Tiếng Việt | English

12/03/2019 - 11:01

Nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lan ra các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Tỉnh thường xuyên kiểm tra tình hình vận chuyển, mua bán, giết mổ

Không để dịch bệnh xảy ra

Để bảo đảm không xảy ra dịch bệnh, tỉnh ban hành quy định tạm thời về quy trình kiểm định vệ sinh, dịch tễ trong việc vận chuyển, giết mổ, thành lập các chốt, trạm kiểm dịch động vật cố định và cơ động, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển, mua bán trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các trạm kiểm dịch động vật sẽ được thành lập trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Đường tỉnh 823, 824 trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và TP.Tân An. Đồng thời, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên heo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tăng cường tuyên truyền, thông tin cho người dân về mức độ nguy hiểm và diễn biến tình hình dịch bệnh. Triển khai kiểm soát, nắm bắt tình hình đàn heo ở địa phương và chủ động chuẩn bị các biện pháp xử lý dự trù để có thể kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, tăng cường khuyến cáo người dân tiêm phòng cho heo theo đúng lịch định kỳ và phân công cán bộ giám sát thường xuyên từng khu vực chăn nuôi, giết mổ nhằm bảo đảm đàn heo trên địa bàn tỉnh được khỏe mạnh, sạch bệnh và cung cấp cho thị trường thực phẩm chất lượng, an toàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để chủ động ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập, sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu độc, sát trùng tại các trang trại và cơ sở giết mổ; kiểm soát chặt chẽ tại trang trại nuôi heo tập trung và hộ nuôi heo nhỏ, lẻ; thông báo và hướng dẫn cụ thể các quy trình, thủ tục, biện pháp an toàn kỹ thuật để các đơn vị chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực hiện thủ tục xác nhận nguồn gốc, chứng nhận kiểm định, tạo mọi điều kiện, bảo đảm hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh heo sống và sản phẩm thịt heo diễn ra bình thường. Đồng thời, phối hợp địa phương tuyên truyền người chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học như sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi theo định kỳ; tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng, kiểm tra lại việc sử dụng vắc-xin tiêm phòng cho đàn heo trong thời gian qua để có kế hoạch tiêm phòng đầy đủ theo đúng lịch trình.

Để tăng sức đề kháng cho đàn heo, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan,...; khi nhập heo về nuôi và khi xuất bán gia súc phải khai báo kiểm dịch với thú y địa phương. Khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định thì hạn chế nhập mới gia súc về nuôi, nhất là từ khu vực các tỉnh có nguy cơ cao. Trong trường hợp cần thiết, nên nhập gia súc từ các trại chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y, phải có khu riêng nuôi cách ly heo mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập heo. Giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn heo hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ heo, sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, kể cả hình thức cho, tặng sản phẩm qua biên giới, chỉ nên sử dụng các sản phẩm thịt heo đã được cơ quan thú y kiểm dịch, không mua và sử dụng các sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc và không chế biến gần khu vực chăn nuôi; cần theo dõi thường xuyên thông tin diễn biến dịch bệnh để kịp thời thực hiện các khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan thú y. Đồng thời, người dân cần tích cực cùng địa phương giám sát, phát hiện các trường hợp heo nghi ngờ nhiễm bệnh DTLCP. Nếu phát hiện heo có biểu hiện bệnh, chết do nghi ngờ bệnh thì phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được xử lý theo đúng quy trình của ngành thú y, tuyệt đối không được tự ý xử lý hoặc vứt heo chết ra môi trường.

Người dân ý thức cao

Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Lục Long, huyện Châu Thành - Đoàn Bảo An, hiện trên địa bàn xã có 2 trang trại và 12 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 2.600 con, giảm gần 500 con so cùng kỳ năm trước. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên heo, thú y xã phối hợp các trạm truyền thanh ở các ấp thông báo về tình hình của các dịch bệnh nguy hiểm đang xảy ra trên heo hiện nay như bệnh DTLCP, lở mồm long móng,... Đồng thời, triển khai đến các nhân viên thú y trên địa bàn xã để họ thông tin trực tiếp đến các hộ chăn nuôi về tình hình dịch bệnh, thường xuyên kết hợp chính quyền địa phương để kiểm tra, nắm tình hình số lượng đàn heo trên địa bàn. Khi có dấu hiệu bất thường xuất hiện trên đàn heo, người dân phải báo ngay cho địa phương để được kiểm tra và phòng trị kịp thời.

Người dân ý thức cao trong việc phòng, chống dịch bệnh

Chăn nuôi heo hơn 5 năm nay, anh Lê Văn Thảo, ngụ xã An Lục Long, luôn cảnh giác với tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Hiện gia đình anh nuôi 80 con heo, trong đó, heo thịt chiếm gần 80%, còn lại là heo nái và heo con. Anh Thảo chia sẻ: “Với tiêu chí phòng bệnh hơn trị bệnh, tôi không chủ quan, lơ là với bất cứ một dịch bệnh nào. Từ khi bắt đầu nuôi heo, gia đình tôi luôn tuân thủ theo đúng khuyến cáo của ngành là tiêm phòng đầy đủ theo lịch và vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế mức độ rủi ro đến mức thấp nhất”. Cũng như anh Thảo, ông Huỳnh Văn Trừ, ngụ cùng địa phương, luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh trên heo. Ông Trừ nói: “Gia đình tôi nuôi heo đã gần 15 năm. Hiện nay, số lượng đàn heo giảm xuống, chỉ còn gần 100 con do giá heo thời gian trước quá thấp, gia đình tôi bị thua lỗ nhiều nên phải giảm đàn. Đối với người nuôi heo, muốn thắng lợi trong chăn nuôi thì việc đầu tiên cần làm là chọn giống, do vậy gia đình tôi luôn chọn mua heo giống ở các cơ sở uy tín. Trước tình hình dịch bệnh trên heo đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, ngoài tiêm phòng theo lịch của ngành chăn nuôi và khuyến cáo của cán bộ thú y địa phương, tôi còn chủ động tiêm phòng tăng cường thêm một số loại vắc-xin để phòng ngừa các dịch bệnh trên heo như tai xanh, huyết trùng, thương hàn,... Bên cạnh đó, gia đình tôi còn tăng cường tiêu độc, khử trùng chuồng trại với tần suất 2 ngày/lần để bảo vệ sức khỏe cho đàn heo; trộn thêm kháng sinh, vitamin và các khoáng chất cần thiết khác vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho đàn heo”. Còn ông Lê Văn Cường, ngụ ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, cho biết: “Gia đình tôi vừa xuất bán gần 30 con heo thịt với giá 53.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 1,3 triệu đồng/con. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, tôi chủ động xử lý vệ sinh chuồng trại và chọn con giống tốt để chuẩn bị cho đợt heo mới”.

Tại huyện Cần Giuộc, Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Anh Đức chỉ đạo: “Các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh, mua bán, các cơ sở giết mổ,... chủ động thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng,... Đồng thời, các địa phương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, có kế hoạch, giải pháp xử lý cụ thể khi có dịch bệnh xảy ra; thành lập các chốt kiểm dịch; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra tình hình vận chuyển, mua bán, giết mổ trên địa bàn huyện để kịp thời xử lý khi phát hiện bệnh”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương và ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh trên heo, hy vọng, DTLCP sẽ không xảy ra trên địa bàn tỉnh./.

Toàn tỉnh có khoảng 11.000 hộ chăn nuôi heo và 20 trang trại lớn ước khoảng 162.400 con heo. Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở giết mổ và 11 điểm thu gom động vật, mỗi đêm, các cơ sở giết mổ tập trung khoảng 2.500 con heo, cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM.

Lê Huỳnh - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết