Tiếng Việt | English

30/12/2016 - 09:58

Luật Báo chí năm 2016

Nâng cao vị thế, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo

Kể từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí năm 2016 chính thức có hiệu lực, góp phần rộng mở hành lang pháp lý, tạo sự phát triển cho nền báo chí nước nhà. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Lê Văn Bích về những điểm mới và tiến bộ của luật.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Lê Văn Bích. Ảnh: Hùng Anh

°PV: Xin ông cho biết, so với luật hiện hành, Luật Báo chí năm 2016 có những điểm gì cần lưu ý?

Ông Lê Văn Bích: Luật Báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều được xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Báo chí hiện hành.

So với Luật Báo chí năm 1989, Luật Báo chí (sửa đổi) năm 1999 thì Luật Báo chí năm 2016 có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn. Một trong số những nội dung mới rất quan trọng của luật là quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin.

Đồng thời, luật quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ có Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.


Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực, tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp tốt hơn

Bên cạnh đó, Luật Báo chí năm 2016 cũng bổ sung một số hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí so với luật hiện hành: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Đặc biệt, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí mới bổ sung một số quy định mới về cải chính: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời, quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.

°PV: Hiện nay, tình trạng né tránh cung cấp thông tin cho báo chí của một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn vẫn còn xảy ra. Xin ông cho biết, Luật Báo chí năm 2016 có những quy định gì nhằm khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp tốt hơn?

Ông Lê Văn Bích: Theo Luật Báo chí năm 2016, báo chí được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật,...

Việc cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác.

Trong quá trình tác nghiệp, các cơ quan, đơn vị có tình trạng né tránh cung cấp thông tin cho báo chí thì Luật Báo chí năm 2016 quy định rất cụ thể, chi tiết tại Điều 38 về cung cấp thông tin cho báo chí, quy định rõ, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin cung cấp.

Cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường; việc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí là hành vi bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

°PV: Thưa ông, thời gian qua, một số phóng viên khi đi tác nghiệp trên địa bàn tỉnh bị hành hung, cản trở, vậy Luật Báo chí năm 2016 có điểm nào mới để bảo vệ phóng viên?

Ông Lê Văn Bích: Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ là báo chí được pháp luật bảo hộ và trong điều cấm quy định cụ thể là cấm những hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

°PV: Để thực hiện tốt những quy định của Luật Báo chí năm 2016, xin ông cho biết, bản thân các nhà báo cũng như các cơ quan quản lý cần có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Lê Văn Bích: Trước hết, các nhà báo cũng như các cơ quan báo chí cần học tập, quán triệt, nắm vững tất cả quy định của Luật Báo chí năm 2016. Phải làm tốt công việc này để tránh tình trạng có luật rồi nhưng các nhà báo không quan tâm đúng mức, không nhận thức được đây là chỗ dựa pháp lý. Thậm chí, tránh tình trạng hiểu “lơ mơ” về luật nên người làm báo không tận dụng được những điều mà luật cho phép, không tránh được những điều mà luật cấm dẫn đến vi phạm luật một cách “vô tư”.

Luật Báo chí năm 2016 có quy định về hoạt động của Hội Nhà báo phải lấy ý kiến và xây dựng quy chế về đạo đức báo chí phù hợp và tương thích với luật. Tại hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam thông qua Quy định (sửa đổi, bổ sung) đạo đức nghề nghiệp người làm báo
Việt Nam gồm 10 điều.

Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo ràng buộc các nhà báo, yêu cầu họ phải thấm nhuần trong suy nghĩ, hành vi, làm gì cũng phải dựa trên nền tảng của đạo đức. Quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút và chắc chắn sẽ lan tỏa trong đời sống báo chí, tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo.

Long An có 4 cơ quan báo chí chuyên nghiệp, 2 văn phòng đại diện báo chí là Báo Nông thôn ngày nay và Phân xã Long An với gần 215 nhà báo, trong đó có 39 nhà báo ngoài tỉnh đăng ký hoạt động. Luật Báo chí 2016 ra đời phù hợp với tình hình đất nước, thực tế xã hội của Việt Nam hiện nay, bảo đảm những điều kiện cơ bản để xây dựng một xã hội ngày càng dân chủ, văn minh, tạo niềm tin cho giới báo chí làm tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước và nhân dân.

°PV: Các cơ quan chức năng có những biện pháp gì để triển khai, sớm đưa Luật Báo chí năm 2016 đi vào cuộc sống, thưa ông?

Ông Lê Văn Bích: Có thể khẳng định, Luật Báo chí năm 2016 tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Để sớm đưa Luật Báo chí năm 2016 đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ mà nhiều ngành cùng phối hợp tham gia. Tới đây, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An có kế hoạch phổ biến về luật này và những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần chủ động quán triệt nội bộ cơ quan, đơn vị mình để đội ngũ phóng viên, biên tập viên vững tâm trong tác nghiệp, tránh để xảy ra sai sót, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạo đức của người làm báo.

Luật Báo chí năm 2016 tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp tốt hơn và có những ràng buộc về mặt pháp lý chặt chẽ hơn, không chỉ dành riêng cho các nhà báo mà còn cho toàn xã hội.

°PV: Xin cảm ơn ông!./.

Hữu Bằng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết