Tiếng Việt | English

03/01/2017 - 15:06

Nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), hệ thống chính trị và nhân dân các xã tiếp tục chung tay giữ vững, nâng chất các tiêu chí, góp phần tạo diện mạo mới cho quê hương.

Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành tỉnh Long An là một trong những xã được công nhận NTM đầu tiên của tỉnh vào đầu năm 2014. Toàn xã có gần 700ha đất tự nhiên, 1.225 hộ với 5.759 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó, thanh long là cây trồng chủ lực.

Cầu giao thông nông thôn tại ấp Vịnh Xuân B xã Dương Xuân Hội đang được xây dựng với kinh phí khoảng 80 triệu đồng do nhân dân đóng góp và thi công

Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Hồ Thanh Hùng thông tin: Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2014, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã tiếp tục chung tay giữ vững và nâng chất các tiêu chí. Đặc biệt, xã tập trung các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất,... nhằm tạo điều kiện cho người dân trong xã phát triển sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống văn hóa trên địa bàn. Từ đó, góp phần giữ vững danh hiệu xã NTM theo hướng bền vững.

Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Dương Xuân Hội cơ bản được hoàn thiện, tuy nhiên, còn một số tuyến đường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của người dân. Vì vậy, sau khi đạt chuẩn, địa phương tiếp tục thực hiện nhựa hóa, bêtông hóa một số tuyến đường với kinh phí trên 2 tỉ đồng do người dân đóng góp. Đặc biệt, tuyến đường Vành đai Mỹ Xuân 1 được mở rộng với tổng kinh phí gần 1 tỉ đồng từ kinh phí của người dân. Đến nay, các tuyến đường trên địa bàn xã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.

Hiện tại, xã có 18 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 21km. Tất cả các tuyến kênh đều được nạo vét với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp 400 triệu đồng, bảo đảm cung cấp 100% nước tưới.

Đường Vành đai Mỹ Xuân 1 ( xã Dương Xuân Hội) được mở rộng và bê tông hóa từ 1.2 mét lên 2.5 mét với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng do nhân dân đóng góp

Ông Đỗ Phúc Các, ở ấp Mỹ Xuân chia sẻ: “Từ khi xây dựng thành công xã NTM, diện mạo của địa phương có nhiều thay đổi. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bêtông hóa, kênh, mương được nạo vét,... giúp người dân thuận tiện trong phát triển sản xuất và đi lại. Thấy được hiệu quả đó, người dân cùng góp sức để giữ vững, nâng chất các tiêu chí. Gia đình tôi cũng đóng góp 15 triệu đồng và hiến khoảng 100m2 đất để mở rộng tuyến đường Vành đai Mỹ Xuân 1”.

Mặc dù không nằm trong lộ trình xây dựng xã NTM của huyện Cần Đước tỉnh Long An nhưng xã Tân Lân phát huy mọi nguồn lực và về đích xã NTM vào đầu năm 2014 (Tân Lân là 1 trong 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh). Toàn xã hiện có 11 ấp với diện tích tự nhiên trên 1.700ha, 2.816 hộ, dân số 11.636 người.

Từ khi đạt chuẩn xã NTM, Tân Lân tiếp tục đẩy mạnh việc nâng chất các tiêu chí NTM theo hướng đạt bền vững, trong đó, tập trung nâng chất các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập,... Hiện xã có 28 sông, kênh, rạch với chiều dài trên 53km, hàng năm đều được nạo vét. Đến nay, các sông, kênh, rạch bảo đảm 100% nước tưới cho sản xuất. Riêng trong quí IV-2016, xã vận động người dân đóng góp để nạo vét kênh 19/5 đoạn 1 với kinh phí khoảng 25 triệu đồng.

Đường giao thông nông thôn tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước được hoàn thiện, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương  (trong ảnh: Tuyến đường ấp Ao Gòn được  nhựa hóa khang trang)

Bên cạnh đó, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất được xã tập trung nâng chất để cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. So với năm 2014, hình thức tổ chức sản xuất đến cuối năm 2016 phong phú hơn, toàn xã hiện có 78 trang trại chăn nuôi gia cầm (quy mô 2.000 con trở lên), 350 gia trại chăn nuôi (quy mô 2.000 con trở xuống), 2 hợp tác xã nông nghiệp, 8 tổ hợp tác chăn nuôi. Từ đó, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2014, thu nhập bình quân của xã đạt 31 triệu đồng/người, thì năm 2016 tăng lên 42 triệu đồng/người.

Ông Lê Văn Dũng, ở ấp Bà Thoại, xã Tân Lân cho biết: “Việc xây dựng thành công xã NTM giúp đời sống người dân được cải thiện. Để góp sức cùng địa phương, gia đình tôi tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất để phục vụ việc nâng chất xã NTM”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lân - Nguyễn Thị Trinh thông tin: “Thuận lợi của xã là nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của người dân. Ngoài các tiêu chí tập trung thực hiện, chúng tôi tiếp tục nâng chất hơn nữa các tiêu chí khác để phục vụ sự phát triển KT-XH tại địa phương”.

Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 57/166 xã đạt chuẩn NTM. Chỉ tiêu đặt ra trong năm 2017, có thêm 8 xã được công nhận xã NTM.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết