Tiếng Việt | English

17/10/2018 - 15:43

Nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng điện an toàn

Bảo đảm an toàn điện (ATĐ) trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhất là người dân ở vùng Đồng Tháp Mười trong mùa mưa, bão luôn được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành điện nói riêng và các ngành chức năng ở địa phương nói chung.

Hệ thống đường dây dẫn điện không an toàn

Hệ thống đường dây dẫn điện không an toàn

Tăng cường tuyên truyền

Trưởng phòng ATĐ, Công ty Điện lực Long An - Võ Duy Linh cho biết: "Khi mưa, bão, hệ thống cột, đường dây, trạm biến áp thường bị hư hỏng do sét đánh hoặc gãy đổ, ngập nước, gây thiệt hại rất lớn cho ngành điện và làm gián đoạn việc cung cấp điện cho các phụ tải. Đối với lưới điện nông thôn, người dân tự lắp cột gỗ tạm bợ, sử dụng dây dẫn nhiều năm đã hư hỏng, có nhiều mối nối nhưng chưa được thay thế,... nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Vì vậy, bảo đảm an toàn lưới điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành điện. Theo đó, trước, trong mùa mưa, bão năm nay, ngành điện luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi công tác ứng phó. Công ty yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động trước mọi tình huống, giảm thiệt hại do thiên tai cũng như ổn định nguồn điện cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhất là người dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười".

Theo ghi nhận thực tế, trên Quốc lộ 62, đoạn qua cầu Ông Nhượng, thuộc địa phận ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, đường dây điện vào ấp oằn xuống thấp, không bảo đảm an toàn. Ông Bùi Văn Đỉnh - người dân ở đây, cho biết: "Tôi thường xuyên nhắc nhở, vận động người dân trong xóm, ấp luôn có ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, kịp thời thông báo các trường hợp có khả năng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao, hạ áp với các ngành chức năng để sớm giải quyết, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc về điện. Tuy nhiên, gần đây, do tuyến đường vào ấp đang thi công nên các trụ điện bằng gỗ vừa thấp, vừa xiêu vẹo, thậm chí có trụ nghiêng gần chạm đất. Mong rằng địa phương, các ngành chức năng sớm có hướng giải quyết nhằm bảo đảm an toàn cho người dân".

Hệ thống đường dây dẫn điện không an toàn

Ông Trần Trọng Nhân, ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, cho biết: "Để bảo đảm ATĐ trong mùa mưa, bão, nhiều năm qua, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, hiệu quả bằng nhiều hình thức, Điện lực huyện còn thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, gia cố những vị trí trụ điện có nguy cơ gãy, đổ, phân công nhân viên trực để kịp thời xử lý các sự cố về điện cho người dân".

Những năm gần đây, một số sự cố vi phạm hành lang lưới điện cao áp như cây xanh, vật liệu xây dựng, mái tole bay vào đường dây và trạm điện,... khi có giông, bão gây mất điện và nguy hiểm cho con người cũng như tài sản của Nhà nước giảm đáng kể. Tình trạng gián đoạn cấp điện cũng giảm rất nhiều so với trước đây. Theo ghi nhận, người dân khu vực vùng Đồng Tháp Mười rất hoan nghênh sự nỗ lực của ngành điện trong công tác ứng trực và khắc phục sự cố khi có giông lốc, mưa, bão gây đổ cột, đứt dây điện,... Bên cạnh đó, nhờ công tác tuyên truyền của ngành điện, những năm gần đây, các sự cố mất điện do các nguyên nhân nói trên không còn xảy ra nhiều.

Ứng phó kịp thời

Theo đại diện Điện lực Tân Thạnh, hiện nay, ý thức của người dân về an toàn trong sử dụng điện được nâng lên. Tuy nhiên, tình trạng chủ quan, xem nhẹ vấn đề ATĐ vẫn xảy ra. Nhằm góp phần giảm tai nạn điện, nhất là trong mùa mưa, bão, Điện lực Tân Thạnh chủ động phối hợp các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến người dân về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Ông Lê Quang Hải, ngụ xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, cho rằng: "Mùa mưa, bão thường kèm theo giông, lốc xoáy nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố trên lưới điện: Sụt lún, gãy đổ cột điện, đứt đường dây, cây đổ, biển quảng cáo, mái tole bay vào đường dây gây chập điện,... gây mất an toàn lưới điện. Vì vậy, ngoài những nỗ lực khắc phục của ngành điện, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn trong sinh hoạt và sản xuất".

Ngành điện thường xuyên bảo trì, sửa chữa lưới điện nhằm bảo đảm an toàn, cung cấp đầy đủ điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong mùa mưa, bão

Ngành điện thường xuyên bảo trì, sửa chữa lưới điện nhằm bảo đảm an toàn, cung cấp đầy đủ điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong mùa mưa, bão

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa - Trần Hữu Phú cho biết: "Những năm qua, Điện lực huyện phối hợp rất tốt UBND xã trong công tác quản lý cung cấp điện trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngành điện và địa phương còn phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, nhất là trong mùa mưa, bão".

Giám đốc Điện lực Tân Hưng - Lý Quốc Tâm cho biết: "Điện lực huyện đang quản lý, vận hành 425 trạm biến áp, khoảng 267km đường dây trung thế, 304km đường dây hạ thế với hơn 13.000 khách hàng sử dụng điện. Để chủ động phòng tránh sự cố, tai nạn điện đáng tiếc xảy ra trong mùa mưa, bão, ngay từ đầu năm, Điện lực huyện tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, nhất là những điểm có nguy cơ mất an toàn được nhanh chóng khắc phục và xử lý ngay. Bên cạnh đó, Điện lực còn phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATĐ, xử lý các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; xử lý các bất cập của đường dây hạ áp sau đồng hồ đo điện, hệ thống điện;... Ngoài ra, Điện lực huyện còn cử nhân viên xuống cơ sở phối hợp các địa phương hướng dẫn người dân cách sử dụng điện an toàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện của khách hàng và kịp thời nhắc nhở để tránh các sự cố, tai nạn về điện".

“Để bảo đảm an toàn lưới điện, thời gian tới, Công ty Điện lực Long An tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng tránh và sử dụng điện an toàn, quản lý chặt chẽ việc treo các biển quảng cáo, chặt tỉa cây xanh, xây dựng nhà, công trình, hoạt động của các phương tiện cơ giới,... gần đường dây điện nhằm hạn chế, ngăn ngừa tai nạn, sự cố không đáng có xảy ra trên lưới điện” - ông Võ Duy Linh cho biết thêm./.

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn điện làm 6 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do sửa chữa điện không cắt cầu dao, đường dây sau điện kế thấp, mối nối tróc vỏ,...

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích