nộp đơn xin ly hôn và chia tài sản, ông C. khẳng định trong cuộc sống thường ngày, ông thường bị bà M. la mắng với lời lẽ thiếu văn hóa trước đám đông làm mất uy tín của ông. Về phía bà M. lại cho rằng, chồng không quan tâm đến tình cảm của vợ. Do đó, ông C. và bà M. nhất quyết xin tòa được ly hôn.

Từ vụ việc này, Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND huyện Đức Hòa phân công hòa giải viên Trần Thị Đổi tiến hành hòa giải giữa 2 đương sự. Sau khi xem xét hồ sơ cũng như gặp gỡ các bên, hòa giải viên Trần Thị Đổi xác định được nguyên nhân mâu thuẫn trong vụ việc chủ yếu do ông C. và bà M. có cái tôi và sĩ diện quá lớn khi mâu thuẫn, cãi vã thường không nhường nhịn nhau.

Từ đó, hòa giải viên Trần Thị Đổi kiên trì dùng nhiều phương pháp khác nhau, vừa động viên, vừa thuyết phục, giúp đỡ hai bên đương sự tìm được tiếng nói chung. Thậm chí, hòa giải viên còn tổ chức họp kín với từng bên đương sự để chỉ ra nguyên nhân mâu thuẫn gia đình. Kiên trì, chân thành, điều hạnh phúc đến với hòa giải viên chính là giờ phút ông C. tự nguyện rút lại đơn khởi kiện, cả 2 thống nhất đoàn tụ, trở về nuôi dạy con.

Phía bà M. đã nhận ra được sai trái của mình, thừa nhận việc chửi chồng trước đám đông là xúc phạm, làm mất mặt chồng, sẽ có trách nhiệm quan tâm và chăm sóc gia đình, nhất là chấm dứt việc bỏ mặc chồng muốn làm gì thì làm. Còn ông C. cũng thừa nhận tuy có trách nhiệm lo kinh tế chung cho gia đình đầy đủ nhưng vẫn thiếu sự quan tâm, chăm sóc vợ, bỏ mặc vợ và không về nhà thường xuyên là việc làm không đúng, là nguyên nhân vợ nghi ngờ ông có người phụ nữ khác, mâu thuẫn gia đình ngày càng trầm trọng.

“Khi rút đơn, họ nhìn nhau với cái nhìn thân thiện và có phần e dè. Cái nắm tay của đôi vợ chồng này là điều ấm áp nhất đối với hòa giải viên, đây cũng là động lực giúp hòa giải viên hoàn thành nhiệm vụ của mình” - hòa giải viên Trần Thị Đổi cho biết.

Mặt khác, theo hòa giải viên Trần Thị Đổi, trong quá trình hòa giải, đối thoại, hòa giải viên cần thực hiện phương châm “chân thành, trách nhiệm và kiên trì” khi hòa giải và phải có tâm trong sáng, là cầu nối giúp các bên đương sự tin tưởng giãi bày để tháo gỡ các khó khăn, mâu thuẫn, chuyển từ tình thế đối nghịch sang nhẹ nhàng, thân thiện, tìm được tiếng nói chung. Yếu tố quan trọng nhất là hòa giải viên phải giữ được vị trí trung gian như người trọng tài trong suốt quá trình hòa giải, cẩn trọng từng lời lẽ trong phân tích, giải thích sao cho các bên đương sự đều thấy hài lòng, không nghi ngờ có biểu hiện thiên lệch, từ đó xây dựng được lòng tin và việc hòa giải, đối thoại mới có cơ sở thành công.

Trong hơn 4 tháng làm công tác hòa giải, đối thoại, chỉ tính riêng lĩnh vực hôn nhân - gia đình, hòa giải viên Trần Thị Đổi tổ chức hòa giải, đối thoại thành được 70/105 vụ. Trong đó, đa số vụ việc được hòa giải, đối thoại đoàn tụ thành và một phần là thuận tình ly hôn.

Theo một số thẩm phán đang làm công tác xét xử, việc đưa vào hoạt động các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án là một giải pháp thiết thực để các cặp vợ chồng có thêm cơ hội nhìn nhận bản thân, cho nhau cơ hội trước khi ly hôn, cũng như giảm bớt áp lực trong công tác xét xử hiện nay./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết