Tiếng Việt | English

16/11/2017 - 15:21

Nâng cao kỹ năng phát ngôn và phòng ngừa, xử lý khủng hoảng truyền thông

Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, mà trực tiếp là người đứng đầu.

Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông truyền đạt kỹ năng phát ngôn và phòng ngừa, xử lý khủng hoảng truyền thông

Ngày 16/11, Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh tổ chức tập huấn về kỹ năng phát ngôn và phòng ngừa, xử lý khủng hoảng truyền thông cho lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể và chủ tịch các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Theo nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, mà trực tiếp là người đứng đầu. Vì vậy, đòi hỏi người đứng đầu phải nắm chắc những văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, kỹ năng tiếp xúc và cung cấp thông tin cho báo chí.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe Nhà báo Lê Nghiêm truyền đạt những kỹ năng phát ngôn cho người phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước như: Kỹ năng tiếp xúc với báo chí; kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí; cách xử lý một số tình huống đặc biệt trong phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí; quy trình tổ chức họp báo, các hình thức thông tin cho báo chí; giải pháp phòng ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông tại địa phương, cơ quan, đơn vị…

Theo đó, việc tiếp xúc phóng viên, cung cấp thông tin cho báo chí cần có kỹ năng và phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Báo chí 2016, Nghị định 09/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước, với đầy đủ các bước như: Nhận diện cơ quan báo chí, xác nhận tư cách phóng viên, thống nhất về nội dung, thời gian, địa điểm làm việc với phóng viên, chuẩn bị tài liệu phục vụ buổi làm việc với phóng viên và tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp báo chí đúng quy định của pháp luật. Ngoài cung cấp thông tin theo yêu cầu của báo chí, người phát ngôn của các cơ quan đơn vị cần chủ động cung cấp thông tin để báo chí có điều kiện phối hợp tốt trong việc thông tin về đơn vị, địa phương.

Đối với việc xử lý khủng hoảng truyền thông, Nhà báo Lê Nghiêm cho rằng, việc phòng ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông cần được đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý chú trọng mọi lúc, mọi nơi. Muốn vậy, cần thường xuyên rèn luyện ý thức xây dựng hình ảnh, đạo đức, tác phong công vụ đúng chuẩn mực trong đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tại buổi tập huấn, Nhà báo Lê Nghiêm cũng chỉ ra những vấn đề cần lưu ý trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông như: Bị động trong việc cung cấp thông tin, chậm thông tin, cung cấp thông tin không nhất quán, né tránh việc cung cấp thông tin, đùn đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin, không hợp tác với báo chí, không tiếp thu và xử lý thông tin báo chí đăng phát,…

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Trương Thị Thanh Thủy khẳng định: Qua lớp tập huấn lần này người đứng đầu mỗi đơn vị sẽ làm tốt hơn trong việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí cũng như có thêm kiến thức về quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước trong hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh trong thời gian tới. Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh con người, quê hương Long An đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước và thế giới./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết