Tiếng Việt | English

22/03/2018 - 09:20

Nâng chất xã văn hóa: Hành trình không ngừng nghỉ

Để xây dựng thành công xã văn hóa (XVH) không dễ, việc phấn đấu giữ vững, nâng chất các tiêu chí (TC) lại càng khó hơn. Các xã khi được công nhận XVH đều có những “điểm trừ” còn nợ để quyết tâm hơn trong việc nâng chất sau này.

Thủy Tây còn phải nỗ lực hoàn tất hệ thống hạ tầng giao thông qua các ấp, vì đó là một tiêu chí bị trừ điểm (Trong ảnh: tuyến đường liên ấp 1 - ấp 4 thuộc xã Thủy Tây được hoàn tất 80%)

Thay đổi sau khi được công nhận xã văn hóa

Mỹ Bình được xem là một trong những xã còn khó khăn của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Sau nhiều năm phấn đấu, Mỹ Bình được công nhận XVH vào năm 2017 với nhiều thành tích nổi bật: Đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo giảm, toàn xã không có trường hợp sinh con thứ 3.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình - Trương Phú Sơn cho biết: Kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân. Để giúp người dân phát triển kinh tế, địa phương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang thanh long và hoa màu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.

Gia đình chị Võ Thị Khanh (ấp Bình Tây) từng là hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất, phải sống nhờ trên mảnh đất mượn của người thân. Được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh chị đầu tư vào chăn nuôi và thuê đất trồng trọt. Đến nay, vợ chồng chị Khanh cất được nhà riêng, có điều kiện nuôi 2 người con ăn học. Chị kể: “Đứa con lớn của tôi vào đại học, con nhỏ đang học THCS. Chồng tôi làm công nhân, tôi ở nhà thuê đất trồng trọt, may đồ”.

Nhờ được chính quyền hỗ trợ, lao động chăm chỉ, gia đình chị Võ Thị Khanh thoát cảnh khó nghèo (Trong ảnh: Chị Khanh may đồ trong nhà mới)

Năm 2017, xã Mỹ Bình có 27 hộ nghèo (chiếm 2,7%), giảm 7 hộ so với năm 2016. Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, người dân có điều kiện tiếp cận nhiều hoạt động văn hóa, giải trí thông qua tivi, Internet. Bên cạnh đó, những câu lạc bộ, tổ, nhóm tổ chức sinh hoạt đều đặn, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân nông thôn.

“Cũng vì kinh tế phát triển nên một bộ phận người dân có tư tưởng muốn sinh thêm con cho vui cửa, vui nhà. Mỹ Bình luôn xác định không sinh con thứ 3 trở lên là TC không bền vững, cần tập trung toàn lực để giữ vững kết quả năm 2017, đồng thời nâng chất các TC” - ông Sơn cho biết thêm.

Quyết tâm đó được thể hiện bằng sự phân công cụ thể từng đoàn thể, cá nhân theo dõi, nắm bắt tâm lý, tình cảm, kịp thời tuyên truyền, vận động người dân không sinh con thứ 3 trở lên. Ông Sơn còn dự định tổ chức hội thảo về không sinh con thứ 3 trở lên tại địa phương, từ đó xác định đối tượng và cách tuyên truyền thích hợp để giữ vững kết quả năm 2017.

Rác thải sinh hoạt - nỗi lo chung

Mỹ Bình tập trung nâng chất TC vệ sinh môi trường. Đây là TC xã bị trừ điểm trong đợt phúc tra công nhận. Ông Sơn xác nhận, thời gian tới, xã cần tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức người dân trong việc xử lý rác. Xã cũng lên kế hoạch vận động người dân ở cách xa đường chính đóng kinh phí hỗ trợ một cá nhân thu gom và mang rác ra ngoài.

Thực tế cho thấy, TC vệ sinh môi trường, đặc biệt là rác thải sinh hoạt, cảnh quan môi trường là TC “đáng sợ” nhất vì hầu hết địa phương được phúc tra đều mất điểm ở TC này. Nếu Mỹ Bình bị trừ điểm do còn rác thải trên đường gây mất vệ sinh thì xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa lại bị trừ điểm do thu gom rác chưa đạt và còn rác thải trên đường.

Thời gian tới, xã Mỹ Bình tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc xử lý rác (Trong ảnh: Thùng rác đặt ở các tuyến đường chính tại xã Mỹ Bình)

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngoài những kết quả tốt thì các xã được phúc tra còn hạn chế ở các TC: Vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, thu gom rác thải sinh hoạt chưa triệt để, khu dân cư vẫn còn rác,... Từ đó cho thấy, các xã cần tiếp tục nỗ lực nâng chất TC bị trừ điểm để giữ vững và phát huy danh hiệu XVH.

Tại Thủy Tây, Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Thiết cho biết: Xã tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động người dân nhằm thay đổi nhận thức trong việc xử lý rác thải sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mình.

Quyết tâm bài trừ ma túy

Thủy Tây nỗ lực hoàn tất hệ thống hạ tầng giao thông qua các ấp cũng như kiểm soát tệ nạn ma túy. Năm 2016, Thủy Tây có 4 đối tượng nghiện ma túy, chính quyền, đoàn thể phối hợp công an kiểm tra, vận động, đến cuối năm, có 2 đối tượng từ bỏ hẳn ma túy. Tuy nhiên, lại có 3 đối tượng khác vướng vào nghiện ngập trở về địa phương. Cả hệ thống chính trị lại tiếp tục vào cuộc.

Hàng tháng, công an xã cùng đoàn thể lập đoàn đến thăm và khuyên răn đối tượng. Mỗi tuần, các đoàn thể đều đặn đến thăm, theo dõi sự tiến bộ của từng đối tượng. Nếu không có sự theo dõi sát sao đó, có lẽ L.T.H (sinh năm 2001) không thể từ bỏ được ma túy. Gia đình không hạnh phúc, H. về sống với ông bà ngoại. Bỏ học sớm, H. đi làm thuê, bị bạn bè rủ rê nên sa vào nghiện ngập, bị đưa về địa phương. Trong suốt thời gian đó, công an cũng như đoàn thể của xã thường xuyên lui tới vừa chia sẻ, vừa răn đe. Hơn năm sau, H. từ bỏ hẳn ma túy, hiện sống tại địa phương, hành nghề chạy xe Honda ôm.

Theo Trung tá Trần Minh Cường - Trưởng Công an xã Thủy Tây, hầu hết đối tượng nghiện ma túy đều có tuổi đời rất trẻ, được công an cùng chính quyền, đoàn thể theo dõi, nhắc nhở, tạo điều kiện, một số đối tượng cai được ma túy và hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 9 đối tượng nghiện ma túy nhưng đến thời điểm này, có 8 đối tượng hòa nhập cộng đồng, 1 đối tượng áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Hầu hết các TC xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đều ở mức cao. Tại các xã, phường, thị trấn được phúc tra vào cuối năm 2017 đều có chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch, hoạt động văn hóa - xã hội, cảnh quan môi trường có chuyển biến. Đó là kết quả của việc thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương.

Cả Thủy Tây, Mỹ Bình và nhiều xã khác được công nhận đạt chuẩn XVH đều có những điểm trừ nhất định. Đó là những điểm trừ để xã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thiện hơn nữa nhằm giữ vững danh hiệu XVH được xây dựng bằng tâm sức của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết