Tiếng Việt | English

04/10/2018 - 20:00

Nâng cao ý thức, trách nhiệm về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Việc giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, bản đồ và hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại các cuộc triển lãm với chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý góp phần giúp người xem nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Học sinh huyện Tân Hưng thích thú tìm hiểu về các hiện vật được trưng bày

Học sinh huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thích thú tìm hiểu về các hiện vật được trưng bày

Khẳng định chủ quyền

Triển lãm lựa chọn những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trưng bày, giới thiệu với công chúng. Đồng thời, qua đó bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển, đảo khác trên biển Đông. Các chứng cứ này thêm một lần nữa khẳng định, từ rất lâu, ông cha ta đã thực thi quyền làm chủ đối với 2 quần đảo này.

Đáng chú ý là các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, bộ sưu tập châu bản của vương triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1925-1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn, do Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tuyển chọn, biên dịch, công bố và do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm, hiến tặng. 

Hay bộ sưu tập gồm bản đồ, tư liệu, hình ảnh, 4 cuốn Atlas do Trung Quốc xuất bản và 1 bộ Atlas Thế giới gồm 6 quyển liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông và do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng sưu tầm. Những bản đồ này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, các triều đại phong kiến Việt Nam đã cử người ra khai thác hải vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền và lập bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển, đảo khác trên biển Đông.

Không chỉ vậy, việc Việt Nam khai phá và xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được các nhà hàng hải, địa lý học, thương gia,... người phương Tây ghi nhận qua những tấm bản đồ xuất bản ở phương Tây từ thế kỷ XVI đến XIX. Trong khi đó, những bản đồ Trung Quốc do phương Tây xuất bản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX và cả những bản đồ Trung Quốc do chính nhà nước Trung Quốc xuất bản trước đây đều chứng tỏ Trung Quốc không có liên quan gì đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. 

Góp phần giáo dục lòng yêu nước

Năm 2015, lần đầu tiên Long An được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý. Với trên 150 bản đồ, tranh ảnh, tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ thế kỷ XVI đến XX, triển lãm nhận được rất nhiều tình cảm và sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. 

Em Phan Thị Ngọc Ánh, ngụ ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An hiện là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, là một trong những người dự triển lãm từ những ngày đầu tiên tổ chức tại Nhà Thiếu nhi tỉnh, cảm thấy vô cùng tự hào.

Cán bộ và nhân dân huyện Tân Trụ tham quan triển lãm

Cán bộ và nhân dân huyện Tân Trụ tham quan triển lãm

Em chia sẻ: “Thông qua những hiện vật được giới thiệu và trưng bày tại triển lãm giúp em hiểu sâu hơn và càng cảm thấy tự hào về lịch sử của dân tộc. Để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước, em thấy mình có trách nhiệm phải học tập tốt hơn nữa, sau này đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”. 

Dù chưa có điều kiện ra thăm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhưng Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Hưng - Võ Văn Đa thường xuyên theo dõi tình hình biển, đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Anh bày tỏ: “Ngoài những tư liệu, bản đồ quý giá, triển lãm còn trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của quân - dân ta. Đây là những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Tổ quốc mà các thế hệ cha ông đã dày công khai phá và giữ gìn. Là thế hệ trẻ, tôi nguyện đem sức lực, trí tuệ của mình góp phần giữ vững toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Học sinh huyện Thạnh Hóa lắng nghe giới thiệu về Hoàng Sa, Trường Sa

Học sinh huyện Thạnh Hóa lắng nghe giới thiệu về Hoàng Sa, Trường Sa

Nhằm góp phần tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam, Tỉnh ủy Long An chỉ đạo thực hiện triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý lần lượt ở 14 huyện, thị xã trong tỉnh từ năm 2016 đến 2018. “Theo Kế hoạch số 140-KH-UBND, ngày 07/9/2018 của UBND tỉnh, từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục tổ chức triển lãm tại một số trường trung học, doanh trại quân đội, đơn vị công an; tổ chức hội thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cho các đội tuyên truyền lưu động của các huyện, thị xã, thành phố,...” - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh - Nguyễn Thị Sáu cho biết. 

Có thể nói, từ những bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm giúp mọi người hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết